Mới đây, tin tức về một giáo viên mẫu giáo ở Sơn Đông (Trung Quốc) đã làm dấy lên làn sóng bàn tán sôi nổi. Theo đó, khi vệ sinh bồn tiểu, cô giáo mầm non chọn làm bằng tay trần thay vì sử dụng dụng cụ vệ sinh thích hợp. Hành động của cô giáo được nhiều người khen là "tận tâm" nhưng phụ huynh lại vô cùng lo lắng.
Khi vệ sinh bồn tiểu, cô giáo mầm non chọn làm bằng tay trần thay vì sử dụng dụng cụ vệ sinh thích hợp.
Nhiều người cho rằng, đằng sau cách tiếp cận của người giáo viên này có rất nhiều triết lý giáo dục. Trước hết, cô dùng hành động của chính mình để truyền đạt cho các em một loại giá trị, đó là sự chăm chỉ, tiết kiệm, biết giữ gìn tài sản công. Phương pháp giáo dục này sinh động và mạnh mẽ hơn nhiều so với việc rao giảng đơn giản.
Thứ hai, hành động cô giáo còn thể hiện sự cao quý, giá trị của lao động đối với các em, đồng thời để các em hiểu rằng lao động không phải là việc thấp hèn mà mọi người nên trân trọng.
Tuy nhiên, về phía phụ huynh, đa phần cho rằng trong xã hội hiện đại, vai trò của giáo viên mầm non không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn hướng dẫn trẻ hình thành những thói quen tốt, phát triển kỹ năng xã hội và kỹ năng tự chăm sóc bản thân.
Hành động của giáo viên này dù có vẻ tận tâm nhưng vẫn ẩn chứa những rủi ro không đáng có đối với sức khỏe của trẻ. Sử dụng các dụng cụ làm sạch thích hợp và các biện pháp bảo vệ có thể làm vệ sinh hiệu quả hơn và giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn.
Sự việc này cũng khiến nhiều người suy ngẫm về sự "cống hiến". Cống hiến là một tinh thần đáng được tôn trọng, nhưng liệu nó có tổn hại đến những cá nhân khỏe mạnh hay không là một câu hỏi đáng bàn.
Ở bất cứ ngành nghề nào cũng cần chú ý đến tính khoa học, an toàn lao động. Tính chuyên nghiệp của các giáo viên đáng được tôn trọng nhưng không nên đánh đổi bằng sức khỏe.
Hiện câu chuyện vẫn nhận về nhiều phản ứng trái chiều trên mạng xã hội.