Ảnh: CCTV; Credit: Tammy
Cổ vật không chỉ là món đồ nhuốm màu thời gian mà còn có khả năng tái hiện lịch sử, phản ánh trình độ văn hóa, nghệ thuật của một thời kỳ vàng son trong quá khứ. Những món đồ cổ lưu lạc trong dân gian có thể nằm trong tay bất cứ ai, người hiểu giá trị sẽ rất trân trọng những người không hiểu biết chỉ coi như món đồ đồng nát.
Để khán giả đại chúng hiểu thêm về tầm quan trọng của cổ vật với lịch sử, các đại truyền hình tại Trung Quốc những năm gần đây liên tục cho ra mắt các show truyền hình thẩm định bảo vật miễn phí.
"Truy tìm kho báu" là show truyền hình chuyên về giám định đồ cổ như vậy, song song với chương trình "Kiểm định bảo vật", cùng được sản xuất bởi đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV. Trong một tập phát sóng mới đây của "Truy tìm kho báu", một cô gái trẻ đã đến nhờ các chuyên gia thẩm định chiếc ấm trà gốm gia truyền 3 đời nhà cô.
Cô gái trẻ mang chiếc ấm trà gia truyền đến chương trình kiểm định. Ảnh: CCTV
Cô gái cho hay chiếc ấm được ông nội cô mua tại Bắc Kinh những năm 1970, món đồ ban đầu vốn thuộc Tử Cấm Thành nhưng khi nhà Thanh sụp đổ, một người hầu trong cung đã lén lấy trộm mang ra ngoài để bán. Ông nội cô gái đã mua chiếc ấm với giá 300 NDT, số tiền không hề nhỏ vào thời điểm đó.
Cô gái cho biết mình nghe câu chuyện từ ông nhưng cũng không biết chắc đây có phải đồ cổ thật hay không nên muốn tới đây nhờ chương trình kiểm tra giúp.
Các chuyên gia cẩn thận quan sát ấm trà trên tay. Nhìn qua họ cũng có thể thấy bên dưới ấm có hình con dấu của lò nung hoàng gia thời vua Ung Chính song chi tiết này vẫn chưa thể khẳng định điều gì bởi con dấu là thứ rất dễ làm giả.
Chiếc ấm trà gốm có vẻ ngoài rất tinh xảo. Ảnh: CCTV
Có một cách khác để kiểm tra độ tinh xảo của ấm trà đó là lật ngược ấm lên quan sát: Nếu quai cầm, con dấu ở đáy và vòi của ấm thẳng hàng nhau thì đây là món đồ được chế tác đúng tiêu chuẩn hoàng gia. Chiếc ấm trà của cô gái đã đáp ứng được tiêu chí này.
Ngoài ra, với đồ gốm thời nhà Thanh, có một cách hơi mạo hiểm nhưng rất hiệu quả để thử thật giả, đó là thử nhấc ấm trà bằng nắp ấm.
Trường quay nín thở chờ đợi
Vị chuyên gia đổ nước vào ấm trà rồi dùng một tay cầm vào nắp ấm, nhấc cả ấm trà lên. Cả trường quay hồi hộp lo sợ chiếc bình quý sẽ rơi xuống mặt bàn và vỡ nát. Vị chuyên gia trấn án: "Đừng lo lắng, tuyệt đối sẽ không rơi."
Chiếc ấm thực sự đã không rơi xuống!
Tại sao chiếc ấm trà này có thể được nâng lên khi chỉ cầm vào nắp? Thì ra khi sản xuất, người thợ thủ công đã mạ một lớp thiếc vào vành nắp ấm để niêm phong tốt hơn, giữ nhiệt và mùi hương của trà. Nhờ đó mà nắp ấm trà và thân ấm sẽ gắn kết với nhau rất chắc chắn.
Ngày nay chúng ta đều nhận thức được rằng thiếc là kim loại không tốt cho sức khỏe, không nên hấp thụ vào cơ thể song đối với người xưa, kỹ thuật mạ thiếc chính là đỉnh cao của chế tác trà cụ.
Sau khi rót nước, vòi ấm vẫn hoàn toàn khô ráo, không đọng một giọt nước nào. Ảnh: CCTV; Credit: Tammy
Những chiếc ấm trà thời nhà Thanh thường được sản xuất bằng khuôn và tạo tác thêm các chi tiết thủ công, song chiếc ấm trong chương trình là tác phẩm được làm hoàn toàn bằng tay. Nó tinh xảo tới mức khi rót nước xong tuyệt nhiên không đọng một giọt nước nào ở vòi, rót xong là ấm khô ráo, sạch sẽ.
Chiếc ấm trà của cô gái chắc chắn là một tác phẩm thượng hạng trong cung đình, ấm còn được bảo quản rất tốt, còn nguyên vẹn nên giá trị cao.
Nghe tới đây, cô gái trẻ vô cùng mừng rỡ, cô hỏi chiếc ấm có giá trị thực sự bao nhiêu, các chuyên gia định giá chiếc ấm ở mức 1 triệu NDT (tương đương 3,5 tỷ đồng).
Bài viết tham khảo từ CCTV