Sau một thời gian diễn ra, Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022 đã chọn được 30 "bông hoa" xinh đẹp nhất từ mọi miền đất nước vào đến vòng Chung kết. Mỗi cô gái sở hữu một nét đẹp khác nhau nhưng ai cũng đều thu hút và cùng mong muốn được giới thiệu nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người.
Một trong số đó là Lò Thị Thu Hà - người đẹp sinh năm 1999, đến từ Điện Biên. Cô nàng đang theo học ngành Báo chí tại trường ĐH Văn hóa Hà Nội.
Lò Thị Thu Hà
Bài học kinh nghiệm khi gây tranh cãi vì trang phục dân tộc
Được biết trước khi có mặt tại Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam , Thu Hà chưa từng tham gia đấu trường nhan sắc nào. Dẫu vậy cô nàng vẫn quyết định xuất hiện tại cuộc thi này vì 2 lý do: "Thứ nhất, mình có cơ hội tìm hiểu thêm và chia sẻ về bản sắc văn hoá của dân tộc Thái nói riêng cũng như 54 anh em dân tộc nói chung. Thứ 2, mình muốn khẳng định bản thân là một người mạnh mẽ, tự tin, muốn mọi người biết tới một phương diện mới của người con gái dân tộc là hiện đại và năng động".
Tuy nhiên ở thời điểm công bố danh sách 30 thí sinh lọt vào vòng Chung kết, trang phục dân tộc của Thu Hà đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người dân tộc Thái cho rằng trang phục này không phải là trang phục dân tộc truyền thồng mà đã bị cách tân quá đà. Chia sẻ về chuyện này, người đẹp 23 tuổi nói: "Mình đã chọn một bộ trang phục dân tộc cách tân mà cá nhân thấy rất đặc sắc. Vì vậy mình cũng thấy khá buồn vì trang phục đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh của mình khi tham gia cuộc thi".
Trang phục dân tộc của Thu Hà
Trước đó Thu Hà cũng có phần ứng xử không được suôn sẻ ở vòng sơ khảo về chiếc khăn piêu - biểu trưng của dân tộc Thái đen. Tại đây khi được thành viên BGK - tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân hỏi: "Trên khăn piêu có gì đặc biệt không em?", Thu Hà trả lời: "Chiếc khăn piêu được làm từ thổ cẩm và do người Thái tự đan có màu đen và màu đỏ. Em nghĩ đó là tượng trưng cho núi rừng Tây Bắc".
Trước câu trả lời này, nữ tiến sĩ đã giải thích lại cho Thu Hà cũng như mọi người đang có mặt: "Hai đầu khăn piêu có hình vuông giống như quan niệm cư dân Đông Nam Á cổ đại, đó là đất vuông còn những hình cút piêu ở trên là trời tròn.
Và khi đội khăn piêu giống như sự hài hòa giữa âm và dương. Khi vợ hoặc chồng chết đi, một nửa chiếc khăn piêu được cắt đôi để chia cho người đi trước mang đi một nửa để về thế giới bên kia còn nhận nhau". Bổ sung thêm, thạc sĩ - NTK Sĩ Hoàng nhắc nhở Thu Hà: "Chị vừa nói vài ý về ý nghĩa của khăn piêu mà đã thấy rất cảm xúc cho nên mình cần phải nghiên cứu kỹ nhé".
Giải thích về tình huống chưa hiểu rõ về văn hóa dân tộc của mình, Thu Hà nói: "Bản thân mình tham gia cuộc thi với tâm thế học hỏi, chia sẻ nên còn nhiều thiếu sót và chưa thực sự chuẩn bị kĩ càng gây đến những tranh cãi. Đó là điều bản thân mình không mong muốn. Vì vậy mình cũng muốn gửi lời xin lỗi đến những người quan tâm và đóng góp ý kiến cho mình. Sau tình huống mình đã tìm hiểu kỹ càng hơn và cân nhắc từng lời nói trước khi lên hình".
Thu Hà (đứng thứ 3 từ trái sang) và các thí sinh
Chạnh lòng khi nghe nói đi thi Hoa hậu để lấy chồng giàu
Trong danh sách 30 người đẹp của Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Thu Hà cũng được nhận xét là thí sinh tiềm năng với gương mặt sáng sân khấu, vóc dáng cân đối và giao tiếp tự tin. Tuy nhiên ở phần bình chọn thí sinh được yêu thích nhất trên website của cuộc thi, người đẹp lại không lọt top đầu. Điều này đã thành áp lực lớn với cô nàng:
Thế nhưng với tinh thần học hỏi và khám phá giá trị bản thân, mình muốn biến kết quả chưa được như kỳ vọng này thành động lực. Vì vậy mình sẽ không vì vậy mà nản chí, tiếp tục cố gắng hơn trong đêm Chung kết, rút ngắn khoảng cách tới vương miện của Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm nay".
Thu Hà trong trang phục bikini tại cuộc thi
Bản thân người đẹp dân tộc Thái cũng hiểu rõ những quan điểm chưa tích cực mà nhiều người nghĩ về các cuộc thi sắc đẹp như "thi Hoa hậu là cách để dễ bề lấy chồng đại gia, chồng giàu". Cô cho biết mình khá chạnh lòng vì quan điểm này.
"Từ trước tới nay, cái đẹp luôn được ngưỡng mộ và những cuộc thi nhan sắc được tạo ra để làm điều đó, không phải để có mục đích như mọi người nói. Hơn nữa một cô gái xinh đẹp, tài giỏi tham gia cuộc thi Hoa hậu sẽ phải trải qua những thử thách, khó khăn về thể chất lẫn tinh thần để rèn luyện bản thân. Từ đây họ mới có cơ hội chạm đến cái đẹp hoàn mỹ, chạm tới ước mơ của mình và mở ra những cơ hội mới trong tương lai, để trở thành niềm tự hào của gia đình, của dân tộc" - Thu Hà nói thêm.
Thu Hà cũng tiết lộ, khi đến với các cuộc thi nhan sắc, ngoài sắc đẹp thì mỗi cô gái cần phải thể hiện được sự hiểu biết đa dạng lĩnh vực và một trái tim nhân hậu. Những gì hào nhoáng mà khán giả được thấy trên sân khấu đều là công sức, tâm huyết và sự cố gắng khẳng định bản thân của tất cả các cô gái.
Ngoài mục tiêu vương miện cao quý, người đẹp còn mong muốn sự tự tin của mình trong cuộc thi có thể truyền cảm hứng và động lực cho các cô gái dân tộc thiểu số khác. "Mong rằng tất cả các cô gái dù sinh ra ở đâu cũng vẫn luôn tự tin và bản lĩnh quảng bá văn hoá truyền thống dân tộc mình" - Thu Hà tâm sự.
Một số hình ảnh khác của Thu Hà
Ảnh: NVCC