Cô gái trẻ phát hiện suy thận mạn ở tuổi 30
Làm nghề makeup (trang điểm) nên công việc của L khá bận rộn. Cô là một người trang điểm đẹp, nói chuyện khéo nên lúc nào cô cũng có khách. Thậm chí vào mùa cưới, chụp ảnh kỷ yếu… L làm việc không có thời gian để nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, do phải nuôi 2 con nhỏ nên L lao đầu vào việc kiếm tiền mà không để ý tới sức khoẻ. Tới khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng mệt nhiều, mặt phù và được mọi người khuyên nên đi khám, L mới tạm gác lại công việc để tới bệnh viện kiểm tra sức khoẻ.
L tâm sự, cô chỉ nghĩ bản thân mắc bệnh gì đó nhẹ chỉ cần ra chụp chiếu, lấy máu rồi về nhưng không ngờ khi có kết quả, bác sĩ gọi L vào thông báo thận cô đã mất hoàn toàn chức năng.
L vô cùng bất ngờ vì cô vẫn đang khỏe mạnh nhưng lại được chẩn đoán mắc suy thận giai đoạn cuối.
"Khi đó tôi mới 30 tuổi, độ tuổi sung sức. Tôi không nghĩ mình lại có thể bị bệnh nặng vậy. Tôi không biết bệnh này sẽ ra sao, bác sĩ nói phải lọc máu suốt đời, tôi sợ lắm. Hai đứa con tôi còn quá nhỏ, một cháu học lớp 5 và một cháu mới 4 tuổi, tôi lo cho con nhiều lắm", L nói.
L đang chạy thận tại Bệnh viện Thanh Nhàn (ảnh N.M)
Bác sĩ khuyên L phải tiến hành lọc máu ngay vì nếu chần chừ không làm ngay bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nghe theo lời tư vấn của bác sĩ, L đã tiến hành chạy lọc máu ngay. Kết quả khám sức khỏe tổng thể của L cho thấy cô mắc cao huyết áp. Tuy nhiên, do không dùng thuốc điều trị nên đã khiến cho cầu thận bị tổn thương và gây ra suy thận mạn.
L chia sẻ, từ lúc con gái tới khi phát hiện suy thận mạn cô không đi khám sức khỏe định kỳ, cũng không bao giờ đo huyết áp nên không biết mình huyết áp cao hay thấp. Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân khiến L bị hỏng thận lúc nào mà không hề hay biết.
"Tôi ngại đi khám, những lúc làm việc nhiều thì tôi nằm nghỉ một chút, hết mệt thì lại làm tiếp. Thời điểm tôi vào viện khám là do mệt quá không thể gắng gượng được nữa. Nghĩ lại tôi thấy rất ân hận, nếu tôi biết quan tâm tới sức khỏe hơn, đi khám thường xuyên hơn thì tôi đã không hỏng thận", L tâm sự.
L cũng cho biết thêm, trước kia cô rất khỏe, ngày chạy xe 50-60km đi trang điểm cho cô dâu ở xa là rất bình thường. Giờ nghĩ lại khoảng thời gian còn khỏe mạnh, L tiếc nuối: "Giá như lúc đó tôi quan tâm giữ gìn sức khỏe của mình không thức quá khuya, đi làm vừa phải, ăn uống đầy đủ… thì giờ không phải nằm nhìn máy lọc máu".
L tâm sự sau 3 năm chạy lọc máu chu kỳ, hiện tại sức khỏe của cô cũng đã ổn. Tuy nhiên, L không thể làm những công việc nặng và cô cũng không nhận những khách trang điểm quá xa Hà Nội.
Chị L cảm thấy may mắn khi có một người chồng tâm lý luôn ở bên vợ và 2 đứa con ngoan biết quan tâm tới mẹ. Những lần mẹ đi vào viện về thấy mệt thì con cũng cố gắng giúp đỡ mẹ, hỏi thăm sức khỏe của mẹ.
Chị L đã bật khóc khi nhắc tới câu nói của chồng: "Anh sẽ cố gắng kiếm tiền dành dụm để cho em thay thận".
Ai có nguy cơ cao bị suy thận?
ThS.BS CKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, đối với trường hợp của chị L khi vào viện đã suy thận ở giai đoạn 5 và có chỉ định lọc máu.
Với trường hợp bệnh nhân L nguyên nhân mắc bệnh thận mạn là do hậu quả của tăng huyết áp không được kiểm soát.
Theo bác sĩ Quốc, suy thận mạn ở người trẻ hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, triệu chứng bệnh thường diễn tiến âm thầm nên người trẻ thường bỏ qua. Bệnh khi có triệu chứng rõ ràng thì thường đã ở giai đoạn muộn. Đa phần các trường hợp người trẻ khi tới điều trị thận đã suy teo nên không thể sinh thiết tìm được nguyên nhân gây bệnh.
Để phát hiện bệnh thận mạn sớm, bác sĩ Quốc có rằng mọi người cần phải khám bệnh định kỳ. Đối với những người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh dưới đây thì cần phải tầm soát bệnh thường xuyên:
- Người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh thận mạn.
- Người có các bệnh lý chuyển hoá: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gút…
- Người sống trong gia đình có người mắc đái tháo đường, có người mắc bệnh lý thận.
- Trẻ sinh ra nhẹ cân thiếu tháng.