Có gì ở "siêu cảng" Trung Quốc đề xuất 6 tuyến đường đến Việt Nam, hút 7.000 doanh nghiệp kéo đến?

Nhật Minh |

Chỉ cách Việt Nam khoảng 130km theo đường chim bay, "siêu cảng" này của Trung Quốc đang nắm trong tay "vũ khí mang tính quyết định".

Gần 7.000 doanh nghiệp

kéo đến CBD Tam Á

Theo thống kê của tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc), tính đến Quý III năm 2023, trong khuôn khổ dự án Cảng Tự do Thương mại Hải Nam, đã có 6.960 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động tại Khu Thương mại Trung tâm Tam Á (CBD), thành phố Tam Á, đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Có gì ở

CBD Tam Á được chia làm 4 phân khu Bờ Đông, Nguyệt Xuyên, Đảo Phượng Hoàng và Hải La, với tổng diện tích lên tới 4,5km2. Ảnh: Sanya CBD

Đáng nói, theo Nhân dân Nhật Báo, có 87 công ty đến từ 29 nhóm khác nhau trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, và 78 công ty đến từ 24 nhóm trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc đã đăng ký hoạt động tại CBD.

Trong số này phải kể tới "ông lớn ngành chip" Intel - một trong những tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc, với quy mô đầu tư tính đến tháng 4/2023 là 13 tỷ USD.

Hãng thông tấn Antara News (Indonesia) cho biết thêm rằng, tính đến tháng 1/2024, CBD đã thu hút gần 200 tổ chức đầu tư mạo hiểm quốc tế, cùng các công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân. Môi trường kinh doanh và thương mại ở khu vực này đang cho thấy sự sôi động lớn.

Theo ghi nhận của hãng tin CNN (Mỹ), một "cuộc chạy đua vũ trang" đã diễn ra tại Hải Nam sau khi Trung Quốc tuyên bố đưa nơi này trở thành "cảng thương mại tự do".

Tuy nhiên, đây không phải là cuộc chạy đua quân sự, mà là cuộc chạy đua trong đó "kiến trúc" được xem như một thứ vũ khí mang tính quyết định trong việc hấp dẫn du khách và giới đầu tư.

"Hawaii của Trung Quốc"

Tấm danh thiếp đặc biệt

Đảo Hải Nam cách Việt Nam khoảng 130km (tính từ điểm gần nhất là mũi Đại Giác trên đảo Hải Nam tới đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam theo đường chim bay).

Hòn đảo này được người dân Trung Quốc ví như "đảo Hawaii". Song, điểm thu hút lớn nhất đối với du khách tìm đến các thành phố Tam Á và Hải Khẩu trên đảo lại nằm ở những khách sạn và khu phức hợp giải trí hoành tráng mọc lên khắp nơi.

Có gì ở

Hình ảnh Đảo Phượng Hoàng (Phoenix Island) tại Hải Nam. Ảnh: CMG

Nếu lái xe dọc theo vùng vịnh đầy cát và rộng lớn của Tam Á, ta sẽ bắt gặp công trình kiến trúc khổng lồ, với thiết kế cong của Đảo Phượng Hoàng (Phoenix Island) sừng sững phía trên một hòn đảo nhân tạo được xây dựng đặc biệt để làm bệ đỡ cho chúng.

Trả lời báo giới vào năm 2010, ông Ma Yansong - người sáng lập và là đối tác chính của Mad Architects - một trong những đơn vị tham gia xây dựng các tòa nhà trên đảo Hải Nam - cho biết, Đảo Phượng Hoàng mang tính biểu tượng, giống như một "tấm danh thiếp" để quảng bá Tam Á.

"Đó là một hòn đảo trên biển. Kiến trúc đảo trông giống như mọc lên từ biển. Các công trình trên đảo có đường cong như san hô hoặc sao biển, đồng thời tạo cảm giác là một nhóm liên kết khi được ghép lại với nhau" - Ông Yansong cho hay.

Có gì ở

Đảo Phượng Hoàng lấy "kinh tế du thuyền" làm nền tảng. Ảnh: PV

Đảo Phượng Hoàng nằm tại bờ biển Phượng Hoàng là một trong 4 phân khu của CBD. Nơi này lấy "kinh tế du thuyền (từ bình dân đến cao cấp) và kinh tế trụ sở (tập trung xây dưng-phát triển trụ sở các doanh nghiệp lớn, tổ chức tài chính)" làm nền tảng.

Tờ China Daily cho biết, bờ biển Phượng Hoàng đã được xây dựng thành một khu chuyên về dịch vụ du thuyền và văn hóa nghệ thuật phù hợp với tiêu chí Cảng thương mại tự do Hải Nam.

3 phân khu còn lại tại CBD bao gồm các khu Bờ Đông, Nguyệt Xuyên, và Hải La. Trong đó, khu Bờ Đông bao gồm các cửa hàng mua sắm đến từ nhiều thương hiệu quốc tế, trụ sở kinh doanh, các khu vui chơi giải trí. Nơi đây giữ vai trò là một vòng kinh doanh tiêu dùng tích hợp quy mô lớn, và là khu kinh tế lõi của CBD.

Nguyệt Xuyên gồm khu phố đi bộ tập trung vào hoạt động văn hóa - giải trí, và khu kinh doanh tổng hợp. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp và các điểm giao dịch tài chính quốc tế.

Có gì ở
Có gì ở
Có gì ở

Nhiều thương hiệu xa xỉ tập trung tại Trung tâm mua sắm Hiplace ở khu Nguyệt Xuyên, CBD Tam Á. Nguồn: @SanyaofChina

Hải La thì tập trung vào cộng đồng "nhân tài quốc tế". Khu vực này đang có kế hoạch xây dựng các cộng đồng và dịch vụ hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của các "nhân tài" đến từ khắp nơi trên thế giới đang sống và làm việc tại Hải Nam.

Với tổng diện tích 4 phân khu lên 442,51 ha (khoảng 4,5 km2), CBD hướng tới mục tiêu thúc đẩy mở cửa thương mại toàn diện và tạo ra một đặc khu kinh tế có tầm ảnh hưởng, cũng như khả năng cạnh tranh quốc tế.

Kiến trúc và thiết kế độc đáo tại đây, với công trình của các kiến trúc sư nổi tiếng như Zaha Hadid Architects, mang tới một không gian sống và làm việc hấp dẫn. Chúng tạo nên bản sắc riêng biệt, phản ánh sự sáng tạo và tiên tiến.

Đối với doanh nghiệp, những công trình này cũng thường đi kèm với cơ sở hạ tầng hiện đại và các tiện ích cao cấp, làm tăng giá trị bất động sản và cơ hội đầu tư sinh lợi.

Đáng nói, sau khi đã trở thành một phần của cộng đồng kinh doanh địa phương, các doanh nghiệp cũng trở nên nhiệt huyết trong cuộc đua thiết kế công trình độc đáo, nhằm tạo ra điểm nhấn và thu hút du khách.

Điều này tạo thành một vòng lặp tích cực, nơi mỗi dự án mới đều phải có sự sáng tạo và nổi bật hơn, góp phần làm phong phú thêm diện mạo đô thị và đồng thời tăng cường sức hút của Tam Á đối với du lịch quốc tế.

Tam Á thành "nam châm" hút đầu tư,

Hải Nam đề xuất 6 tuyến đường nối Việt Nam

Theo EuroNews, sức hút của Tam Á đang "vươn ra toàn cầu", thu hút ngày càng nhiều công ty và giới đầu tư quốc tế. Các thương hiệu khách sạn lớn và nhiều thương hiệu khác đang chọn Tam Á là điểm kinh doanh lý tưởng.

Đây là kết quả từ việc thành phố của Trung Quốc đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường kinh doanh thân thiện.

Ví dụ, với mong muốn thu hút nhiều du thuyền hơn trong tương lai, CBD Tam Á đã đầu tư xây dựng một loạt cơ sở hạ tầng bến du thuyền dọc theo bờ biển. EuroNews cho biết, chính quyền thành phố cũng đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các tàu thuyến lui tới.

Có gì ở

CBD Tam Á đã đầu tư xây dựng một loạt cơ sở hạ tầng bến du thuyền dọc theo bờ biển. Ảnh: SCMP

Đáng lưu ý, để thúc đẩy thị trường vận tải hàng hóa và vận tải khách du lịch du lịch đường biển tại Tam Á, cũng như các khu vực khác của tỉnh Hải Nam, đại diện tỉnh Hải Nam đã có đề xuất đặc biệt tới Việt Nam.

