Theo Henan TV , cô gái có nickname Tiểu Hi (Giang Tô, Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ clip về quá trình kéo dài chân của mình. Cô cho biết đã chi gần 600 nghìn nhân dân tệ (2,1 tỷ đồng) để ra nước ngoài thực hiện cuộc phẫu thuật tăng chiều cao. Sau quá trình điều trị mất rất nhiều thời gian và chịu đựng đau đớn, cô đã cao thêm 13cm.
Vui sướng vì được sở hữu đôi chân dài như người mẫu chưa được bao lâu, Tiểu Hi phải đối mặt với căn bệnh viêm tủy xương mãn tính. Cô cho biết mình không thể chạy nhảy với đôi chân yếu ớt và rất đau. Thậm chí, chỉ đi bộ một lúc, cô cũng cảm thấy rất mệt và khó thở. Tiểu Hi tâm sự: "Sau cuộc phẫu thuật, tôi cảm thấy cuộc đời mình như bị hủy hoại. Giá như bây giờ có thể làm phẫu thuật rút ngắn chiều cao, chắc chắn tôi sẽ thực hiện nó".
Còn Tiểu An, 29 tuổi, đến từ Tân Hương, Hà Nam cho biết anh cũng đang chịu di chứng nặng nề do phẫu thuật kéo dài chân. Trước đây anh luôn tự ti với chiều cao 1m64 của mình. Tình cờ đọc được bài quảng cáo về tăng chiều cao, anh tìm hiểu thông tin và chi hơn 100 nghìn nhân dân tệ (khoảng 350 triệu đồng) để kéo dài đôi chân.
Tiểu An không ngờ rằng sau khi phẫu thuật, anh chẳng những không đạt chiều cao như ý mà còn gặp phải nhiều vấn đề với đôi chân: "Chiều dài của chân trái và chân phải khác nhau. Chân phải ngắn hơn chân trái khoảng 1,5 cm. Từ ngày phẫu thuật đến nay, tôi chưa từng có ngày nào vui vẻ, lúc nào trong đầu tôi cũng cảm thấy hối hận vì đã liều lĩnh với sức khỏe của mình".
Ngoài Tiểu Hi và Tiểu An, có không ít người khác phải gánh chịu hậu quả nặng nề sau phẫu thuật tăng chiều cao. Năm 2020, Bệnh viện Nhân dân số 2, thành phố Hoài An, Giang Tô (Trung Quốc) tiếp nhận một bệnh nhân nam 22 tuổi. Vì không hài lòng với chiều cao của mình, anh đã ra nước ngoài làm phẫu thuật kéo dài chân và sau đó là đôi chân bị nhiễm trùng nặng. Anh không thể đi lại, thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ tàn tật suốt đời.
Năm 2022, thời báo Red Star cũng kể câu chuyện một cô gái 19 tuổi ở Nam Xương, Giang Tây sở hữu chiều cao ban đầu là 1m54, sau phẫu thuật kéo dài chân thì cao thêm 6cm nhưng luôn gặp khó khăn khi đi lại. Qua thăm khám, bác sỹ phát hiện khớp gối và mắt cá chân đã cứng lại khiến cô không thể tự mình đứng vững mà phải nhờ đến nạng.
Phương pháp kéo dài chân (hay phẫu thuật kéo xương) ban đầu được dùng điều trị biến dạng xương và dị tật xương cẳng chân. Sau đó, nó còn được ứng dụng với mục đích thẩm mỹ nhằm kéo dài trục xương theo phương thẳng đứng, đạt chiều cao mong muốn.
Việc kéo dài chi cũng có thể được kết hợp với việc điều chỉnh biến dạng dần dần hoặc cấp tính. Trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ sẽ cắt rời xương thành hai đoạn xương riêng biệt, dùng các khung cố định hai đoạn này. Trung bình mỗi ngày, phần xương chỗ bị cắt sẽ được lấp đầy thêm khoảng 1mm (độ dài này còn tùy thuộc vào vị trí). Trong giai đoạn này, quá trình tái tạo xương và các mô mềm như cơ, mạch máu và dây thần kinh được đẩy mạnh ở vùng tách xương cho đến khi xương đạt đến độ dài mong đợi.
Do mức độ nguy hiểm của việc kéo dài chân, năm 2006, Bộ Y tế Trung Quốc ban hành “Thông báo về quản lý đối với phẫu thuật kéo dài chân", nói rõ đây không phải là phương pháp làm đẹp và các cơ sở thẩm mỹ y tế không được phép thực hiện. Phẫu thuật này chỉ được thực hiện ở những bệnh viện đa khoa cấp 3 hoặc bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán, điều trị chỉnh hình, được cơ quan quản lý y tế phê duyệt.