Chỉ vài ba tháng nữa, qua Tết Nguyên đán 2018 là cô Nguyễn Thu Hà (sinh năm 1994) tròn 4 năm làm giáo viên mầm non. Dịp 20/11 năm nay là lần thứ 3 Thu Hà được trải nghiệm cảm giác được các thiên thần nhí chúc mừng, gửi tặng yêu thương trên lớp học nhỏ, khiến cô thêm yêu nghề và có thêm động lực để vượt qua những khó khăn mỗi ngày.
Thu Hà là cô giáo trẻ đang công tác tại 1 trường mầm non tư thục tại quận Đống Đa.
Sau gần 4 năm gắn bó với các em nhỏ, Hà đã thấy thấm thía sự vất vả của cái nghề mọi người vẫn hay rỉ tai nhau là "osin có bằng cấp" thời hiện đại.
Có những muộn phiền gần như không thể tâm sự với ai, chuyện nhạy cảm không dám kể, và có lúc đi làm về ngồi khóc, Hà đã muốn từ bỏ công việc mà ai cũng nói là "cả xã hội quý trọng".
Quý thật, nhưng cứ vài ba tháng, lại có thông tin nào đấy về chuyện cô giáo đánh trẻ, ngược đãi, bạo hành... khiến Hà và đồng nghiệp buồn thay cho chính bản thân mình.
Sau ngày đầu tiên đi làm, cô giáo Hà Nội xinh xắn đã từng khóc như mưa, xin mẹ... cho ở nhà y như các bé mới đi nhà trẻ, bởi thực tế công việc không giống như mơ mộng. "Làm cái nghề trăm dâu đổ đầu tằm áp lực lắm. Giáo viên mầm non cái gì cũng có thể làm được, từ tháo lắp quạt, cọ nhà vệ sinh, sửa bàn ghế, đồ chơi...
Chưa kể mỗi tháng đi tham quan dã ngoại 1 lần, trông cả một lớp nghịch ngợm, thở không ra hơi. Những dịp lễ tết ở lại đến tối tập văn nghệ, hoặc làm thêm giờ, chỉ được hỗ trợ có 20-30k ăn tối thôi, nhưng nói thật chả ăn được gì vì tất bật luôn chân luôn tay.
Xuất phát từ sinh viên Nhạc viện, Hà "rẽ ngang" với cái duyên nuôi dạy trẻ.
Bây giờ còn có camera soi trên đầu nữa, đồng nghĩa với việc sẽ có bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác, cả họ hàng các cháu truy cập xem trực tuyến, chưa kể quản lí đi kiểm tra liên tục thường xuyên, mình không làm gì có lỗi nhưng chạy trông mấy chục trẻ, mỗi đứa 1 tính 1 nết, mỗi đứa 1 thể trạng sức khoẻ khác nhau, mình có mệt cũng không dám lơ là.
Một ngày lau dọn quét lớp cả chục lần, giặt giũ nôn trớ ị tè là thứ bọn mình phải đối diện thành quen.
Ngày nào cũng ròng rã từ 7h sáng đến 5 rưỡi chiều, không ít người đã nghĩ sẽ chọn công việc khác lương cao hơn là làm giáo viên mầm non 4 triệu/tháng.
Rồi báo đài thi thoảng xuất hiện những chuyện tiêu cực khiến mình chỉ muốn bỏ nghề. Xã hội ngày càng nhìn giáo viên mầm non bằng con mắt thiếu thiện cảm, mặc định là "cô nuôi dạy hổ" nữa cơ...".
Nghe mà cũng ngậm ngùi cho phận làm dâu trăm họ của Thu Hà và đồng nghiệp. Mỗi nghề mỗi cảnh, nhưng đúng là nhắc đến cô giáo mầm non, những nỗi khổ của họ là không thể giấu diếm.
"Mình rất xót xa, buồn rầu khi nghe ai đó nói nghề mình là cô nuôi dạy hổ...".
Hà bộc bạch rất thẳng thắn về khó khăn của nghề mà bản thân cô đã trải nghiệm gần 4 năm đứng lớp.
"Lắm lúc tụi mình đùa nhau là chọn cái nghề phải kiêm quá nhiều chữ 'sĩ': nghệ sĩ, bác sĩ, họa sĩ, thi sĩ... Biết hát, biết múa, biết đọc thơ, biết kể chuyện diễn cảm, dạy toán, dạy thể dục, dạy tạo hình, vẽ xé dán... ôi ti tỉ thứ như giáo sư vậy.
Lúc các cháu ốm đau đột xuất, cô gọi cho bố mẹ để thông báo, có khi họ bận không đến được thì lại cô cháu tự chăm nhau. Nhiều khi gọi muốn cháy cả máy, phụ huynh cứ thuê bao hoài, nhưng lên facebook nhắn tin thì lại thấy đang online liên lạc được, không biết nên khóc hay cười.
Giờ ăn, giờ ngủ lúc nào cũng phải luôn sát sao với các cháu. Nhiều người hỏi mình giờ ngủ thì để ý lớp làm gì? Nhưng có những sự cố dễ xảy ra như nghẹt thở do bé nằm úp, thời tiết nóng lạnh dễ bị cảm, rồi các bé đạp chăn ra, đang ngủ thì tè dầm ị đùn nữa.
Ai có con nhỏ đều hiểu công việc của bọn mình, nhưng có nhiều người thì vô tâm lắm, họ chỉ nghĩ là trẻ lành lặn về nhà mới được coi là ổn, còn cái khác trên lớp cô phải tự lo hết.
4 năm đi dạy, Hà đã chứng kiến nhiều lớp mầm non "tốt nghiệp" ra trường với bao kỉ niệm đáng nhớ.
Ngần đấy thứ phải làm, xoay như chong chóng, về đến nhà mệt nhoài đến mức thở thôi cũng thấy chán, chẳng muốn đi đâu làm gì. Thế nên các cô giáo tầm trẻ trẻ như mình, toàn chưa có người yêu, đừng nói lấy chồng rồi.
Vì làm gì có thời gian mà tìm hiểu ai? Gần hết thời gian ở trên lớp, hạn hẹp mối quan hệ, môi trường làm việc thì toàn phụ nữ, đâu ra đàn ông?
Mà tụi mình cũng hay mắc nhiều bệnh mang tính chất nghề nghiệp. Không thoái hóa cột sống thì cũng bị bệnh về phổi với họng, như mình bị xoang dị ứng, mấy hôm nay trời lạnh mũi tắc nghẹt đau rát, mà chẳng dám nghỉ. Nghỉ thì ai làm?
Quân số giáo viên trong trường chỉ có thế, nghỉ thì đồng nghiệp chung lớp sẽ phải gánh cả phần mình để chăm nom các cháu, nghĩ đến đấy lại cố nhấc người dậy để đi".
Lương giáo viên 3 cọc 3 đồng, thứ giá trị nhất, ý nghĩa nhất trong nghề của Hà là tình yêu thương của các bé dành cho cô.
Thu Hà cũng rất nỗ lực để mọi người cảm thông, có cái nhìn cởi mở hơn về công việc của mình. Cô giáo trẻ cho rằng, những sự việc đáng tiếc xảy ra đều xuất phát từ việc không kiềm chế được bản thân khi ở trong môi trường căng thẳng, mỗi bé một tính nết khác nhau, nghịch ngợm quậy phá là không tránh khỏi, chứ chẳng ai muốn bị bêu riếu xấu mặt mình, liên lụy đến cả gia đình, đồng nghiệp.
"Mình từng nghe nhiều tâm sự của các chị em cùng ngành, nói ra thì xót xa lắm. Người thì lương 2 triệu, người phụ bếp ở trường mẫu giáo có 1 triệu 7/ tháng. Mình đi làm từ ngày đồng lương có 2,5 triệu tăng được 200 ngàn, rồi lên dần mới được 4 triệu như hiện tại.
Năm đầu đi làm, gần Tết thấy ai cũng có lương thưởng cầm về, chỉ có mình người mới nên không có gì hết, cảm giác tủi thân vô cùng. Không phải vì ham tiền, mà lúc ấy khao khát nhận được sự động viên khích lệ, dù ít ỏi, để mình thấy yêu nghề hơn, được ghi nhận công sức.
Về nhà, buồn khóc kể với mẹ, mẹ ôm mình nói, không có thì thôi, cố gắng rồi sẽ được đền đáp. Mình làm từ lớp nhà trẻ 18-24 tháng , 24-36 tháng, mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ, mẫu giáo lớn... đủ hết rồi, mới trưởng thành và kiên định với nghề như hôm nay".
Cô giáo mầm non là nghề dâu trăm họ, kiêm trên mình cả đống chữ "sĩ": họa sĩ, ca sĩ, bác sĩ, thi sĩ...
Biết bao kỉ niệm vui buồn Thu Hà vẫn nhớ từ những ngày đầu tiên bỡ ngỡ đứng lớp. "Ngay hôm mới nhận việc, mình vừa đến trường đã gặp cảnh phụ huynh cầm dép đuổi một cô giáo chạy quanh sân, vừa đuổi vừa mắng ầm lên sao cô làm ngã cháu tôi.
Đấy là ông của một bé học sinh, chạy chơi trong lớp nô đùa với bạn tự ngã chảy máu môi, dù cô giáo và nhiều người làm chứng phân bua rõ ràng nhưng phụ huynh vẫn không tin, cho là cô thế nọ thế kia. Mình sợ hết hồn luôn.
Trộm vía mình chưa từng bị bố mẹ cháu nào mắng oan, chỉ gặp toàn chuyện vui thôi, đáng yêu lắm. Như có lần, mình dặn cả lớp mang ảnh gia đình đi học để tập giới thiệu.
Chẳng hiểu tự chọn kiểu gì, có em mang ảnh chụp bố mẹ đi uống bia tá lả với bạn bè lên, xong hớn hở khoe trước lớp: đây là bố H mẹ M đi uống bia, để con ở nhà với bà, bố mẹ trốn đi nên không có mặt con.
Mình vừa cười vừa ôn tồn dạy bé là ảnh ấy sai rồi, phải là ảnh cả nhà bên nhau ấm áp như của bạn A kia cơ. Bé nhất quyết không nghe, dỗi cả cô luôn.
Rồi những lần cùng các con tập múa hát, nhà mình ở Xã Đàn nhưng tối muộn vẫn lặn lội ra tận khu Mai Dịch thuê quần áo cho các con sáng sớm đi diễn. Ngủ được có tí, nhưng sáng ra nhìn các con xinh đẹp như vườn hoa nhỏ líu ríu trên sân khấu, bao mệt nhọc lại tan biến".
GV mầm non thiệt thòi khoản chồng con, vì hầu hết thời gian đều dành cho việc trông trẻ.
Thu Hà tiết lộ, vốn dĩ trước đây cô là sinh viên Nhạc viện, nhưng đi làm thêm dạy nhạc, thấy yêu lũ trẻ vô cùng, nên chuyển sang học mầm non luôn.
Gia đình có truyền thống kinh doanh, bố làm bộ đội dạy dỗ cô khá nghiêm khắc, nên Hà được bố mẹ dặn rằng nếu xác định gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, phải luôn coi các bé như con cháu mình, yêu thương chúng hết mực, dù biết trước sẽ có lúc chúng làm mình stress đến phát điên.
Có hậu phương nên Thu Hà cũng yên tâm đi dạy. Dù đồng lương còm cõi nhiều khi phải nhờ bố mẹ giúp đỡ, nhưng cô giáo trẻ thấy mình may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác, vì bớt được khoản phải trả thuê nhà, điện nước, ăn uống đủ thứ.
Chưa có chồng mà có mấy chục đứa con, cứ đến trường là Hà thấy được tiếp thêm vitamin tươi trẻ.
Lần nào nghe các bé gọi mình là "mẹ", Thu Hà cũng hạnh phúc hơn tất thảy, làm động lực bỏ lại những gian truân trong nghề ở sau lưng.
Mỗi sáng tới lớp, thấy nụ cười của đám nhóc tinh nghịch hồn nhiên, Hà lại thấy mình tươi tắn như nụ hoa được tắm ánh nắng mặt trời, lại bắt tay "chiến đấu" với quân đoàn nhí đến tận chiều tối.
"Có rất nhiều thứ để than thở nhưng không phải tất cả đều là tiêu cực, bọn trẻ đáng yêu lắm, có những hôm chúng biết cô mệt, tự nhắc nhau: đừng có nói nhiều cô mệt phải uống thuốc kìa. Cảm động rơi nước mắt.
Rồi cả phụ huynh cũng khiến mình cảm nhận được sự chân thành, họ coi trọng cô giáo đã chăm sóc cho con họ, thấu hiểu các cô bằng cái tâm thật sự.
Ngày 20/11 năm nay, mình đã thấy bản thân mình thực sự đủ chín chắn, kiên nhẫn và vượt qua được khó khăn trong nghề. Chúc cho ngành của chúng ta, những con người lái đò qua sông sẽ chở được nhiều ước mơ hi vọng tốt đẹp hơn cho thế hệ mầm non tương lai!".