Cô gái chuyển giới bị tình nghi là kẻ gian móc túi trong hội chợ
Ngày 25/11, Tây Hà (SN 1993, tên thật là Đỗ Minh Tiến) đã chia sẻ câu chuyện mà mình gặp phải khi mua sắm trong ngày Black Friday ở Sân vận động Hoa Lư TP. HCM.
Tây Hà là cô gái chuyển giới khá nổi tiếng trong cộng đồng LGBT, hiện đang là trợ lý cho các dự án về người chuyển giới của tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (ICS).
Tây Hà cho biết khi đi mua sắm ở hội chợ, một bảo vệ ở đây đã tiến đến và yêu cầu kiểm tra túi xách vì nghi cô là kẻ gian móc túi khách hàng.
Cảm thấy mình bị xúc phạm nên Hà không đồng ý cho người bảo vệ này kiểm tra và yêu cầu gặp Ban tổ chức hội chợ. Cuối cùng sau khi phải mở túi xách cá nhân để kiểm tra thì đội bảo vệ mới cho phép Hà đi.
Chia sẻ của cô gái chuyển giới trên facebook cá nhân về việc mình bị kỳ thị ở hội chợ.
"Họ còn đòi đem mình lên công an phường, nói mình diễn. Mình đơn giản chỉ là muốn BTC nói 1 tiếng bảo vệ khách hàng và cho mình biết lý do tại sao như vậy.
Nhìn mình giống kẻ móc túi lắm hả, mình là người chuyển giới là sẽ móc túi hay sao. Rồi còn nói mình diễn nữa. Hay là mọi người đang kỳ thị...", Tây Hà chia sẻ trên trang cá nhân.
Chia sẻ với chúng tôi, Tây Hà cho biết, người chuyển giới vốn chịu nhiều sự gièm pha của xã hội, bản thân Hà cũng từng là nạn nhân của sự kỳ thị, bất công, nhưng đây là vụ việc khiến cô cảm thấy đau buồn nhiều nhất.
Hội chợ ở sân vận động Hoa Lư, nơi Tây Hà bị bảo vệ tình nghi là kẻ móc túi.
"Có một bảo vệ cứ khăng khăng mình là người móc túi, còn đòi dẫn giải mình lên Công an phường.
Mình hỏi hai anh ấy rằng bộ dạng của mình trông giống một kẻ móc túi lắm sao, thì hai anh ấy nói do có người trình báo về việc họ thấy mình dòm ngó túi xách của họ với vẻ đáng nghi, nhưng khi mình hỏi ai đã báo thế thì hai anh không chỉ ra được ai", Tây Hà kể lại.
Vì tức giận nên cô gái này đã đổ hết tất cả đồ đạc trong túi xách của mình ra để mọi người kiểm tra. Lúc này, một chị trong BTC hội chợ còn cho rằng chiếc túi xách này không phải là của Hà.
Tây Hà chia sẻ: "Mình đưa hết giấy tờ ra cho mọi người kiểm tra, CMND, thẻ ATM... thì mọi người mới tin và cho mình đi mua sắm tiếp.
Nhưng có rất nhiều người hiếu kỳ đã tập trung xung quanh nhìn mình xì xào, mình cảm thấy rất tổn thương".
Tây Hà hiện đang là trợ lý cho các dự án về người chuyển giới của tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (ICS).
Tây Hà trước và sau khi chuyển giới.
Câu chuyện này đã khiến nhiều người trong cộng đồng LGBT, nhất là những người chuyển giới nữ bức xúc. Bởi họ thường xuyên bị nghi ngờ là người xấu, phải sống chung với sự kỳ thị trong cuộc sống.
Anh Huỳnh Minh Thảo (Giám đốc truyền thông và dịch vụ của ICS) cho biết: "Tôi đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau lòng của những người đồng tính và chuyển giới khi họ bị xã hội gièm pha, nghi hoặc, thậm chí xa lánh.
Chuyện của Tây Hà là một ví dụ điển hình, tôi nghĩ đã đến lúc người chuyển giới cần lên tiếng để tìm lại sự công bằng cho chính bản thân mình".
Bảo vệ ở hội chợ nói gì?
Liên quan đến sự việc diễn ra với cô gái chuyển giới Tây Hà, đại diện đội bảo vệ của Hội chợ cho biết họ không kỳ thị mà chỉ làm những gì họ phải làm.
Sự việc xảy ra vào trưa ngày 25/11, lúc đó bảo vệ tổ dân phố có trách nhiệm giữ trật tự cho hội chợ giảm giá. Khi đi tuần tra thì họ phát hiện 2 đối tượng có biểu hiện bất thường.
"Vì nghi ngờ đó là kẻ gian nên chúng tôi yêu cầu kiểm tra túi xách nhưng ban đầu cô này không đồng ý. Thật ra chúng tôi đã nghi ngờ cô ấy trộm cắp nên theo dõi từ lúc cô ấy vừa bước vào hội chợ", anh Đông - bảo vệ dân phố phường Đa Kao nói.
Về việc nghi ngờ, anh Đông nói rằng Tây Hà cũng như các đối tượng khác đã từng phải lên Công an phường khi đứng ở cầu Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. "Hơn nữa, nhiều người dân phản ánh cô gái này hay nhìn vào túi xách của khách hàng nên chúng tôi mới kiểm tra", anh Đông nói.
Bảo vệ dân phố yêu cầu kiểm tra túi xách của Tây Hà cho rằng anh chỉ đang làm nhiệm vụ để đảm bảo an ninh trật tự trong Hội chợ.
Tuy nhiên, Tây Hà cho rằng cô chưa từng phải lên Công an phường và cũng không bao giờ có hành vi đứng ở cầu Điện Biên Phủ để làm gì cả. "Tôi chắc chắn có sự nhầm lẫn ở đây. Có lẽ vì thế mà họ nghĩ rằng tôi đang cố diễn.
Dù vậy, tôi vẫn không thể chấp nhận việc họ cứ khăng khăng bảo tôi là kẻ gian và đòi kiểm tra túi xách cá nhân của tôi một cách dồn dập như vậy", Tây Hà nói.