Ngày 22/4 vừa qua, phóng viên The Paper đã ghi nhận buổi xét xử vô cùng đặc biệt và được xem là có 1-0-2 tại Tòa án nhân dân trung cấp số 1 Thượng Hải. Nội dung vụ việc liên quan đến nữ nhân viên bị đuổi việc chỉ vì xin nghỉ phép về quê tổ chức đám cưới.
Theo bản án, Xiao Zhong là nhân viên thiết kế quảng cáo của một công ty tư vấn tâm lý. Tháng 8/2023, cô ấy đã nộp đơn xin nghỉ phép cho người phụ trách công ty với lý do bận tổ chức đám cưới. Thời gian nghỉ kéo dài từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Tuy nhiên, sếp của Xiao Zhong không đồng ý với lịch nghỉ này nên đã từ chối nhận đơn.
Đến giữa tháng 8, cô ấy nộp đơn xin nghỉ phép bằng văn bản lần 2, giải thích rằng gia đình hai bên đã chốt ngày cưới, tiệc cưới đã được đặt trước, khách đã được thông báo nên cô không thể điều chỉnh việc sắp xếp nghỉ phép.
Song, cô tiếp tục bị từ chối. Phía công ty cho rằng, thời điểm mà cô nghỉ trùng với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh - mùa kinh doanh cao điểm nên các nhân viên không thể vắng mặt. Thậm chí, vào cuối tháng 9, công ty đã xây dựng và ban hành "Hệ thống quản lý chấm công" quy định rằng những nhân viên đã vắng mặt 3 ngày liên tiếp hoặc người vắng mặt tổng cộng 5 ngày trong vòng một năm sẽ bị sa thải.
Cuối cùng, Xiao Zhong vẫn trở về quê hương để tổ chức hôn lễ như đã định. Công ty đã nhiều lần thúc giục Xiao Zhong quay lại làm việc nhưng Xiao Zhong đều không đến.
Công ty cho rằng Xiao Zhong đã vắng mặt 5 ngày và vi phạm nghiêm trọng nội quy, quy định của công ty nên đã chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 7/10.
Nữ nhân viên cho rằng việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động giữa hai bên là vi phạm pháp luật nên sau đó đã đưa vụ việc ra tòa.
Tại tòa án, công ty thừa nhận đã xảy ra vụ việc đúng như nguyên đơn đã nêu và giải thích: Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh là mùa kinh doanh cao điểm, lại không ai có thể thay thế vị trí của Xiao Zhong. Do đó, việc từ chối đơn xin nghỉ phép của Xiao Zhong là hợp lý. Hơn nữa, quy định trong "Hệ thống quản lý chấm công" là hợp pháp và hợp lệ hợp đồng lao động giữa hai bên.
Song, tòa án cho rằng việc xin nghỉ phép để tổ chức đám cưới ở quê hương là phù hợp với phong tục truyền thống. Lý do Xiao Zhong xin nghỉ phép là chính đáng, số ngày xin nghỉ phép là hợp lý và Xiao Zhong đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Ngược lại, lý do công ty không cho nghỉ phép là không thỏa đáng, việc chấm dứt hợp đồng lao động rõ ràng là hình phạt quá nặng và cấu thành việc chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Trong phiên tòa, sau khi trao đổi và phối hợp với tòa án, Xiao Zhong đã tự nguyện hạ mức bồi thường xuống 46.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng) dựa trên điều kiện hoạt động của công ty và các cân nhắc khác, mức này không cao hơn tiêu chuẩn pháp lý bồi thường bị chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Trường hợp nhân viên không được nghỉ phép và bị bóc lột sức lao động quá mức tại Trung Quốc không phải là hiếm.
Chẳng hạn như Xiao Li (nhân viên công ty công nghệ tại Thượng Hải, Trung Quốc) đã nộp đơn xin nghỉ phép do phải làm tăng ca 3 tháng liên tục. Trong quá trình trao đổi, anh và phía bộ phận nhân sự (HR) đã bất đồng quan điểm và xảy ra tranh cãi.
Theo Jiupai News Video, khi HR chất vấn về thời gian xin nghỉ, Xiao Li cho biết anh đã hỏi ý kiến bên bộ phận sản xuất và được đồng ý. Anh sẽ trở lại làm việc sau 2 ngày nghỉ phép để đi khám sức khỏe do suy kiệt sức lực.
"Nếu tôi đột tử, anh có chịu trách nhiệm được không?", Xiao Li nói với phía nhân sự khi bị làm khó.
Nhân sự liền đáp lại: "Khi nào đột tử rồi nói".
Câu chuyện được Xiao Li chia sẻ lên diễn đàn đã gây nên cuộc tranh cãi lớn. Đa số bình luận bày tỏ sự bức xúc, phản đối cách hành xử thiếu tình cảm, có phần quá đáng của phía nhân sự.
Theo CCTV