Vì thiếu tiền mà trót dại
Vào tháng 3 năm 2015, một sinh viên đại học họ Vương ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc thích một chiếc điện thoại di động có giá 2.000 NDT (6,7 triệu đồng). Vì chưa có đủ tiền nên cô gái này quyết định mua trả góp với số tiền trả hàng tháng là 300 NDT (khoảng 1 triệu đồng).
Đến tháng 3 năm 2016, chi phí sinh hoạt bị đội lên khiến cô gái này không thể trả được 300 NDT của tháng đó. Đang cần tiền thì nhìn thấy quảng cáo "vay nhanh, lãi suất thấp, không thế chấp" trên Internet, cô Vương đã bất chấp điền thông tin theo yêu cầu để vay tiền. Sau đó, một người đàn ông tự xưng là nhân viên của công ty cho vay đã gọi điện và hướng dẫn cô ký một số giấy tờ online. Theo hợp đồng, cô Vương sẽ phải trả một khoản phí nếu quá hạn mà vẫn chưa trả được tiền.
Với dịch vụ vay tiền qua mạng này, cô Vương đã vay thành công 500 NDT (khoảng 1,6 triệu đồng) với mức lãi là 30 NDT/ tuần (hơn 100.000 đồng). Sau khi trừ lãi suất hàng tuần là 150 NDT (hơn 500.000 đồng) , số tiền mà cô gái này có thể nhận được là 350 NDT (khoảng 1,1 triệu đồng).
Tuy nhiên, với số tiền chỉ 1.000 NDT/tháng (3,3 triệu đồng) mà bố mẹ chu cấp, cô Vương vẫn không đủ khả năng để vừa trả tiền sinh hoạt, vừa trả tiền nợ. Khi không thể trả nợ gốc và lãi sau khi đáo hạn, nhân viên của nền tảng cho vay trực tuyến đã giới thiệu cho cô các nền tảng cho vay khác, cho phép cô vay tiền để trả khoản vay trước đó. Cứ như vậy, số tiền đi vay cứ chuyển từ nền tảng vay này sang nền tảng cho vay khác. Cô Vương vì túng quẫn mà rơi vào bẫy vay mượn rồi không thể thoát ra được.
Trước khi vay tiền online, Cô Vương được yêu cầu ký hợp đồng vay, đồng thời cung cấp một bức ảnh cầm CMND, số điện thoại di động. Thông tin liên quan đến WeChat và QQ của cô gái trẻ này cũng được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay trực tuyến. Đơn vị cho vay tiền trực tuyến đã tăng số tiền cho vay bằng cách "vay mới trả cũ" và giới thiệu 22 người cho vay với cô Vương trên WeChat. Theo Sina, cô gái trẻ này vì “ném lao phải theo lao” nên đã ký tổng cộng 44 hợp đồng vay tiền. Cho đến khi tốt nghiệp vào tháng 7/2017, cô Vương gần như dành phần lớn thời gian của mình để đi vay và trả nợ.
Trở về quê sau khi học đại học, cô gái trẻ không dám kể với bố mẹ về khoản vay trên. Cho đến tháng 1/2018, nền tảng cho vay trực tuyến gọi điện cho mẹ cô cả ngày lẫn đêm, liên tục lăng mạ, thậm chí là đe dọa, buộc gia đình cô phải trả tiền cả gốc cả lãi cho họ. Mẹ của cô Vương không thể chịu đựng được sự quấy rối này nên sau đó đã trả lại 130.000 NDT (khoảng 436 triệu). Dù vậy, cuộc sống của họ vẫn bị quấy rầy bởi những cuộc gọi đòi nợ liên tiếp sau đó.
Cảnh sát vào cuộc điều tra
Không thể chịu đựng thêm được nữa, cô Vương quyết định báo cảnh sát để cầu xin sự giúp đỡ. Vào thời điểm trình báo vụ việc, cô gái này đã chuyển tổng cộng hơn 280.000 NDT (khoảng 939 triệu đồng) cho công ty cho vay trực tuyến. Không chậm trễ, cảnh sát địa phương lập tức thành lập đội đặc nhiệm để điều tra vụ án.
Hạ Khai Thông - Phó đội trưởng đoàn cảnh sát hình sự thuộc Văn phòng Công an huyện Mã Nạp, Trung Quốc cho biết do thời gian kéo dài, tổ chức băng nhóm tội phạm hoạt động tinh vi, chặt chẽ và ý thức chống điều tra mạnh mẽ nên việc phá án gặp nhiều khó khăn.
Trong hơn hai tháng, lực lượng công an trong đội đặc nhiệm Trung Quốc đã đi đến nhiều tỉnh, thành để phân loại dòng tiền và điều tra 63 tài khoản ngân hàng liên quan đến vụ án. Bước đầu thu được những thông tin cơ bản về các đối tượng tình nghi trong đường dây lừa đảo. Những nghi phạm này khá xảo quyệt, hang ổ của chúng rất bí mật và thường thay đổi địa điểm đột ngột khiến việc bắt giữ trở nên rất khó khăn.
Ảnh minh họa: Internet
Với sự hợp tác của cơ quan an ninh mạng, cơ quan điều tra kỹ thuật và các sở liên ngành của thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đội đặc nhiệm đã xác định được nơi ẩn náu của đường dây lừa đảo này là tại một ngôi làng miền núi ở thành phố Triều Châu. Sau ba ngày đêm trấn áp, với sự phối hợp của cơ quan công an địa phương, 5 nghi phạm đã bị bắt giữ vào ngày 11/6/2019 và được áp giải từ Quảng Đông về Tân Cương.
Cảnh sát đã thu giữ hơn 4 triệu NDT (hơn 13 tỷ đồng), hơn 60 thẻ ngân hàng liên quan, hơn 80 điện thoại di động và 6 máy tính trong vụ án triệt phá đường dây lừa đảo này.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều vụ án lừa đảo trực tuyến trong thời buổi công nghệ phát triển. Hiện nay, tình trạng tội phạm sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân.
Nhóm tội phạm thường lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn để tập trung đẩy mạnh hình thức lừa đảo trực tuyến nhằm bẫy những con mồi thiếu kiến thức, “nhẹ dạ cả tin”. Nhiều nạn nhân sập bẫy, vừa bị mất thông tin cá nhân, vừa bị mất tiền.
Để không là nạn nhân của những trường hợp bị lừa đảo trực tuyến, người dân khi có nhu cầu vay tiền nên liên hệ trực tiếp tới các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục theo đúng quy định; Cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục tài chính vay tiền; Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên.
Song song với đó, người dân phải nâng cao nhận thức và đề cao cảnh giác, đồng thời nghiêm túc bảo mật thông tin cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Trong thời buổi công nghệ phát triển, chỉ khi trở thành những người thông thái, chúng ta mới có thể bảo vệ được chính mình.
(Theo Toutiao)