Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng?

Lynk, ảnh: Hoàng Lê |

Tiệm ốc đã tồn tại 3 thập kỷ giữa thành Quảng, ngoài chất lượng tuyệt hảo của ốc thì bí mật "hái ra tiền, ăn là ghiền" lại nằm ở món nước dùng rưới ngập trong từng bát ốc.

Rời khỏi chợ đêm ven sông Trà (TP. Quảng Ngãi) khi gió đã lạnh tai, tôi cùng vài người bạn bắt xe, nhờ anh lái chở đến chỗ nào đó có thể lấp đầy cái bụng đang nhấp nhổm biểu tình. Mới 9 giờ tối mà đường phố đã yên ắng đến lạ, dù vẫn rực rỡ đèn hoa, nhưng giống như thành phố đang ngủ quên vậy.

Lần đầu tiên ghé thăm miền Trung, ngoài cái nắng rát mặt tháng 8 thì tôi chưa kịp tận hưởng gì ở Quảng Ngãi, mới loanh quanh uống ly sinh tố mãng cầu chua chua ngọt ngọt, thăm thú chợ đêm nhộn nhịp rực rỡ như một góc Bangkok thu nhỏ. 

Anh lái giọng sệt địa phương, tôi nghe ù ù cạc cạc, nhưng vẫn "thủng" được câu chuyện anh nói với người bạn đồng hành, cũng quê xứ Quảng. 

Có vẻ như họ muốn đưa tôi đến một địa chỉ ẩm thực khá nổi tiếng ở đây. Biết mì Quảng, bánh mì Quảng, nước xoa xoa... mà không nếm thử món này thì chưa gọi là thăm thú trọn vẹn.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 1.

Quán ốc hút 3 thập kỷ nổi tiếng Quảng Ngãi nằm khiêm tốn ở một góc đường Nguyễn Du.

Từ bờ sông vào nội thị cỡ 10 phút, xe quẹo vô đường Nguyễn Du, dừng dưới gốc một cây me to chà bá. Ngó cái biển tên là lạ - ốc hút Ba Nam. Tôi mới chỉ ăn các loại ốc biển và ốc gạo quen thuộc ngoài Hà Nội, tò mò không biết ốc hút là món gì?

Nhịp sống ở đây bình lặng, không ồn ào về đêm, nên có vẻ như chúng tôi là những vị khách cuối cùng ghé quán giờ này. 

Một chiếc bàn lớn đặt ở vỉa hè, trên là 3 cái bếp than lùn kiểu cũ, bếp giữa đã tàn, 2 bên còn 2 cái thau lớn đựng ốc to và ốc nhỏ, ngào với thứ nước dùng thơm dịu quyến rũ, bóng mỡ, những lát ớt đỏ tươi nhìn đã chảy nước miếng. Cái thau ốc đó chắc cũng chục cân là ít, nhìn vậy là đói mồm đói cả con mắt.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 2.

Những thau ốc to sụ trên bếp than hồng luôn gây tò mò cho khách phương xa.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 3.

Thứ quà vặt quen thuộc trông thật ngon lành hấp dẫn, với cách nấu khác biệt so với ngoài Bắc.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 4.

Đồ ăn kèm cũng khác, không phải khế muối sung ngâm, mà là trái vả, to hơn sung, chát dịu, quyện với rau răm và mắm tỏi ớt.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 5.

Ai thích nhấm nháp chuyện trò lâu hơn thì có thể gọi thêm bánh tráng nướng.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 6.

Ốc hút nâu bóng màu cánh gián, giòn giòn, ăn cùng mấy món kèm dân dã mà tinh tế như một nghệ thuật.

Chao ơi! Ốc bao ngon, bao tuyệt luôn. Hóa ra ốc hút không phải là tên loại ốc nào đó mới lạ như tôi lầm tưởng, nó đơn giản chỉ là cách thưởng thức món ốc quê dân dã quen thuộc mà thôi. 

Người nấu ốc sau khi rửa sạch nguyên liệu, sẽ tỉ mỉ ngồi vặn bỏ phần vỏ nhọn của từng con một, đến khi xào chín chỉ việc cầm lên, chọn phần đầu mút "rọt" một hơi là xong, chẳng cần loay hoay tay kim tay tăm, toát mồ hôi nhể ốc ra để chấm nước mắm. 

Bao nhiêu gia vị chua cay mặn ngọt đều ngấm hết vào thịt ốc, ngon hơn hẳn chỉ luộc hoặc xào dừa nguyên vỏ như ngoài Bắc.

Ốc hút tuy nhỏ nhưng rất mềm, không dai chút nào, thích nhất là mút vài con nhai cùng một lúc, cảm giác bao nhiêu cũng không thỏa mãn cõi lòng. Loại to hơn là ốc mít, béo mập, thơm ngậy, khui ra khỏi vỏ con nào con nấy bóng mỡ, hấp dẫn không thể chối từ. 

Song, bí mật "hái ra tiền, ăn là ghiền" lại nằm ở món nước dùng rưới ngập trong từng bát ốc hút. Tóm tắt về nó, chỉ có vài từ: sánh, mịn, dịu, nhẹ, cực phẩm vị giác!

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 7.

Ốc hút ở đây ngấm đẫm nước dùng riêng biệt, chỉ cô Ba Nam mới biết bí quyết, ăn khác hẳn ốc luộc sả chanh thường thấy ở Hà Nội.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 8.

Nhờ cách nấu độc đáo mà thịt ốc ở đây rất đậm đà, ngon miệng, ăn 1 lần nhớ mãi.

Người sáng chế ra thứ nước "thần thánh" ấy chính là cô Ba Nam, bà chủ gần 60 tuổi của tiệm ốc kỳ cựu nổi tiếng nhất Quảng Ngãi. Hỏi nhỏ, cô bảo chế ra món nước ấn tượng ấy chỉ có mỡ khổ, ớt chưng, sả, tỏi ớt, nêm gia vị vừa đủ nữa thôi.

Bà cô người Quảng nói giọng nghe dịu dàng vô cùng, kể rằng:"Cô bán từ hồi sanh con gái thứ, vậy là cũng 30 năm rồi đó. Xưa gánh gồng toàn bún cháo, sau mới chuyển sang bán ốc, nhiều người thích nên gắn bó với ốc từ đó. 

Nhớ hồi mới mở, một bát ốc to cô tính tiền có 3 ngàn thôi, bao nhiêu năm mới lên 20 ngàn đó con. Cái gì cũng lên, có mỗi lượng ốc là giảm, xưa tiệm bé xíu xiu mà bán hết 5 – 7 tạ ốc/ngày, giờ làm đường sá, xây nhà cửa hiện đại hơn, mặt tiền thu nhỏ lại, chỉ còn gần 2 tạ/ngày con ạ.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 9.

Người phụ nữ hiền hậu này đã góp phần đánh dấu son lên bản đồ ẩm thực xứ Quảng, tới đây du lịch nhất định phải ghé quán cô mới trọn vẹn.

Thôi cũng không sao, 30 năm trước trẻ khỏe kham được chứ giờ ngần này người phụ bán vẫn mệt lắm, chừng đó đủ ăn đủ mặc được rồi. 

Khách ghé vô toàn khách quen, ăn ở đây từ hồi bé lóc chóc. Cô duy trì tiệm ốc vì tình nghĩa, vì người ta thương mến mình nhiều lắm đó con, chứ đâu nặng nề tiền bạc gì, lời lãi nhiêu đâu. Bán đắt thì lương tâm mình day dứt lắm, khách mà kêu bữa nay ốc không ngon, bữa qua ốc không tươi, cô cũng rầu.

Nói không điêu chứ tiệm cô có tiếng bao lâu rồi, cô nhớ nhiều kỉ niệm với tình cảm của khách lắm chớ, nên mình cứ buôn bán thật tâm ngay thẳng, là đêm nào cũng duỗi chân ngủ ngon được, dù mệt mỏi đến mấy đi nữa".

Vừa thân mật kể chuyện, cô Ba Nam vừa chỉ tôi xem bức tranh khổ lớn treo ngay chính giữa tiệm ốc - cũng là căn nhà mà gia đình cô sinh sống suốt mấy chục năm qua. 

Đó là món quà của các bạn cựu sinh viên mỹ thuật vẽ gửi tặng cô, từ hồi tiệm còn đơn sơ lụp xụp, gốc me già trong tranh ngót nghét cổ thụ đã được cô hiến gửi cho công viên thành phố lâu rồi. Gốc me treo biển tiệm bây giờ, là "me con", nhưng cũng hơn 20 năm tuổi, tán sum suê ôm trọn mái hiên nhà cũ kỹ.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 10.

Bức tranh sống động về thời vàng son của tiệm ốc hút cách đây hơn 10 năm, khi nhà cô Ba còn đơn sơ nằm ngã ba đường.

Mẹ chồng cô Ba ngày nào cũng nằm chõng lim dim ngước ra, vài năm trước cụ còn đứng chắp tay bên cây buổi sớm, nay đã yếu lắm rồi, chẳng đủ sức với lên bứt me nữa. 

Cây me vừa làm chứng nhân, vừa bầu bạn với 4 thế hệ trong gia đình cô Ba Nam, vậy nên cô lấy luôn tên là "Ốc hút cây me", như lời cảm tạ linh mộc đã giúp cô kinh doanh thuận buồm xuôi gió, che chở mảnh đất cô bám trụ bươn chải cùng chồng con bao năm qua. 

Cái tên giản dị ấy cũng tồn tại trong tiềm thức người dân thành phố Quảng Ngãi như địa điểm ăn uống bình dân quen thuộc, hợp hầu bao mà lại ngon vô cùng.

Ốc hút cây me lên báo đài mấy năm nay cũng nhiều, cô Ba lẩm nhẩm số lần được quay phim chụp ảnh cũng quá 2 bàn tay. Thế nhưng, cứ khách lạ ghé thăm, hỏi han thân tình là cô lại ngượng ngùng, xua xua khiêm tốn, dáng bộ đến là hay, khiến người ta phải bật cười.

Tiệm ốc cô Ba mở từ 3 giờ chiều đến khi hết khách, thường thì đến 22 giờ chẳng còn mấy người vãng lai. Ở đây chỉ chuyên 3 món chính là ốc hút xào nhỏ, ốc hút xào to và ốc xào sả ớt đã nhể sẵn. Nay đắt hàng nên ốc nhể sẵn hết sạch, chỉ còn lại ít ốc nhỏ và to. 

Chúng tôi ăn gần cuối thau mà vẫn thấy ngon dễ sợ. Chẳng thế mà có người từng lén bắt chước món ốc hút cô Ba, còn ngang nhiên bán ngay gần nhà cô, nhưng không thể pha chế ra thứ nước ngon lành ấy giống y hệt được, nên tự sập tiệm.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 11.

Con gái cô Ba bằng tuổi tiệm ốc, gắn bó với những thau sả ớt, tỏi băm từ ngày bé xíu xiu.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 12.

Rất nhiều vị khách đã gắn bó với tiệm ốc hút cây me từ thuở ấu thơ.

Có gì ở quán ốc hút cây me 30 năm tuổi, không ngon không tính tiền, ăn là ghiền xứ Quảng? - Ảnh 13.

Chưa được nếm thì thôi, chỉ thưởng thức một lần cũng đủ vương vấn mãi.

Lúc chúng tôi ăn xong thì cô Ba đang cặm cụi rửa bát. Con gái cô đứng bán nốt những túi ốc cuối cùng, cứ có ai ngỏ ý muốn chụp ảnh cùng là chị cười ngại ngùng, nét duyên thầm xứ Quảng ấy cũng là lý do khiến nhiều bước chân quay đi lại trở về đây chăng?

Cô Ba hiền hậu tóc đã 3 màu, gương mặt phủ đầy vết thời gian, da tay bạc nhợt vì suốt 3 thập kỷ ngày nào cũng làm lụng chăm chỉ, song, cô hạnh phúc vì đã chọn lựa cuộc sống như thế, bình an và vui vẻ, chẳng mấy khi buồn. 

Chiều tụi nhỏ đi học về ghé quán cô ríu rít ăn ốc, tối các gia đình đưa nhau đi hóng gió về cũng tấp vô hàng ốc của cô, thi thoảng đón vài vị khách đặc biệt như Tây "bụi", Trung Hoa... cô Ba có biết bao nhiêu chuyện để nói. Buồn vào đâu, mà buồn để làm gì nữa?

Tạm biệt cô Ba và món ốc huyền thoại, gió đêm mát rượi phả lên tán me, thả xuống cơn mưa lá xíu xiu rắc đầy trên tóc. Tôi chợt phát hiện ra, dọc con phố này nhiều cây sa kê quá. Chỗ chúng tôi vừa ngồi ở hiên cũng ngay dưới một cây sa kê xanh mượt. 

Mùi thơm ngọt nhẹ nhàng cứ vương vấn quanh mũi. Bao giờ mới có dịp quay trở lại đây, chỉ sáng mai thôi, khi ngồi trên máy bay về với Hà Nội, tôi sẽ luyến tiếc đến quắt quay vị ốc xào giản đơn mà quyến rũ ấy. Lại có lý do để thương để nhớ, Quảng Ngãi ơi...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại