Theo dự báo, Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số nghiêm trọng trước năm 2023 (dân số trên 65 tuổi vượt 21%) và và sẽ bước vào giai đoạn già hóa cực độ trước năm 2050 (dân số trên 65 tuổi vượt 28%). Điều này kéo theo mô hình chăm sóc người cao tuổi cũng phát triển mạnh.
Đơn cử như tại nhiều khu vực của Trung Quốc, viện dưỡng lão triển khai mô hình "ở ghép đa thế hệ". Những người trẻ sẽ sinh hoạt chung với ông bà cao tuổi. không cùng huyết thống. Thông qua mô hình này, người trẻ được giảm đáng kể tiền thuê nhà, đổi lại họ chấp nhận chăm sóc và nói chuyện cùng với người cao tuổi vào một thời gian nhất định trong ngày.
Hình thức thuê nhà này được đánh giá không chỉ giảm áp lực tài chính cho người trẻ, mà còn giải quyết vấn đề an toàn và cảm giác cô đơn của người cao tuổi khi sống một mình.
Khi người trẻ sinh hoạt 24/7 với người già, đó là trải nghiệm như thế nào?
Tại một viện dưỡng ở Tô Châu (Trung Quốc), nhóm bạn trẻ dành 10 giờ/tháng để chăm sóc người già tại viện dưỡng lão. Đổi lại, họ nhận được mức giá thuê nhà giảm xuống còn 300 NDT/tháng (khoảng 1 triệu đồng). Ngụy Thiên Thiên (23 tuổi), vừa mới ra trường hơn 1 năm và hiện đang làm Kế toán.
Trong một lần xem đoạn video ngắn trên mạng xã hội, cô phát hiện bản thân có thể dùng công việc tình nguyện viên trong viện dưỡng lão để giảm bớt áp lực tiền thuê nhà. "Sau khi biết rằng 'nếu thời gian phục vụ đạt 10 giờ/tháng thì tiền thuê nhà chỉ còn 300 NDT' tôi đã quyết định đến thăm viện dưỡng lão", Thiên Thiên nói.
Lúc đầu Thiên Thiên vẫn còn băn khoăn, bởi mức giá thuê nhà bên ngoài rẻ nhất mà cô tìm thấy là 1.400 NDT/tháng (~4,8 triệu đồng). Trước đó, Thiên Thiên cho rằng viện dưỡng lão có thể chỉ dành cho những người già bị hạn chế khả năng di chuyển. Tuy nhiên khi thực sự đến đây, cô bất ngờ thấy rất nhiều cụ ông cụ bà vui vẻ và tham gia đa dạng hoạt động hàng ngày.
Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn, viện dưỡng lão gửi cho Thiên Thiên một bản hợp đồng thuê nhà. Sau đó, cô chính thức chuyển vào sinh sống tại đây. Cho đến hiện tại, cô thấy hài lòng với công việc và cuộc sống ở viện dưỡng lão.
"Các hoạt động ở viện dưỡng lão được tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật. Sáng thứ bảy tôi có lớp dạy điện thoại di động, dạy ông bà một số ứng dụng chức năng như đặt báo thức, mở đèn pin, chuyển tiếp hình ảnh,... Chiều chủ nhật tôi hay đến phòng thủ công để làm đồ thủ công với ông bà hoặc cùng họ khiêu vũ. Những lần khác, tôi gặp ông bà trên đường và nếu họ cần gì, tôi sẽ giúp đỡ", Thiên Thiên nói về công việc của mình tại viện dưỡng lão.
Với Thiên Thiên, có nhiều điều thú vị trong viện dưỡng lão. Chẳng hạn như có những người bà thường xuyên đến phòng vải và làm các món đồ thủ công mỹ nghề; phòng cờ vua và chơi bài luôn đông đúc từ sáng đến đêm; một số bà lại thích vào phòng video để hát hoặc xem phim; có những ông bà lại thích chơi thể thao ngoài hành lang và đánh bida...
Tuy thời gian quy định phục vụ là 10 tiếng/tháng, nhưng Thiên Thiên thường xuyên vượt quá."Tôi không cần viện dưỡng lão bù thêm tiền vì dần dần, tôi và những cụ ông, cụ bà đã trở thành bạn bè của nhau".
Cuộc sống bên trong ký túc xá nơi Thiên Thiên làm việc
Thiên Thiên giúp đỡ người cao tuổi trong nhiều hoạt động
Một trường hợp khác cũng đang sinh sống tại viện dưỡng lão ở Tô Châu (Trung Quốc) là Trương Cẩn (22 tuổi) - một nhân viên văn phòng trong ngành xây dựng. Hiện, cô đang làm việc 20 tiếng/tháng ở viện dưỡng lão, đổi lại có mức giá thuê nhà chỉ 200 NDT (khoảng gần 700 ngàn đồng).
Tương tự Ngụy Thiên Thiên, Trương Cẩn cũng thay đổi nhiều góc nhìn về người cao tuổi sau khi chuyển đến sống tại viện dưỡng lão. "Tôi từng nghĩ hầu hết người già trong viện dưỡng lão đều sống một mình. Nhưng sau khi đến đây, tôi thấy cụ ông cụ bà sinh hoạt thành từng nhóm và có cuộc sống khá viên mãn", cô nói.
Thời gian đầu, cô còn khá dè dặt và lo lắng bản thân không hòa nhập được với môi trường. Tuy nhiên, những người cao tuổi đã chủ động trò chuyện và hướng dẫn cô.
Hiện, công việc của cô vào thời gian rảnh trong tuần là trò chuyện, giúp đỡ 1-1 với cụ ông, cụ bà. Còn vào cuối tuần, Trương Cẩn mở các lớp học hoặc tổ chức hoạt động cho người cao tuổi như lễ hội ca nhạc, cuộc thi rèn luyện sức khỏe, hay cùng họ gói bánh và làm đèn lồng vào dịp Trung thu...
Đổi lại sự giúp đỡ của Trương Cẩn, những cụ ông cụ bà chia sẻ với cô nhiều kiến thức bổ ích. Chẳng hạn Trương Cẩn học được nhiều từ ông Trần - một người đàn ông là bác sĩ về hưu. Cô gọi ông là "kho tàng kiến thức" bởi ông hiểu biết về y học, văn học, kịch nghệ, thậm chí cả ngành xây dựng mà Trương Cẩn đang làm. Hay cô học được từ những người bà, dù đã cao tuổi nhưng vẫn luôn ăn mặc chỉn chu và tinh tế .
"Sống cùng người già, suy nghĩ lớn nhất của tôi là muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Thực ra, sống trong viện dưỡng lão không đáng sợ mà đó là một trải nghiệm sống. Trải nghiệm này giúp bạn dễ dàng tìm thấy giá trị của bản thân hơn là sống một mình. Một số người còn thấy ghen tị, cho rằng tôi đang tận hưởng cuộc sống hưu trí trước", Trương Cẩn nói.
Đằng sau mô hình cho thuê nhà mới đang lên ngôi
Theo Tân Hoa Xã, hiện nay việc triển khai mô hình "ở ghép đa thế hệ" đang có những bước đầu tích cực tại nhiều thành phố của Trung Quốc. Đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, khi những người trẻ có thể mang lại ý tưởng và sức sống mới cho viện dưỡng lão. Đổi lại, họ sẽ giảm được chi phí thuê nhà. Tuy nhiên, sẽ còn khá sớm để nói rằng mô hình này có thành công hay không.
Wang Kai - một trong những nhà nghiên cứu bất động sản đầu tiên khởi xướng dự án "ở ghép đa thế hệ" cho biết mô hình này chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và quan tâm của người già, cũng như triệt để giải quyết vấn đề nhà ở của người trẻ.
Bên cạnh đó, với sự xê dịch của giới trẻ, viện dưỡng lão có lẽ chỉ là một nơi để họ "trải nghiệm cuộc sống", hoặc "thấy bản thân có ích" thay vì định cư lâu dài. Tuy nhiên, sự thay đổi chỗ ở quá nhanh của họ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người cao tuổi.
Được biết, sau vài tháng mô hình triển khai, tại nhiều viện dưỡng lão, số người trẻ ở lại tương đối ít ỏi. Có người cho biết không còn đáp ứng được yêu cầu đề ra vì họ cần chuyển đến nơi khác làm việc, hoặc có nhu cầu hẹn hò cùng bạn gái và mua căn nhà mới. Những người khác thì cảm thấy cuộc sống ở viện dưỡng lão khiến họ "kém tươi mới", đi kèm áp lực phải làm thêm giờ.
Hoặc có người cho biết môi trường xung quanh viện dưỡng lão nằm ở vùng ngoại thành, bao quanh bởi núi sông nên quá "khắc nghiệt" với họ. Gần đó, họ khó tìm thấy trung tâm mua sắm hay rạp chiếu phim. Nếu họ có nhu cầu đi chơi muộn cùng bạn bè, họ sẽ phải ngủ lại khách sạn vì lúc này, viện dưỡng lão đã đóng cửa.