Câu chuyện "Vào Đại học có phải con đường duy nhất để thành công?" chưa bao giờ tìm ra lời giải. Bởi đã là quan điểm thì mỗi người mỗi khác, đường đi và sự lựa chọn cũng không ai giống ai. Rất nhiều cử nhân sau khi ra trường phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, cũng không ít những người chẳng học rộng đỗ cao đã có được thành công khiến vạn người "ngả mũ".
Và một lần nữa vấn đề ấy lại được người ta đưa ra bàn luận rôm rả hơn sau khi đọc lá thư dài của cô gái Biên Hòa Nguyễn Ngọc Trà Mi chia sẻ trên trang cá nhân.
Được biết, hot girl tuổi 20 này từng gây sốt mạng xã hội về câu chuyện nghỉ học từ năm 14 tuổi, sau 6 năm vật lộn với nghề kinh doanh đã trở thành giám đốc, thu nhập mỗi tháng lên tới vài trăm triệu đồng.
Cũng bởi thế mà trong lá thư chia sẻ của mình, Trà Mi đã đưa ra quan điểm có hay không một tấm bằng đại học cũng không thể quyết định thành công của mỗi người: "Không phải cứ có bằng đại học thì sẽ có một tương lai sáng lạn, đó chỉ là điều kiện cần cho mỗi bạn trẻ mà thôi.
Thành công hay không, còn dựa vào sự nỗ lực của bản thân và sự nhạy bén của mỗi người. Nhiều bạn trẻ học các trường danh giá, tốt nghiệp vẫn là… thất nghiệp đấy thôi. Vậy nên, theo mình các bạn đừng nghĩ chỉ có 1 tấm bằng đại học là đủ".
Và hẳn nhiên, những quan điểm chia sẻ của cô gái đã vấp phải nhiều luồng trái chiều trên mạng xã hội.
Quan điểm của cô gái vấp phải nhiều luồng tranh luận trái chiều trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Bằng Đại học có thực sự quan trọng đến thế?
Tôi chẳng là vĩ nhân nào cả, chỉ đứng nhìn đời và ngẫm từ suy nghĩ của một kẻ không bằng cấp 2, chưa giàu bằng ai nhưng biết bằng lòng với sự nỗ lực kiên trì của mình.
Khi bạn còn trẻ, bạn đã làm gì cho ước mơ của mình? Bạn cất chúng trong balo để đến trường như bao người BÌNH THƯỜNG khác, và bạn đi trên con đường bố mẹ đã vẽ sẵn cho mình, chọn một ngành học bạn chưa từng quan tâm hay hứng thú?
Chỉ vì mẹ nói nó sẽ hái ra tiền, còn bố thì chắc dạ xin cho bạn một việc tử tế khi ra trường? Còn tôi, tôi quyết tâm nghỉ học, vì tôi muốn làm giàu, tôi thích kinh doanh, và tôi khao khát được tận tâm với lựa chọn của mình. Tôi không cần bằng Đại học!
Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao bao nhiêu sinh viên giỏi ra trường rồi thất nghiệp? Sao Việt Nam vẫn nghèo khi mỗi năm đều chào đón hàng ngàn kỹ sư, cử nhân, kế toán hạng A? Vậy, hà cớ gì phải học chăm, phải lao đầu vào Đại học?
Thật kỳ quặc, từ trước đến nay, người ta luôn dựa trên bằng cấp hay danh hiệu để đánh giá năng lực của một đứa trẻ là giỏi giang hay kém cỏi.
Học trường nào, điểm số bao nhiêu, điều đó rốt cuộc có quan trọng không, khi chúng ta lấy toán – văn và những cuốn sách giáo khoa cứng nhắc làm chuẩn mực khen – chê một con người.
Sinh con ra, ai cũng nói chỉ ước con cái được khỏe mạnh, chạy nhảy, nô đùa và lành lặn, thế mà 18 năm trời, thụ động ngồi trên một cái ghế, bên một cái bàn và hai mắt chăm chăm hướng lên bảng.
Những con số, những bài văn khuôn mẫu, đạo hàm, tích phân và những nguyên lý đẩy – hút – rơi – rụng, vô hình chung trở thành tiêu chí để phân loại trình độ của những mầm non dân tộc.
Vậy một đứa trẻ giỏi cầu lông, đam mê bơi lội, có thể tự chế ra đèn học từ những vật dụng bỏ đi trong nhà… đều phải lãng quên ước mơ và khả năng của mình, coi những thú thích đó là vô bổ hay sao?
Dân mạng người đồng tình, người đưa ra ý kiến phản bác quan điểm của cô gái trẻ. (Ảnh chụp màn hình)
Bao nhiêu năm qua, trái đất thay đổi không ngừng, mọi thứ đều mất giá, duy chỉ có tấm bằng Đại học là hết người người kia làm giá, nâng giá lên tận mây xanh.
Chỉ với một cái smatphone, 3 vạch Wifi, người ta có thể trò chuyện với cả thế giới, máy tính, đồng hồ, thông dịch… đều sẵn sàng và nhanh chóng, vậy, những đứa trẻ còn học miệt mài những bài toán dạng này dạng kia để làm gì?
Chúng ta cung cấp cho bọn trẻ nguồn tri thức khô khan cơ bản của cuộc đời, rồi lại không dạy chúng cách sinh tồn ý nghĩa trong cuộc đời, cách cho đi và nhận lại, cách chống lại những kẻ xấu xa xâm hại mình, cách vượt qua cám dỗ tiền bạc, tình yêu và cả cách trân trọng những gì mình đang có.
Bằng đại học, bằng lái xe, bằng ngoại ngữ, có thật sự làm người ta hạnh phúc? Hay chỉ khi ta biết bằng lòng mới bình an vô sự?
Ăn cơm, ăn ảnh, ăn vạ, rồi có cần thiết bằng việc biết ăn năn khi phạm lỗi? Nền móng của mọi sự thành công trong đời người chính là ước mơ. Xin hãy để người trẻ được tự do ước mơ và theo đuổi nó.
Tấm bằng Đại học đẹp đấy, oai đấy, nhưng một ngày không có nó không ai đi tìm nó cả.... Còn một cuốn giấy vệ sinh thì không thể thiếu. Bạn tin không?
Đã hơn 1 năm kể từ khi giá dầu giảm sâu và nền kinh tế Venezuela chưa thể hồi phục, nhu yếu phẩm ngày càng khan hiếm và người dân thì không còn kiên nhẫn cũng như niềm tin vào nền kinh tế nữa. Ở nơi đó, chỉ vì một cuộc giấy vệ sinh, người ta có thể tranh cướp và đánh nhau chảy máu.
Tấm bằng Đại học ở Việt Nam, đã bao giờ giúp được các bạn kiếm được doanh thu ổn định như các bạn đã nghĩ hay đã ước mơ chưa? 100 người liệu được 1 không nhỉ? Được bằng giỏi rồi, lại đi làm thuê cho những người có của ăn của để từ ba mẹ, những người bỏ học từ sớm để kinh doanh?
Tôi đó, một đứa con gái ngông cuồng và ngỗ nghịch, quyết tâm nghỉ học năm 14 tuổi. Có một câu hỏi đôi khi khiến tôi thấy mơ hồ: "Tôi điên hay người khác điên? Hay con người ta chỉ có thể thành công khi biết làm điều gì đó tưởng như điên khùng?"
Tôi từng nghe người ta nói, "Trên đường đời, bạn sẽ phải luôn hứng chịu những viên đá do mọi người ném tới, nhưng quan trọng là cách bạn đối phó với chúng như thế nào: dựng lên một bức tường hay là xây một cây cầu."
Trà Mi nghỉ học từ năm 14 tuổi và bắt đầu tập tành kinh doanh.
Cuộc sống của mình, do mình làm chủ và không ai có thể thay đổi hay bắt ép bạn. Thành công hay thất bại, đều ở bạn, tuyệt đối không phải do số phận hay duyên mệnh.
Nếu ai đó hỏi tôi: Tấm bằng Đại học có thật sự quan trọng không? Tôi sẽ nói "Không"! Tôi đã tự đi một con đường dài, bằng đôi chân của một cô gái không bằng cấp 2, chưa giàu bằng ai, chỉ nỗ lực bằng ước mơ và niềm tin vào chính mình.
Đời này, không thể trông chờ vào ai, chỉ có dựa vào bản thân mà vươn lên, mà chiến thắng và thành công! Tôi không học khái niệm bỏ cuộc, càng không bao giờ từ bỏ những việc tôi thích chỉ để làm hài lòng người khác…
Hãy cứ làm theo những gì mình muốn. Đừng theo khuôn khổ mà mất đi hoài bão, tuổi trẻ ngắn như vậy, đừng để hối tiếc, cũng đừng để tới lúc quá trễ để quay đầu".