Người cha phải cầm sổ đỏ để cứu con
Ngày 23/5, PV đã trở lại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm để tìm hiểu thêm về cuộc sống của chị Huyền sau những ngày lâm nạn. Đây là ngôi nhà cũ của gia đình bố mẹ và cũng là nơi chị Huyền tá túc cùng chồng và con trai lúc trước khi bị chính chồng tạt axit.
Ông Đặng Văn Xuân chia sẻ với PV
Là người trực tiếp bắt giữ con rể khi vừa gây ra vụ tạt axit khiến Huyền gục tại chỗ và cũng là người bên cạnh con gái trong suốt quãng thời gian hơn 1 năm tại bệnh viện, ông Đặng Văn Xuân (bố chị Huyền) chia sẻ: "Nhà tôi giờ này không còn thứ gì ngoài những đồ đạc sinh hoạt, sổ đỏ thì cũng đã phải cầm để có tiền lo chữa bệnh cho con".
Chia sẻ thêm về con gái, ông Xuân cho hay, sau hơn 1 năm điều trị tại bệnh viện, mới đây Huyền nhớ nhà nên đòi về 2 ngày rồi lại tiếp tục trở lại bệnh viện để chuẩn bị sắp tới tiếp tục được các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
"Tính đến nay đã 21 lần phẫu thuật, may con tôi vượt qua được cửa ải tử thần, chi phí điều trị cho con đến nay đã hơn 1 tỷ đồng, cũng may trong số đó nhiều bạn bè, cộng đồng giúp đỡ phần nào nếu không gia đình cũng không biết xoay xở ra sao. Có lúc gia đình kiệt quệ tính đến chuyện bán đất để lo chạy chữa cho con gái tôi", ông Xuân chia sẻ.
Căn phòng vợ chồng Huyền từng tá túc với bố mẹ
Tiếp tục câu chuyện, ông Xuân cho hay, vụ án mới đây đã được TAND huyện Gia Lâm giải quyết, Phạm Văn Thông (SN 1983 - chồng nạn nhân) bị phạt 7 năm tù giam. Nhưng điều khiến gia đình ông Xuân cảm thấy rất buồn vì từ sau hôm kết án, phía gia đình thông gia gần như không còn liên lạc, không còn trách nhiệm với con dâu.
"Ngay sau khi con gái tôi nhập viện, bà thông gia có đến viện chăm sóc con dâu hơn 1 tháng rồi về. Đến khi tòa gọi ra để giải quyết, ai ngờ bà ấy đưa ra con số 120 triệu là những khoản tiền đã chi phí và tiền công chăm sóc. Về vấn đề này, gia đình tôi có hỏi hóa đơn chứng từ thì họ bảo không có".
Theo ông Xuân, sau phán quyết của tòa gia đình ông mong muốn phía thông gia có trách nhiệm mỗi tháng đóng góp cho con trai của chị Huyền cho đến hết 18 tuổi, mỗi tháng 2 triệu đồng để ăn học nhưng cũng chưa nhận được đồng nào.
"Tôi không mang lòng hận thù"
Cùng ngày, chúng tôi cũng đến bệnh viện Bỏng Quốc gia nơi Huyền đang nằm điều trị, gặp chúng tôi chị Huyền tỏ ra vô cùng lạc quan với khuôn mặt đầy những vết sẹo, trên đầu toàn bộ cơ da bị co lại, mất một vành tai trái và chỉ còn duy nhất một chỏm tóc đã nhuốm bạc màu.
Những vết thương chưa thể lành sau sự việc đau lòng
Thế nhưng trong suốt cuộc nói chuyện với PV, Huyền luôn tỏ ra lạc quan và không có bất kỳ lời lẽ nào trách chồng.
"Dù sao thì sự việc đã xảy ra rồi. Tôi không mang lòng hận thù, tôi không muốn điều đó vì dù sao chúng tôi vẫn có một đứa con chung, con gái tôi vẫn cần có bố. Tôi cũng không muốn con gái mình vì chuyện này mà tâm lý bị ảnh hưởng.
Bản thân cũng nghĩ đơn giản chuyện đã xảy ra coi như mình không may mắn. Mình chỉ suy nghĩ sao sống tích cực, nghĩ đến biện pháp, hướng khắc phục hậu quả, còn sống còn cố gắng", Huyền tâm sự
Chia sẻ về nguyên nhân sự việc, Huyền kể, cách đây hơn 1 năm, dù ly hôn nhưng vì thương con hai người quyết định quay lại hàn gắn tình cảm với nhau và thuê một căn nhà ở cùng huyện. Thế nhưng chẳng được bao lâu sau vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
Hôm xảy ra sự việc, Huyền cùng chồng cũng có một số tranh cãi. Khi Huyền đang tính dọn đồ về nhà bố mẹ đẻ (dù ông Xuân bố đẻ đã kịp được gọi đến) nhưng Thông mang một ca axit mua từ trước hất thẳng vào người.
"Lúc đó tôi không nghĩ được tại sao anh ấy lại làm với mình như thế, tại sao anh ấy lại cạn tình, cạn nghĩa với mình như vậy. Tôi muốn tha thứ cũng không thể tha thứ được. Anh ấy không tôn trọng mình, không tôn trọng cả bố mẹ mình nên sau khi tỉnh tôi cũng cứ để pháp luật xử lý sau những gì anh ấy gây ra cho mình", chị Huyền tâm sự.
Từ một cô giáo xinh đẹp, Huyền bị mang tật nguyền vĩnh viễn chỉ vì ghen tuông của chồng
Sau khi vào Viện Bỏng Quốc gia cấp cứu, chị Huyền phải mất hơn 1 tháng nằm hôn mê sâu ở khoa Hồi sức tích cực. Cũng tại đây chị bị chết lâm sàng 5 ngày. Các bác sĩ cũng thông báo với người thân trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, gia đình chuẩn bị tâm lý. Rất may, sau đó, chị Huyền mới có những chuyển biến tốt.
"Lúc hồi tỉnh dậy tôi chưa hình dung mình bị biến dạng như thế này vì vẫn nằm liệt trên giường. Lúc đó các vết sẹo chưa ảnh hưởng, toàn thân đau đớn, từng vết thương cứ thế rỉ nước và máu khiến tôi đau đớn, ngứa không thể nào chợp mắt.
Đó là chuỗi ngày đầy đau đớn đến với tôi. 3 tháng sau khi bị tạt axit các vết thương mới bị ảnh hưởng nặng, cơ da bắt đầu co lại gây đau đớn vô cùng".
Huyền nhớ lại: "Tôi cũng bập bẹ tập nói từng câu chữ như đứa trẻ. Bên cạnh đó các bác sĩ cũng hướng dẫn tôi tập phục hồi chức năng, tập tay chân. Tôi bảo là tập thế này chứa đầy máu và nước mắt bởi mỗi lần nắm hay duỗi cơ các vết thương lại toé máu gây đau đớn. Tuy nhiên có vỡ vết thương chảy máu như thế thì cơ da mới mềm và cử động lại được", chị Huyền bày tỏ.
Con gái không nhận ra mẹ Huyền
Nằm trên giường bệnh, Huyền kể lại câu chuyện mới đây sau hơn 1 năm trải qua tổng cộng 21 lần phẫu thuật cấy ghép da trên cơ thể và hôm "trốn viện" để về nhà thăm con gái còn nhỏ.
Khi thấy khuôn mặt của mẹ con gái chị giật mình không dám lại gần. "Ban đầu con nhìn thấy khuôn mặt mẹ như thế còn khóc vì sợ hãi. Sau con quen rồi bảo với tôi là mới đầu con nhìn mẹ con hết hồn nhưng nghĩ mẹ có bị biến dạng như thế nào mẹ vẫn là mẹ của con.
Nghe câu nói của con tôi thấy ấm lòng, tinh thần lạc quan. Hồi mới xảy ra chuyện con bị sang chấn tâm lý, các thầy cô và bạn bè rất quan tâm nên sau con cũng đã ổn định tinh thần. Tại thời điểm này tôi và mọi người tư tưởng ổn định hơn nhiều, ban đầu bố mẹ thấy tôi bị vậy khóc nức nở, giờ biết con chắc chắn sống rồi nên đã đỡ lo lắng hơn", chị Huyền cười khẽ nói.
Đối tượng Thông (áo trắng) khi sự việc xảy ra
Nói xong, Huyền trầm ngâm một lát và bày tỏ sự khát khao muốn được trở lại cuộc sống đời thường: "Mong muốn lớn nhất của tôi thời điểm này là tìm lại chính mình để được về đứng trên bục giảng, về hội nhập với mọi người, sống trong hình ảnh ngày xưa.
Tôi cho rằng sống chết có số. Mình không chết nên phải nghĩ sống có ý nghĩa, để người thân không phải thất vọng. Tôi cũng mới tham gia đăng ký dự thi hành trình lột xác với mong muốn tìm lại chính mình ngày xưa. Chứ hiện tại tôi mà đi dạy cũng chưa đủ tự tin. Bên cạnh đó tôi cũng không muốn ảnh hưởng đến cái nhìn của các con", chị Huyền nói.