Ngay khi dịch bệnh bùng phát và trước khi có quyết định giãn cách xã hội, Phương Yến đã chuyển về vùng quê Điện Biên của mình để sinh sống cùng với gia đình. Gia đình Yến sống tại xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Phương Yến - cô gái 9X làm việc ở Sơn La.
"Công việc của mình là dạy học ở tỉnh Sơn La nên khi dịch bùng phát là đã được cho làm online tại nhà.
Chính vì thế mình đã quyết định chuyển về quê sống. Mình thấy quyết định này là đúng đắn bởi nó giúp mình cắt giảm được rất nhiều chi phí trong tình hình thu nhập bị giảm do mùa dịch".
Trước dịch, Yến có thu nhập gần 10 triệu đồng. Sau khi trả hết các khoản tiền như tiền thuê trọ, điện nước, ăn uống, chi tiêu và mua sắm cho bản thân là Yến sẽ không để dư được đồng nào.
Câu chuyện hết tiền thậm chí lặp đi lặp lại qua các tháng, có tháng tiêu quá tay Yến còn âm tiền mà phải đi vay.
Cách chi tiêu của Yến trước dịch và trong khi giãn cách.
"Lúc trước thu nhập mình của mình sẽ chi cho các khoản thiết yếu trong cuộc sống, số còn lại mình chi cho khoản mua sắm và giải trí mà chẳng để dư dả được đồng nào. Chuyện tiết kiệm mình cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng từ ngày dịch bệnh bùng phát, lương bị giảm đi 1 nửa rồi quyết định về quê thì mình đã có sự thay đổi trong chuyện chi tiêu hơn nhiều".
Yến quyết định về quê vì việc dạy học đã theo hình thức online tại nhà.
Từ việc chi tiêu cả tháng tới gần 10 triệu hết luôn thu nhập, Yến giảm xuống mỗi tháng chỉ còn 2,5 triệu. Số tiền này được Yến chia làm hai. Khoản thứ nhất là 2 triệu dùng để gửi biếu bố mẹ, trong đó bao gồm cả chi phí đồ ăn và sinh hoạt hàng ngày.
"Chắc nhiều bạn thắc mắc là về ở nhà mà cho bố mẹ 2 triệu thì sao mà đủ nhưng ở quê thực sự chi phí rất rẻ. Ở mình, chợ vẫn hoạt động bình thường nhưng gia đình cũng còn ít đi bởi có thể đảm bảo tự cung tự cấp một số loại lương thực có sẵn như gạo, cá ở ao, vịt và gà vẫn đẻ trứng đều, rau quả ngoài vườn.
Số tiền mình gửi bố mẹ có thể để mua thêm hoa quả, các loại thịt tươi sống giàu đạm khác. Mùa dịch gia đình mình cũng tăng việc chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể", Yến chia sẻ.
Mỗi ngày Yến đều ra vườn chăm sóc rồi hái rau về ăn.
Tiếp theo khoản được Yến chi tiêu là 500k dùng vào các khoản lặt vặt cho bản thân. Số tiền này sẽ dùng để mua cà phê, thỉnh thoảng mua mỹ phẩm hoặc vật dụng cần thiết.
"Về nhà với bố mẹ thì đầy đủ hết rồi. Vì không ra ngoài nên mình cũng cắt hẳn nhu cầu sắm thêm quần áo hay giày dép mới. Ăn vặt thì cũng không luôn. 3 khoản đó mình giảm về 0 đồng. Có tháng còn không tiêu đến 500k tiền cho bản thân", Yến chia sẻ.
Số tiền còn dư lại toàn bộ được Yến để dành tiết kiệm. Đây là điều chưa từng có khi Yến còn sống ở Sơn La. "Dù số tiền tiết kiệm không nhiều nhưng mình nghĩ đó là một sự thay đổi lớn trong cách chi tiêu. Mình cũng không biết đến khi nào dịch bệnh mới kết thúc nên việc phải chi tiêu tiết kiệm trong một thời gian dài sẽ giúp mình biết trân trọng đồng tiền và biết chi tiêu có mục đích hơn".
Yến còn lạc quan cảm thấy ở khía cạnh nào đó, dịch bệnh đã mang tới bài học chi tiêu tốt đẹp cho cuộc sống của cô.
Hiện tại, hàng ngày Yến vẫn tiếp tục công việc dạy học online của mình. Cô còn tập trung thêm vào kinh doanh các sản phẩm thảo dược để tăng thu nhập.
Giãn cách xã hội được sống ở quê giúp Yến có một không gian rộng lớn để làm việc và sinh hoạt. Yến không nghĩ rằng giãn cách xã hội làm mình sống chậm lại vì cuộc sống vùng quê vốn diễn ra êm đềm trong suốt những năm qua. Cô gái còn lạc quan cảm thấy ở khía cạnh nào đó, dịch bệnh đã mang tới bài học chi tiêu tốt đẹp cho cuộc sống của cô.
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC