Thận ứ nước vì lạm dụng 2 loại đồ uống
Cô gái trẻ tên Trương Nghệ (27 tuổi), làm việc tại Thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc đã đến Khoa Ngoại, Bệnh viện Hợp Phì để thăm khám do cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường.
Bệnh nhân chia sẻ, khoảng 1 tháng trước cô bị thương nên đã đến bệnh viện để khám sức khỏe. Kết quả chụp CT cho thấy có sỏi trong thận. Tuy nhiên, thời điểm đó, Trương Nghệ đã không bận tâm vì cô cho răng bệnh không gây đau đớn có nghĩa là chưa nghiêm trọng.
Đến ngày 25/8 vừa qua, Trương Nghệ đột nhiên cảm thấy chướng bụng, đau dữ dội ở bụng và thắt lưng. Tình trạng đau đớn diễn ra liên tục 3 ngày không thuyên giảm do đó Trương Nghệ đã đến bệnh viện Hợp Phì để thăm khám.
Thận ứ nước là tình trạng tắc nghẽn của đường dẫn niệu, làm tích tụ nước tiểu trong các đài bể thận khiến thận giãn to. Thận ứ nước có thể xảy ra đột ngột hoặc mạn tính ở một phần hoặc toàn bộ đường dẫn niệu một bên hoặc cả 2 bên thận.
Kết quả khám cho thấy bệnh nhân mắc bệnh thận ứ nước. Nguyên nhân là do không điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản kịp thời, khiến bệnh tiến triển nặng.
Bác sĩ Hồ Ân Quang, bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Hợp Phì cho biết: “Hai bên thận của bệnh nhân đều bị ứ nước. Kết quả chụp CT phát hiện cả hai bên niệu quản có tổng cộng 4 viên sỏi, 1 bên thận cũng phát hiện sỏi.
Bác sĩ ngay lập tức chỉ định bệnh nhân nhập viện để thực hiện phẫu thuật nội soi tán sỏi ở thận và niệu quản. Một ngày sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục.
Lạm dụng đồ uống chứa đường có hại cho thận
Khi khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có thói quen sử dụng đồ uống có đường thay cho nước lọc.
Trương Nghệ chia sẻ: “Tôi có thói quen sử dụng trà sữa và nước ngọt có ga mỗi ngày. Tôi bắt đầu uống trà sữa và nước ngọt từ khi học lớp 3 vì tôi rất ghét uống nước lọc và cảm thấy nó vô vị. Sau này, khi trưởng thành, tôi đã quen uống trà sữa, nước ngọt nên thường uống rất ít nước lọc. Tôi gần như đã uống nước ngọt và trà sữa thay cho nước lọc”.
Trương Nghệ cũng từng được người thân và bạn bè khuyên nên giảm tần suất sử dụng nước ngọt có ga và trà sữa nhưng cô chưa từng bận tâm mà vẫn tiếp tục thói quen này.
Bác sĩ Hồ Ân Quang giải thích: “Đồ uống có đường chẳng hạn như nước ngọt có ga có chứa hàm lượng đường và phốt pho cao, thúc đẩy cơ thể tăng bài tiết canxi ra ngoài, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành sỏi trong thận”.
Bác sĩ Hồ Ân Quang cho biết bên cạnh nước ngọt có ga, trà sữa cũng gây ảnh hưởng tới thận. Trong một số loại trà có chứa oxalate - một chất kết tủa có màu nâu nhạt dễ bị tích tụ lại trong thận. Khi cơ thể dư thừa oxalate, chúng sẽ kết tinh với ion canxi để tạo thành sỏi (canxi oxalate) ở thận và niệu quản.
Ngoài ra, việc lười uống nước đó cũng gây ra tình trạng mất nước mạn tính, khiến nước tiểu trở nên cô đặc hơn, khiến các khoáng chất không được đào thải ra ngoài và kết tinh thành sỏi trong thận hoặc niệu quản.
Theo bác sĩ, sỏi thận và sỏi niệu quản nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành bệnh thận ứ nước. Với trường hợp của bệnh nhân Trương Nghệ, nếu bệnh nhân không đến viện điều trị và phẫu thuật tán sỏi, bệnh thận ứ nước có thể khiến chức năng thận bị tổn thương nghiêm trọng, có thể phát triển thành suy thận.
Sau khi nghe bác sĩ giải thích và điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân Trương Nghệ vô cùng hối hận. Bệnh nhân cho biết: “Tôi không ngờ thói quen uống nước ngọt và trà sữa của mình lại gây hại đến thế. Từ giờ trở đi tôi sẽ cố gắng ‘cai’ đồ uống có đường và uống nhiều nước lọc hơn”.
Bác sĩ Hồ Ân Quang khuyến cáo, người dân cần hạn chế sử dụng các loại đồ uống chứa đường và tăng cường bổ sung nước lọc để đảm bảo cơ thể có thể xử lý hiệu quả và đào thải các chất dư thừa ra khỏi cơ thể.