Cô gái sinh ra và lớn lên ở TP HCM: "Nếu có đất quê, tôi cũng sẽ bán để mua nhà thành phố"

Dy Khoa |

Chuyện bỏ quê xuống phố không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Dân cư cố hữu tại những địa phương lân cận TP HCM đa số lựa chọn di cư về đô thị lớn nhất phía Nam để sống.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Câu chuyện bỏ phố về quê hay bỏ quê xuống phố chưa bao giờ chấm dứt tranh cãi. Tôi thử tìm kiếm các hội nhóm có nội dung về hai thái cực này trên mạng xã hội thì lượng thành viên của hai bên cũng không chênh nhau quá nhiều. Về quê vài chục nghìn, xuống phố cũng cỡ đấy. Sau bài viết "Tôi tiếc vì bán đất quê 2,5 tỷ để mua nhà Sài Gòn" của tôi, các ý kiến trái chiều lại một lần nữa dậy sóng.

Ai cũng có lý lẽ mà họ cho là đúng. Người thì bảo đất quê nó lên có thời có thế nên tranh thủ bán, chứ nó rớt giá thì lúc đó chỉ biết tiếc. Cầm cục tiền bán đất mua chung cư TP HCM cũng có gì đâu phải tiếc. Người khác lại thấy tiếc vì mất đi một miếng đất còn nhiều khả năng gia tăng giá trị trong tương lai. Quan trọng hơn là tự cho bản thân một cơ hội trở về sau thời gian sống, làm việc tại đô thị đã quá mỏi mệt.

Đứa bạn thân của tôi, cô gái tên Tiên, không có quê để về như bạn bè nhập cư vì gia đình của cô đã sống ở TP HCM 3 đời. Cô bạn 27 tuổi hiện làm việc ở vị trí cấp quản lý trong một công ty về dịch vụ y tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ngay khi đọc được bài viết trên đã nhắn tin cho tôi: "Tui mà có đất quê thì cũng sẽ bán để chọn sống ở TP HCM".

Tiên cho rằng nhân vật Tuấn đã lựa chọn không sai vì Tuấn và gia đình sẽ sớm thích nghi được cuộc sống tại TP HCM vì "đây là vùng đất rất dễ sống". Và nhiều người con xa quê cũng thấy TP HCM như đất lành.

Tiên có tư tưởng như vậy tôi cũng thấy dễ hiểu bởi cô ấy sinh ra và lớn lên tại TP HCM. Thậm chí cô ấy còn chưa đi hết thành phố này, những quận huyện như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn là các địa danh xa lạ với cô. Tôi nhớ có lần rủ cô ấy sang Củ Chi chơi, cô ấy còn không biết đường đi.

Cô gái sinh ra và lớn lên ở TP HCM: Nếu có đất quê, tôi cũng sẽ bán để mua nhà thành phố - Ảnh 1.

Điều kiện sống ở quê không tốt bằng TP HCM nên nhiều người đã chọn rời quê xuống phố. Thành phố được đầu tư bài bản về các dịch vụ sống cơ bản như giáo dục, y tế. Ảnh minh họa: Dy Khoa.

Nhưng ý của Tiên cũng không hoàn toàn sai bởi ở thành phố này thứ gì cũng có, tiếp cận rất dễ dàng. Chuyện học hành của con cái cũng đảm bảo chất lượng hơn ở quê. Mẹ già có thể được chăm sóc y tế kịp thời hơn. Ngoài ra, công việc ở TP HCM cũng dễ kiếm và có mức thu nhập chắc chắn tốt hơn ở quê. "Bán đất quê để xuống sống ở thành phố rõ ràng là có lợi thế rất nhiều", Tiên khẳng định thế.

Bán đất quê xuống TP HCM sống là hợp lý?

Chuyện bỏ quê xuống phố không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà rõ ràng đã có từ rất lâu rồi. Dân cư cố hữu tại các vùng bưng biền, miệt thứ hoặc những địa phương lân cận TP HCM cũng chọn di cư chủ động về đô thị lớn nhất phía Nam để sống.

Tôi nhớ ngày còn nhỏ, nhiều người ở xung quanh nhà đã bán đất quê xuống TP HCM sống. Ba thập niên họ ở đây. Bây giờ, mỗi khi gặp lại, tôi chẳng thấy họ buồn hay đau đáu gì nhiều về quê hương cả. Họ đã hòa nhập gần như hoàn toàn với cuộc sống ở đây. Con cái của họ cũng có suy nghĩ hiện đại hẳn so với lũ trẻ vùng quê.

Trở lại với Tiên, bằng thu nhập khá cao của mình, cô ấy không đi cùng xu thế đầu tư vào bất động sản nông thôn như các báo cáo về làn sóng dịch chuyển đầu tư gần đây. "Tôi chắc chắn đất TP HCM sẽ không bao giờ hết nóng, ai rồi cũng sẽ về TP HCM thôi", Tiên nói khi tôi hỏi tại sao vẫn mua bất động sản tại TP HCM.

Cô gái sinh ra và lớn lên ở TP HCM: Nếu có đất quê, tôi cũng sẽ bán để mua nhà thành phố - Ảnh 2.

Nếu muốn rời Sài Gòn về quê thì phải có nhiều tiền và buộc phải chọn các khu vực xa thành phố, đô thị chính vì giá đất quê đang tăng từng ngày. Ảnh: Dy Khoa.

Cô gái này đang có một căn hộ để cho thuê tại huyện Nhà Bè và mảnh đất nhỏ giáp ranh TP HCM với tỉnh Đồng Nai. Căn hộ sau 3 năm đã tăng vài ba lần, nhiều người săn mua và thậm chí trả giá cao hơn lần trước vì mức giá vẫn rất thấp so với khu trung tâm hiện hữu hoặc các khu đô thị mới hoàn chỉnh ờ quận, thành phố trung tâm. 

Riêng mảnh đất nhỏ thì cứ tăng vùn vụt mỗi ngày, dù hiện tại sóng bất động sản đang không sôi động nhưng Tiên vẫn nhận được các cuộc điện thoại thăm dò và ngỏ ý muốn mua. Mảnh đất có tiềm năng vì khả năng kết nối liên vùng và có thể sẽ còn tăng thêm khi hạ tầng được đầu tư đầy đủ hơn.

"Tui thấy vậy là đủ rồi. Có cần gì đâu mà phải bỏ hết về quê. Không khéo về quê tui còn căng thẳng đầu óc hơn, thiếu thốn đủ thứ mà", Tiên vẫn kiên quyết ở lại TP HCM dù tôi bảo về quê sẽ tốt hơn vì các điều kiện môi trường, không gian sống. Và quan trọng nhất, "về quê tui chẳng biết làm gì ấy. Mình có biết nuôi heo, gà, trồng rau, làm vườn gì đâu", Tiên nêu thêm lý do.

Ở thời điểm này, nếu Tiên bán đi hai bất động sản đang sở hữu tại TP HCM thì khả năng về các tỉnh giáp ranh lựa đất cũng rất khó vì giá đang biến động lớn. Nếu thực sự muốn về quê vì không khí thiên nhiên trong lành thì có thể cân nhắc các khu vực xa đô thị hoặc tỉnh lỵ của tỉnh. Các địa bàn này giá vẫn tăng nhưng không quá mạnh như vùng phụ cận TP HCM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại