Lê Hồ, bà chủ công ty xử lý rác thải Capital City Waste Services ở thành phố Sydney, có cuộc sống nhiều người ao ước. Nhưng ít ai biết, khi mới khởi nghiệp, cô từng trải qua vô vàn khó khăn với ngành công nghiệp vốn được xem chỉ dành cho nam giới.
Tuổi thơ bị kỳ thị bởi thân phận người nhập cư
Lê Hồ, 37 tuổi, sinh ra tại Việt Nam. Bố mẹ cô vượt biên khi con gái mới sinh được 18 ngày. Trong con thuyền cá chật hẹp, đoàn người vượt biên ngày ấy lênh đênh trên biển nhiều ngày, hết lương thực, nước uống và gặp cướp.
"Chúng tôi rời Việt Nam và lên một con thuyền đánh cá cho đến khi đầu máy chiếc thuyền bị hỏng giữa đại dương. Tàu cướp biển đã tìm thấy chúng tôi, đưa vào bờ, hãm hiếp những người phụ nữ, lấy đi tất cả của cải rồi gửi nhóm đến một trại tị nạn", Lê Hồ cho hay.
Gia đình cô trải qua 6 tháng vất vả trong trại tị nạn ở Thái Lan và sau đó được chuyển đến miền nam Australia năm 1981. Quãng thời gian mới đến châu Đại Dương, bố mẹ Lê Hồ tay trắng, "không có gì hơn ngoài bộ quần áo đang khoác trên người".
Là thế hệ thứ hai của dân nhập cư tại Australia, Lê Hồ gặp không ít khó khăn trong quá trình trưởng thành và hòa nhập xã hội. Tiểu bang South Australia những năm 80 có rất ít người châu Á, vì thế, Lê Hồ luôn phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc tại trường học và nơi sống.
Lê Hồ có tuổi thơ khó khăn khi phải đối mặt với vấn đề kỳ thị sắc tộc. Ảnh: Fairfield Champion.
Ngoài kỳ thị, Lê Hồ còn đối mặt với những mâu thuẫn về giá trị văn hóa giữa Việt Nam và Australia. Ba mẹ cô tuy sống tại Australia nhưng vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Họ dạy cô kính trọng người lớn, giữ thái độ ôn hòa và không tranh luận với người khác.
Ngược lại tại trường học, Lê Hồ được dạy phải luôn đặt câu hỏi và tranh luận vấn đề, kể cả với người lớn."Năm 9 tuổi, sau giờ tan học, tôi đứng chờ ở trạm xe buýt để về nhà thì đột nhiên có hai thanh niên người Australia chạy xe ngang qua. Họ chỉ trỏ, la hét như thể tôi là sinh vật lạ lần đầu được tìm thấy tại đây", cô nhớ lại.
Lê Hồ đã cố gắng dung nạp và hài hòa giữa hai nền văn hóa, dù không dễ với cô gái đang ở độ tuổi trưởng thành. Cô luôn được cha mẹ hướng đến mục tiêu học hành chăm chỉ, có bằng đại học, tìm việc làm và lấy chồng ổn định cuộc sống. Nhưng với tính cách mạnh mẽ, Lê Hồ không chấp nhận cuộc sống an phận đó.
Bảo lưu kết quả học để khởi nghiệp
Năm 21 tuổi, Lê Hồ đưa ra một quyết định quan trọng thay đổi toàn bộ cuộc đời. Cô xin bảo lưu kết quả học tập và dành thời gian để đi làm, khi chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp đại học.
Sau một năm tích cóp, cô dồn tất cả vốn liếng mở cửa hàng thời trang chuyên bán giày và áo cưới mang tên Honey Bee tại thành phố Sydney. Sau 6 năm hoạt động, Lê Hồ phát triển được 6 cửa hàng.
"Tôi đam mê công việc kinh doanh và muốn làm cái gì đó to lớn hơn. Tôi biết một vài cửa hàng thời trang nhỏ lẻ chưa thể thỏa mãn ước muốn của mình nhưng đó là nền tảng giúp tôi làm được những điều lớn lao hơn", Lê Hồ tâm sự.
6 năm sau khi khởi nghiệp với thời trang, Lê Hồ mở được 6 cửa hàng khắp thành phố Sydney. Ảnh: Fairfield Champion.
Tuy nhiên 6 năm sau với sự phát triển của công nghệ, xu hướng mua hàng trực tuyến ngày càng nở rộ khiến công việc kinh doanh của Lê Hồ rơi vào khủng hoảng. Sự tiện lợi của việc mua sắm ngay tại nhà đã thay đổi cách mua hàng của người tiêu dùng.
Trước tình hình kinh doanh ảm đạm, Lê Hồ xác định lập nên một doanh nghiệp đứng vững trước suy thoái và sự thay đổi của các ứng dụng công nghệ. Đó là một mô hình kinh doanh mà mọi người sẽ luôn có nhu cầu đối với các dịch vụ được cung cấp.
Năm 2010, Lê Hồ liều mua lại công ty quản lý chất thải Capital City Waste Services với giá 50.000 USD. Đây là quyết định táo bạo bởi công ty này đang đứng trước nguy cơ phá sản và thua lỗ gần 20.000 USD mỗi tháng.
Khi tiếp nhận công ty, Lê Hồ bắt tay vào tối giản bộ máy hoạt động. Cô đảm nhiệm hầu hết các vai trò trong công ty gồm vị trí quản lý, bán hàng, kế toán, thậm chí tài xế xe tải. Đây là công việc chủ yếu dành cho nam giới, trong khi Lê Hồ là nữ, mới 27 tuổi.
Lê Hồ đã phải làm việc rất vất vả để giành lấy sự tôn trọng của đối tác và các đồng nghiệp. Cô học cách làm mọi công việc của một nhân viên công ty, từ lái xe đi lấy rác đến gặp gỡ khách hàng ký kết hợp đồng và xử lý đơn hàng.
"Tôi nhớ lần đầu tiên leo lên xe chở rác, chân tôi không thể với đến bàn đạp. Sau thời gian vật vã, tôi cũng tự điều khiển được chiếc xe kềnh càng đó. Khi xe của tôi đi ngang qua, mọi người đều ngoảnh lại để xem có chính xác là một cô gái đang vận hành chiếc xe tải rác hay là một người đàn ông với mái tóc dài", Lê Hồ kể lại.
Để vực lại công ty đang bên bờ vực phá sản, Lê Hồ làm việc 18 tiếng mỗi ngày và liên tục trong vòng một năm. Ảnh: Fairfield Champion.
Những nỗ lực của Lê Hồ cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Sau 12 tháng tiếp quản Capital City Waste Services, doanh thu của công ty tăng gấp đôi. Và quan trọng hơn công ty đã tìm lại được chỗ đứng trong ngành công nghiệp quản lý chất thải.
Những năm tiếp theo, Lê Hồ không ngừng mở rộng và phát triển công ty. Chỉ sau 5 năm cô đã thành công trong việc xây dựng doanh nghiệp có giá trị 10 triệu USD.
Năm 2014, Lê Hồ được vinh danh trong top "100 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất" do tạp chí Tài chính Australia và Ngân hàng Westpac bình chọn. Ngoài ra, công ty của cô cũng nhận giải thưởng Ethnic Business Awards.
Năm 2016 cô có tên trong ấn bản Who's Who of Australian Woman (Những phụ nữ nổi bật của Australia). Năm 2017 cô nhận giải thưởng Người phụ nữ của năm do tạp chí NSW Woman trao tặng.