Thế nhưng ít ai biết rằng để có được cơ ngơi như hôm nay, Nguyễn Thị Na - nữ CEO trẻ thuộc thế hệ 8X (1988) này bắt đầu gầy dựng sự nghiệp cho mình từ chính những chuỗi ngày đi làm thuê để tích góp.
“Mình muốn thay đổi số phận để không phải sống trong cảnh nghèo nữa. Điều quan trọng nhất đối với mình là gia đình, mình chỉ muốn làm thế nào để có thật nhiều tiền lo cho ba chữa bệnh. Và càng không muốn nhìn thấy cái cảnh mà người nhà của mình đi làm thuê. Mình khổ chừng đó là đủ rồi, mong các em không khổ giống như chị nó nữa!”.
Những lời chia sẻ trong nước mắt của Nguyễn Thị Na - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Phát nhớ lại những ngày đầu vào Sài Gòn lập nghiệp.
Không thỏa hiệp với số phận
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có bảy chị em ở tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Thị Na đã sớm phải nghỉ học khi còn là cô học sinh lớp 9.
Nhà lại có chín miệng ăn nên cái nghèo cứ đeo mãi gia đình họ. Rồi đến một ngày người cha - lao động chính trong gia đình lâm bệnh thì cô gái 15 tuổi này đã phải gác lại giấc mơ học tiếp THPT để đi làm thuê kiếm đồng ra đồng vào phụ giúp mẹ.
Năm 2003, Nguyễn Thị Na vào Sài Gòn với 200.000 đồng có trong tay, không người thân thích nhưng cô gái trẻ này lại mang theo một mong ước không nhỏ. Đó là làm sao phải kiếm được thật nhiều tiền gửi về quê cho cha chữa bệnh, cho mẹ nuôi các em thơ.
Để có tiền, Na không ngần ngại kinh qua đủ thứ công việc từ làm người giúp việc nhà, đến bán phụ tùng Honda, rồi làm thợ dệt và cuối cùng là phụ rửa chén bát cho các quán ăn vào thời gian rảnh mỗi tối… Tất cả công việc ấy chỉ để cóp nhặt những đồng lương ít ỏi gửi về phụ giúp gia đình.
“Xuất phát điểm đầu tiên khi em vào Sài Gòn là được giới thiệu đi ở đợ cho nhà người ta chị ạ, may mắn là chủ nhà rất tốt với em, thế nên 200.000 đồng phòng thân của em chẳng sứt mẻ đồng nào. Chỉ lâu lâu em mất tiền gọi điện thoại về nhà hỏi thăm gia đình thôi.
Thế nhưng lúc đó chẳng biết tủi thân là gì, biết khổ là gì, chỉ biết trong đầu mình chỉ tồn tại ba chữ phải tiến lên thôi” - Na gạt những giọt nước mắt của mình khi nhớ lại.
Nguyễn Thị Na (giữa) trong chuyến đi thiện nguyện tại quê hương Đắk Lắk. Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngoài việc phải kiếm thật nhiều tiền để phụ giúp gia đình, để chữa bệnh cho cha thì điều gì thôi thúc một cô gái chỉ mới 15 tuổi như Na quyết tâm làm giàu như vậy? Ngậm ngùi Na nói: “Vì muốn thay đổi số phận để không phải sống trong cảnh nghèo nữa.
Và lúc đó điều quan trọng nhất đối với mình là gia đình, mình chỉ muốn làm thế nào để có thật nhiều tiền cho ba chữa bệnh. Càng không muốn nhìn thấy cái cảnh người nhà của mình đi làm thuê. Và chỉ mong các em của mình không khổ giống như chị nó. Bao nhiêu khổ cực mình chấp nhận được hết, chỉ mong các em và ba mẹ không khổ thôi”.
Gạt những giọt nước mắt lăn trên má, Na kể tiếp câu chuyện của mình. “Khổ cực là thế nhưng chưa bao giờ mình thấy mất niềm tin vào cuộc sống, chưa bao giờ mình khóc cho những ngày khổ cực đã qua, trong đầu mình khi đó chỉ luôn nghĩ một câu thôi: Làm thế nào để có tiền? Dù khổ cực thế nào đi chăng nữa nhưng em chưa một lần than với ba mẹ hoặc em út hết.
Mỗi lần gia đình gọi điện thoại hỏi thăm, em cứ phải nói em sống trong này sướng lắm cho gia đình an tâm. Chị có tin không, trong những năm tháng đi làm thuê ấy chưa bao giờ em khóc hết, cũng chẳng tủi thân mặc cho bạn bè đồng trang lứa với mình đang được cắp sách tới trường” - Na tâm sự.
Kinh doanh nhờ tích gió thành bão
Vào Sài Gòn làm thuê được hai năm, có tư chất thông minh cộng với ý chí quyết tâm thoát nghèo, Na mạnh dạn nảy ra ý tưởng kinh doanh kiếm lời từ việc bán cà phê chế biến sẵn. Lúc đầu do vốn không có nhiều, Na cứ lấy của cơ sở rang xay từng ký cà phê một để về đi bán lẻ. Mỗi 1 kg cà phê bán lại Na lời được 10.000 đồng.
Và cứ thế rồi tăng lên 2 kg, 3 kg, 5 kg… Na lại có một khoản tiền dư ra. Tích gió thành bão. Từ một cô gái chuyên đi làm thuê ngày nào cuối cùng cũng làm nên chuyện, làm nên cơ nghiệp cho riêng mình.
Năm 2008, Na thành lập một xưởng rang xay gia công nhỏ. “Mang tiếng đã có xưởng rang xay cà phê nhưng lúc đó mình vẫn phải đi lấy cà phê ở nơi khác về bỏ mối để có thu nhập. Do bắt chước người ta làm chứ thật tình lúc đó mình có hiểu các công đoạn rang xay cà phê như thế nào đâu, nên cũng không thể gọi là mình đã chế biến được cà phê.
Vậy nên trong gần một năm trời mình cứ đi mua cà phê của người ta về rồi tự mày mò tách từng mẫu, từng hạt, dần dần mày mò nghiên cứu. Cũng chẳng biết từ đâu đây lại thành nghiệp của mình. Rồi cà phê trở thành đam mê của mình lúc nào chẳng hay”.
Ngỡ là vận may đã mỉm cười với mình, sau vài tháng đi vào hoạt động, Na phải đối mặt với bao khó khăn, từ nguyên liệu, chế biến đến cách rang như thế nào cho cà phê không bị cháy, khét. Trăm thứ áp lực dồn lên vai cô gái trẻ chỉ mới 20 tuổi này. Nhưng chính mong ước không muốn người thân mình khổ, một lần nữa giúp cô kiên trì vững bước.
Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường
Hơn tám năm, chỉ với một mong muốn cháy bỏng đó là làm sao để giúp gia đình mình có một cuộc sống sung túc nhất; làm sao để giữ lời hứa với người cha quá cố của mình.
Chính những mong muốn đơn thuần ấy đã giúp cô gái “chuyên đi làm thuê” trở thành chủ doanh nghiệp. Mừng cho những thành quả mà Na có được. Với độ tuổi của Na lúc đó cũng không phải độ tuổi để Na gánh vác mọi chuyện.
Năm 2012, mọi mong ước của cô gái trẻ Nguyễn Thị Na đã thành hiện thực. Thương hiệu cà phê Hoàng Anh Phát chính thức ra đời, không còn là một xưởng gia công nhỏ nữa.
Giờ đây Nguyễn Thị Na đã xây dựng được một “đế chế” cà phê cho riêng mình bao gồm các dòng sản phẩm: cà phê bột, cà phê hạt và cà phê hòa tan. Không dừng lại ở đó, tháng 11-2013, Na bắt đầu mở thêm các showroom trưng bày sản phẩm tại quận Tân Bình.
Nếu không tiếp xúc và nghe về câu chuyện của Na, tôi nghĩ rằng để có được thành quả như hôm nay chắc hẳn Na phải nhận được sự hậu thuẫn lớn từ phía gia đình hay ít nhất là gia đình bạn đã có nền tảng sẵn về kinh doanh cà phê từ trước.
“Lúc đầu cầm mẫu sản phẩm cà phê của mình trên tay và đến từng nhà mời người ta mua ủng hộ… chỉ nhận được cái lắc đầu với câu nói: “Thôi, cà phê này lạ lắm, không có thương hiệu gì hết, cháu mang đi đi”. Thế là chỉ biết cầm bịch cà phê ra ngoài đứng khóc. Cũng may do bản tính của mình khi đã quyết định điều gì thì phải làm cho bằng được nên lại tiếp tục dấn thân”.
Ý thức được những khó khăn mà mình đã trải qua. Giờ đây chính người con gái xa quê năm nào lại là người bắc cầu tổ chức những chương trình thiện nguyện ở chính nơi mà mình đã sinh ra và lớn lên. Tôi nhớ, năm nào Na cũng có các chuyến đi hỗ trợ đến người dân nghèo trên chính quê hương mình và các tỉnh khác trên cả nước.
Sau hơn 10 năm xuống Sài Gòn lập nghiệp, cô gái Nguyễn Thị Na ngày nào giờ đã là giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Phát và sản phẩm cà phê mà Na đã cất công gầy dựng hiện đã được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc và một số nước trong khu vực.