Sau 37 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, những tưởng đồng lương hưu sẽ đủ cho cô an hưởng tuổi già, nhưng chỉ với 1,3 triệu đồng/ tháng, ngày nhận quyết định về hưu cũng là ngày cô Trương Thị Lan, giáo viên trường Mầm non Lê Duẩn tất bật với những công việc khác để trang trải cuộc sống hàng ngày. Câu chuyện của cô Lan đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội và dư luận những ngày qua. |
37 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người
17h chiều, cổng trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chật kín như nêm những phụ huynh tới đưa đón học sinh. Dưới khu nhà bếp, cô Lan đang vội vàng xếp lại chỗ bát đĩa cuối cùng để về nhà.
Người ta gọi “cô Lan” là bởi cách đây ít hôm, cô là một trong những giáo viên của trường này. Sau khi nhận quyết định về hưu với đồng lương “không đủ sống”, cô đã xin vào làm nhân viên phụ bếp của trường.
"Chiều 26/10, tôi đang làm việc trong phòng thì thấy cô Lan chạy giữa sân trường, hét thất thanh như người "điên".
Tôi chạy ra thì cô gục xuống ôm lấy chân tôi và khóc nức nở. Cô nói, cô không tin rằng lương hưu của mình lại thấp đến thế. Tất cả các giáo viên trong trường cũng chạy ra và ôm nhau khóc.
Những ngày sau đó, một số giáo viên cũng dao động, nhưng khi thấy các đại biểu Quốc hội quan tâm thì đã ổn định công tác trở lại.
Cô Lan là một giáo viên hiền lành, yêu thương con trẻ, được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh quý mến. Những năm đứng lớp cô đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì hoàn cảnh quá khó khăn nên sau khi nghỉ hưu, cô xin làm phụ bếp ở trường và được Ban giám hiệu đồng ý."
Cô Nguyễn Thị Thu Hà
Hiệu trưởng trường Mầm non Lê Duẩn
Dắt chiếc xe đạp mini cũ kỹ, tuềnh toàng, cô Lan lách qua dòng người rồi hối hả lên xe về nhà. Nhìn người phụ nữ mảnh khảnh, tóc đã bạc đi già nửa và lưng đã còng xuống vì tuổi tác lấy hết sức bình sinh đạp cho chiếc xe chạy nhanh hơn trên con đường lởm chởm đất đá giữa chiều đông..., ai cũng thấy se lòng. |
Cô Lan (SN 1962) trong một gia đình có 4 anh chị em ở xã Cẩm Duệ. Là con út nên dù gia đình rất khó khăn nhưng cô cũng được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng. Học xong lớp 7 (hệ 7/10), cô về quê tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương.
Đến năm 1980, trước sự động viên của cấp ủy địa phương, cô bắt đầu sự nghiệp trồng người ở bậc học mầm non. Để bổ túc thêm kiến thức, những năm 1986 - 1987, cô theo học ở trường Mầm non Nghệ Tĩnh (TP Vinh, Nghệ An). Đến năm 2013, thực hiện chủ trương chuyển các lớp mầm non từ các thôn lên trường xã, cô theo trò lên dạy học ở trường Mầm non Lê Duẩn.
Nói về những ngày đầu đi dạy, cô Lan kể: Lúc bấy giờ, giáo viên rất hiếm, hợp tác xã vận động những người được học chút đỉnh đi dạy chữ cho các cháu rồi dần dần bổ túc kiến thức sau.
Lương giáo viên mầm non cũng chỉ 15kg thóc/1 học kỳ, sau lên 30kg/1 học kỳ. Đi học bổ túc kiến thức cũng không có hỗ trợ, giáo viên phải tự lấy thóc nhà mang đi học.
Trước sự “khắc nghiệt” của cuộc sống và nhu cầu “cơm áo gạo tiền”, nhiều đồng nghiệp cùng thời đã tìm những công việc khác có thu nhập cao hơn. Riêng cô Lan vẫn bám trường bám lớp vì yêu nghề, yêu trẻ.
“Nhiều đồng nghiệp xin nghỉ việc giữa chừng để ra ngoài làm việc khác. Người thì vào Nam lập nghiệp, người thì làm ăn buôn bán ở quê nhưng cơ bản đều khấm khá.
Tôi cũng đã nhiều lần ý định xin nghỉ, nhưng rồi nghĩ tới các con, các cháu nên lại thôi”, cô Lan chia sẻ và cho biết, ngày đó, vào những dịp lễ Tết, phụ huynh chở con đến nhà cô chơi, quà mang theo cũng chỉ là trái ổi, quả trứng gà….
Lương hưu không đủ sống
Chỉ kịp dựng chiếc xe xuống sân, cô Lan vội vàng thay bộ quần áo mặc ở nhà rồi chạy ra vườn hái rau cho lợn. Giữa chiều đông nhưng trên trán cô vẫn lấm tấm những giọt mồ hôi.
Cô Lan kể: Trước đây đi dạy, lương mỗi tháng được hơn 5 triệu nhưng chồng vốn đã yếu, lại bị nhiều bệnh (tai nặng, mắt mờ, tiểu đường…), cộng thêm con cái ăn học, phải rất tằn tiện mới đủ.
Giờ về hưu, mỗi tháng chỉ được 1,3 triệu đồng - chỉ đủ tiền thuốc thang cho chồng.
Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, ngoài xin làm phụ bếp ở trường, cô còn nuôi thêm đàn lợn, con trâu và làm 7 sào ruộng kiếm thêm thu nhập.
Sau mỗi giờ phụ bếp ở trường, cô Lan lại vội vàng về nhà lo cơm nước cho chồng rồi lặn lội xuống ruộng, ra chuồng trâu. Nhà cô Lan có 4 người con, cô con gái út vừa học xong lớp 12; Hai anh chị đầu cũng được học hành tử tế nhưng không xin được việc nên phiêu dạt khắp nơi làm lao động tự do.
Con gái thứ 3 học cao đẳng sư phạm, về làm hợp đồng “cô nuôi” nhưng hiện đang nghỉ sinh.
“Năm ngoái, có một giáo viên trong trường về hưu cũng chỉ được 1,4 triệu đồng/tháng. Tôi cứ nghĩ với 37 năm công tác và 22 năm 8 tháng đóng BHXH thì lương hưu của mình ít ra cũng được hơn 1,5 triệu/tháng.
Nhưng thật sự không ngờ lại thấp như vậy. Từng đó (1,3 triệu đồng) chỉ đủ để lo thuốc thang cho chồng, con cái chưa đứa nào ổn định nên càng lo lắng cho những ngày sắp tới. Tôi nghe mọi người trong trường nói, chuyện của tôi được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm.
Tôi chẳng dám đòi hỏi gì hơn, chỉ mong Nhà nước, Chính phủ nghiên cứu, thay đổi để không còn những giáo viên cống hiến cả đời cho sự nghiệp giáo dục mà cuối đời vẫn còn vất vả, long đong”, cô Lan nghẹn ngào.