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam, trong tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có buổi tiếp và làm việc với Bí thư tỉnh ủy Hải Nam (Trung Quốc) Thẩm Hiểu Minh và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.

Trong cuộc gặp, Bí thư tỉnh ủy Hải Nam đã đề xuất khôi phục tuyến vận tải biển Hải Nam (cảng Dương Phố) – Hải Phòng và đề xuất mở mới tuyến vận tải hàng hóa, hành khách đường biển từ cảng Bát Sở đến cảng Cái Lân, Quảng Ninh (mở tuyến cố định cho tàu RoRo từ Hải Nam đến một số cảng biển của Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu du lịch quốc tế tự lái xe của người dân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bí thư Hải Nam bày tỏ mong muốn Bộ GTVT Việt Nam ủng hộ việc khôi phục lại tuyến vận tải khách du lịch đường biển từ Hải Nam (cảng Hải Khẩu) đến Hạ Long, Đà Nẵng và đề xuất mở mới tuyến vận tải du lịch đường biển từ Tam Á đến Đà Nẵng, Nha Trang.

Về các đề xuất hợp tác của tỉnh Hải Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hoan nghênh và khẳng định Bộ GTVT ủng hộ, tạo điều kiện trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và các hiệp định song phương giữa hai nước.

Về đề xuất khôi phục tuyến vận tải biển Hải Nam (cảng Dương Phố) - Hải Phòng, Bộ trưởng cho biết Việt Nam không có quy định về đăng ký mở tuyến vận tải biển cố định; các hãng tàu có nhu cầu cần thống nhất với cảng để thực hiện mở tuyến vận tải.

Với các đề xuất khôi phục, mở mới tuyến vận tải hàng hóa, hành khách, du lịch đường biển khác giữa Hải Nam đến các tỉnh của Việt Nam, Bộ GTVT ủng hộ, tuy nhiên phương tiện tham gia vận tải cần đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Công ước quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển cũng như quy định của quốc gia có cảng.

Có gì ở

Hoa quả tươi được phục vụ trên một du thuyền ở Tam Á, Hải Nam. Nguồn: CFP

Nhận định thêm về sức hút đầu tư của Tam Á nói riêng và Hải Nam nói chung, hãng thông tấn TASS (Nga) cho biết, Hải Nam đã thu hút đầu tư từ nhiều công ty hàng đầu thế giới ở phân khúc thị trường quốc tế với "tốc độ ấn tượng".

Có thể kể đến nhà sản xuất hàng xa xỉ Richemont (Thụy Sĩ), công ty thời trang cao cấp Tapestry (Mỹ), tổ chức tư vấn xếp hạng tín dụng Dun & Bradstreet (Mỹ), công ty dược phẩm Viatris (Mỹ), tập đoàn y tế Raffles (Singapore)...

"Các doanh nghiệp nhìn thấy nhiều cơ hội thuận lợi liên quan tới việc hình thành Cảng thương mại tự do Hải Nam, và hy vọng tận dụng được lợi thế đó bằng cách tham gia vào chuỗi cung ứng rộng khắp nhắm cả vào thị trường Trung Quốc và nước ngoài tại đây" - TASS cho hay - "Xu hướng tăng trưởng năng động, và môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện cũng là một yếu tố thu hút doanh nghiệp".

Nơi này còn áp dụng chính sách 1 cửa và khen thưởng các doanh nghiệp có đóng góp nổi bật trong việc xây dựng dự án đầu tư tài sản cố định, với số tiền thưởng lên tới 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng).

Theo hãng thông tấn Nga, doanh thu từ hoạt động chính của các công ty đăng ký kinh doanh tại CBD đã vượt 100 tỷ NDT (14,7 tỷ USD) trong năm 2023.

Dự kiến không chỉ có các tập đoàn lớn, mà cả các công ty cung ứng cho họ sẽ mở văn phòng đại diện tại Tam Á. Điều này cho phép "tạo ra chuỗi cung ứng đáng tin cậy hơn, đảm bảo sự tăng trưởng chuyên sâu lâu dài của nền kinh tế Hải Nam".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại