Cô gái viết thư cho TT Obama: Tôi muốn TT hiểu nỗi đau của tôi

Hoàng Nguyên Vũ |

"Tôi tin, nếu bức thư này tới được với ông Obama, ông ấy sẽ hiểu được nỗi đau của tôi và những người cùng cảnh ngộ, nạn nhân trong cuộc chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm trước".

Phạm Thị Nhí là một nạn nhân nhiễm chất độc Da cam – Dioxin trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của người Việt Nam. Người phụ nữ với nghị lực phi thường này đã vượt qua những nỗi đau tinh thần và thể xác, làm được những điều lớn lao không phải ai, kể cả những người bình thường, có thể làm được.

Đi qua 2/3 cuộc đời, "sống là cho", đến bây giờ chị vẫn là một phụ nữ độc thân với những con số 0 cuộc đời đầy ám ảnh: không gia đình, không con cái, không nhà cửa…

Trong chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama, chị đã viết một tâm thư gửi vị Tổng thống này, với rất nhiều hy vọng…

Chúng tôi đòi trách nhiệm, chứ không đi xin

Thưa chị, lý do nào khiến chị viết thư gửi cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong chuyến công du của ông tới Việt Nam?

Lâu nay, tôi đang theo dõi hành trình đấu tranh đòi công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam-dioxin của Việt Nam. Hành trình đó đã được bắt đầu từ khi tôi rời vị trí thủ thư của thư viện một trường tiểu học, để vào Sài Gòn làm việc cho Hội Nạn nhân Chất độc Da cam – Dionxin TPHCM

Nhưng đó là hành trình công việc. Còn hành trình của một nạn nhân, nó được bắt đầu từ khi tôi ra đời.

Cô gái viết thư cho TT Obama: Tôi muốn TT hiểu nỗi đau của tôi - Ảnh 1.

Chị Phạm Thị Nhí - một nạn nhân nhiễm chất độc Da cam – Dioxin.

Hành trình đòi công lý, công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam- dioxin từ thời chị Nguyễn Thị Hồng, chú Nguyễn Văn Quý, những người làm trong Hội, họ đã sang Mỹ rất nhiều lần nhưng đều bị toà án Mỹ bác đơn kiện một cách vô lý.

Thế rồi tôi suy nghĩ, bằng cách nào đó chuyển tải được những tâm tư, nguyện vọng tới được tới Tổng thống Mỹ khi mà viết thư có thể sẽ không tới, sang Mỹ để xin một cuộc gặp là một điều khó có thể.

Thực tế, lần đầu tiên ông Obama nhậm chức, ở đây các nạn nhân da cam có viết một lá thư gửi qua cho ông nhưng chắc đã không tới được tay ông.

Nhân chuyến đi của ông Obama lần này, khi ông Obama sang đây và được sự đón tiếp một cách thân mật và hữu hoà của toàn thể người dân Việt Nam, tôi chuyển tới ông những tâm tư nguyện vọng của một nạn nhân da cam – dioxin tại Việt Nam, là tôi.

Tôi hy vọng ông ấy sẽ đọc được lá thư trên trong chuyến công du của ông đến Việt Nam lần này, để ông có những động thái, trách nhiệm với những nạn nhân da cam, những nạn nhân của cuộc chiến tranh hoá học Mỹ đã trút xuống Việt Nam.

Khi là người trong cuộc, tôi hiểu rằng, những con người không lành lặn với các di chứng trải qua mấy thế hệ, đó chính là những hậu quả khủng khiếp mà họ đã để lại từ chiến tranh Việt Nam.

Quá khứ có thể khép lại để cùng hướng tới tương lai. Nhưng trách nhiệm thì không thể rũ bỏ, đối với những con người đang phải mang di chứng từ thứ chất độc khủng khiếp ấy.

Trong 4 lần đoàn nạn nhân chất độc da cam – Dioxin đi Mỹ về và bị toà án Mỹ bác đơn, với tư cách là một người hoạt động trong Hội này, chị đã nhìn thấy những gì, của đại diện các nạn nhân, sau những lần đòi công lý rồi lại phải – về - không?

Tuyệt vọng. Đó là cảm giác rất dễ nhận thấy.

Khi tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Hồng ở Đồng Nai, chị Hồng có nói với tôi, có lẽ đây là chuyến đi cuối cùng của chị ấy. Lúc đó, chị Hồng bị bệnh ung thư đến giai đoạn cuối. Rất đau đớn.

Cuộc hành trình đòi công lý ấy, chưa biết đến bao giờ có câu trả lời thoả đáng. Chị Hồng đã bỏ cuộc vĩnh viễn sau đó 3 tháng, bằng cái chết.

Cô gái viết thư cho TT Obama: Tôi muốn TT hiểu nỗi đau của tôi - Ảnh 2.

"Khi 18 tuổi, cũng như bao người khác, tôi mơ về một tương lai rất đẹp".

Hay chuyến đi của ông Quý cũng vậy. Khi đi, hy vọng, quyết tâm. Hy vọng ở một nước Mỹ văn minh với những hành xử vì con người. Nhưng hy vọng bao nhiêu thì trở về tuyệt vọng bấy nhiêu. Và bất lực, khi nhìn những nạn nhân với những hình dạng ám ảnh như vậy.

Từ nửa vòng trái đất, chúng tôi đem chuông đi để gõ vào lương tri họ nhưng rồi rung chuông mà chẳng lay động được ai. Không phải chúng tôi không hết mình. Mà là họ vô cảm.

Chúng tôi chẳng đi xin người Mỹ. Cũng không cần lòng thương hại từ họ. Chúng tôi chỉ đòi trách nhiệm của họ với những thứ mình đã bị tước đoạt.

Nếu nói ngắn gọn về những gì là nỗi đau của nạn nhân chất độc Da cam – Dioxin, những thứ mà không dễ nhìn thấy, là người trong cuộc, chị nói đến thứ gì?

Sống trong lo sợ. Không phải sợ cho mình nữa vì nỗi bất hạnh nào cũng quen – chúng tôi sợ cho người khác.

Bạn đã hiểu cảm giác một người thế hệ thứ 2 bị nhiễm, mù cả hai mắt, nhưng bao nhiêu năm vẫn phải đút cơm cho đứa con bị tâm thần, di chứng thế hệ thứ 3, để rồi lo sợ một ngày mình chết đi thì đứa con sẽ ra sao…

Bạn đã hiểu cảm giác bao người không dám lập gia đình vì sợ có những đứa con ra đời lại là những đứa con tật nguyền, mang đến gánh nặng cho xã hội, cho gia đình và cho chính chúng

Một đứa, hai đứa rồi ba đứa, có người cố đẻ để có đứa con bình thường nhưng rồi nỗi đau lại nối tiếp nỗi đau. Vợ chồng ốm yếu bệnh tật với những đứa con què quặt thiểu năng.

Rồi bệnh ung thư có thể đến bất cứ lúc nào. Cũng như bao nhiêu chứng bệnh khác. Chết thì không dám chết và sống thì không ra sống.

Và nỗi sợ lớn nhất, là tương lai. Nó ở đâu, và nó như thế nào?

Cô gái viết thư cho TT Obama: Tôi muốn TT hiểu nỗi đau của tôi - Ảnh 3.

"Tôi đã khóc như cả thế giới sụp đổ trước mắt mình".

Bị tước đoạt tương lai

Tương lai - chị đã từng đối mặt với nó như thế nào, suốt những năm tháng tuổi trẻ của một cô gái tật nguyền?

18 tuổi, cũng như bao người khác, tôi mơ về một tương lai rất đẹp. Lúc đó, tôi là học sinh giỏi Văn của tỉnh. Sống hồn nhiên mơ mộng với văn thơ. Và mơ ước trở thành một cô giáo dạy Văn.

Tôi hoàn toàn có thể trở thành một cô giáo dạy văn. Hoàn toàn có thể.

Hồi đó, thi Đại học khó lắm. Phải xét duyệt đủ thứ chứ không như sau này. Tôi đến Sở Giáo dục làm hồ sơ thi Sư phạm, người thầy quản lý quyết không nhận hồ sơ.

Thầy nói thẳng là tôi không thể trở thành cô giáo với một ngoại hình như thế. Tôi năn nỉ thầy, nếu thầy không muốn tôi thành cô giáo cũng được nhưng hãy để tôi đi học, mai này về làm văn phòng, hay thậm chí làm tạp vụ cho một trường nào đó, cũng chẳng sao.

Nhưng thầy quyết không. Thầy còn đi cà nhắc trước mặt tôi một vòng và nói: "Đó, em thấy tôi mà đi như thế này, thì dạy học trò kiểu gì?"

Hỏi xong, thầy ôm cặp đi.

Và lúc đó, chị đã làm gì, để tìm một tương lai khác khi mà cánh cửa sư phạm đã hoàn toàn đóng lại?

18 tuổi với một cú sốc lớn, tôi phải biết làm gì được? Tôi khóc như cả thế giới sụp đổ trước mắt mình.

Trên chuyến xe từ tỉnh về lại vùng quê nghèo của tôi, tôi đã nghĩ quẩn. 3 lần muốn lao xuống khỏi xe để kết thúc những chuỗi ngày đáng sợ tiếp theo nhưng đều có người cản lại.

Xe đi qua một đoạn đường vắng, tôi nhìn thấy một con chó mẹ đi qua đường và bên cạnh là một con chó con lẽo đẽo bú mẹ nó một cách hồn nhiên. Chiếc xe dừng lại chờ hai mẹ con chú chó đi qua.

Tôi thầm nghĩ: Con chó nó cũng có quyền được sống, tại sao mình phải chết? Mình phải sống, nhà mình nghèo. Nếu không được dạy người khác, thì về nhà dạy cho những đứa em mình, để chúng nên người.

Sống là để cho dù chỉ còn lại con số không

Rồi trang văn của người chị đã cứu cánh những đứa em của mình, để các em tìm lại ước mơ của chị mình đã bị đánh cắp?

Đúng thế. Nhà tôi nghèo, đông anh em. Sau tôi còn 5 em nữa. Ba tôi là thương binh, suốt những năm tháng tuổi trẻ bỏ vợ con vào rừng chiến đấu, khi về với một cơ thể thương tật và di chứng để lại cho con mình.

Lúc đó tôi chỉ có một khái niệm duy nhất: dạy em và nuôi em. Chân yếu thì còn tay. Và quan trọng là còn cái đầu.

Những trang văn của tôi khi ước mơ làm cô giáo dang dở, lại góp phần đưa 3 đứa em vào đại học, cao đẳng trong đó có 2 đứa theo ngành sư phạm.

Cô gái viết thư cho TT Obama: Tôi muốn TT hiểu nỗi đau của tôi - Ảnh 4.

"Quá khứ có thể khép lại để cùng hướng tới tương lai".

Như chị nói, nhà chị nghèo, mà để 3 đứa em học nên người thì một mình văn chương của chị đâu có đủ, phải không?

Không được theo học sư phạm, tôi học may và làm nghề may một thời gian sau đó làm bên bộ phận quản lý hộ tịch của xã. Kiếm được 10 đồng, tôi chỉ dám ăn 2 đồng, 8 đồng còn lại gom góp lo cho em.

Khi làm ở xã, tôi cũng được hỗ trợ mua một miếng đất nhỏ, rồi dựng một căn nhà nhỏ. Khi được giá, cần lo cho em ăn học, tôi đã bán nó, để rồi 20 năm qua, tôi quay về xuất phát điểm ban đầu, không nhà cửa, tài sản, không có gì cả.

Các em rất thương tôi. Các em nên người, đó là điều mà tôi rất mãn nguyện. Dẫu mình tàn tật, nhưng mình đã làm được những điều rất ý nghĩa của một con người cần làm.

Nhắc đến đây, tôi chợt nhớ đến phần trả lời bên trên của chị, rằng nạn nhân chất độc da cam sống với nỗi sợ, trong đó có nỗi sợ sẽ sinh ra những đứa con tật nguyền, nên họ đã gác hạnh phúc riêng tư lại. Chị cũng đang nói về chị, ở điều này?

Chuyện qua rồi, nhắc lại cũng thật buồn. Thực ra, khi làm căn nhà ở quê, tôi cũng mong ước sẽ lấy chồng, sinh con, có một tổ ấm như bao người phụ nữ khác.

Yêu nhau 3 năm, lúc này, tôi mới biết thông tin không phải tôi bị tàn tật, mà là tôi nhiễm chất độc Da cam- dioxin, nguy cơ để lại di chứng rất cao.

Đấu tranh tư tưởng rất nhiều, tôi mới nói chia tay anh. Đau đớn nhất là phải tự tước đoạt của mình đi một tình yêu thực sự.

Anh sau đó cũng lập gia đình với một người từng làm giống nghề tôi: thủ thư. Giờ anh rất hạnh phúc. Tự đáy lòng, tôi mừng cho anh. Nếu anh không hạnh phúc, không biết tôi sẽ như thế nào nữa…

Chị có nói trong thư về quyết định hiến xác cho y học khi mình qua đời. Tại sao chị có quyết định này?

Như bạn thấy, đời tôi bây giờ là nhiều con số không tròn trĩnh: không gia đình, không nhà cửa, không sở hữu điều gì dù hữu hình hay vô hình.

Nhưng tôi đã đi qua 2/3 quãng đời, chịu nhiều đau đớn để hiểu được sống là cần phải cho. Còn thứ cuối cùng để tận hiến, cho các em sinh viên y khoa có thêm một cơ thể để thí nghiệm.

Tuy nhiên, có thêm nhiều lý do khác. Tôi thấy ở Việt Nam mình, chết là chôn xuống, đất thì thiếu, môi trường thì ô nhiễm. Quyết định này của tôi cũng có lý do này.

Và một lý do khác: tôi muốn các nhà khoa học nghiên cứu chất độc da cam trong một cơ thể hiện hữu, để có thể mang đến một tiếng chuông thức tỉnh, với lương tri con người về tội ác của chiến tranh.

Câu hỏi cuối: Chị có thể nói về căn phòng mà chị đang ở hiện tại?

Đó là một căn phòng 6 m2, tôi sống ở đây hơn 10 năm qua. Được tạo điều kiện chỗ ở như thế đã là quá tốt. Tôi một thân một mình, cũng không phải là người có nhiều nhu cầu trong cuộc sống.

Cuối tuần, tôi lại về Bình Thuận. Ba mẹ tôi ở đó. Ba tôi bị tai biến mấy năm nay. Mẹ tôi một mình chăm sóc ba, ở tuổi ngoài 80.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại