Theo đó, vào ngày 2/6 vừa qua, Noa Pothoven 17 tuổi đã qua đời tại nhà riêng ở thành phố Arnhem, Hà Lan. Cái chết do cô gái trẻ tự quyết định, dựa trên đạo luật trợ tử được xem là hợp pháp ở Hà Lan từ năm 2002.
Daily Mail cho biết, quyết định đau lòng của Noa là kết quả của chuỗi ngày chịu đựng những dày vò và tổn thương nặng nề về tâm lý.
Quá khứ ám ảnh về ba lần bị tấn công, xâm hại tình dục và hiếp dâm khiến cô gái 17 tuổi cùng lúc mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm và chán ăn.
Vụ xâm hại tình dục đầu tiên xảy ra với Noa năm cô 11 tuổi tại bữa tiệc của người bạn cùng trường. Vụ thứ hai diễn ra chỉ một năm sau đó, cũng tại một bữa tiệc khác. Vào năm Noa 14 tuổi, cô một lần nữa bị tấn công và hiếp dâm bởi hai người đàn ông tại khu vực Elderveld, thành phố Arnhem.
Sợ hãi và xấu hổ, Noa không trình báo những vụ việc này với bất kỳ ai. Bố mẹ Noa không hay biết gì về bi kịch liên tiếp xảy ra với con gái, cho đến khi phát hiện bức thư tuyệt mệnh trong phòng riêng của cô.
Từ vài năm nay, Noa thường xuyên ra vào các bệnh viện, cơ sở y tế và trung tâm chuyên khoa để điều trị tâm lý bắt buộc. Suốt thời gian đó, cô chỉ mặc duy nhất chiếc váy được thiết kế bằng chất liệu đặc biệt không thể xé rách.
Năm ngoái, Noa được đưa vào bệnh viện Rijnstate, Arnhem, trong tình trạng nguy kịch: thiếu cân nghiêm trọng và gần suy nội tạng. Cô bị hôn mê và phải truyền thức ăn.
Cũng năm 2018, Noa đã viết và xuất bản tự truyện nhan đề “Winning or Learning” chia sẻ về cuộc chiến đấu với những tổn thương tâm lý khi là nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ vị thành niên.
Cô đã truyền cảm hứng và động lực sống cho hàng chục ngàn người trẻ, trong đó có nhiều người rơi vào hoàn cảnh như cô.
Cuốn tự truyện “Winning or Learning” của Noa xuất bản năm 2018 kể về cuộc chiến đấu của cô với những tổn thương tâm lý khi là nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ vị thành niên
Một ngày trước khi qua đời, Noa đã đăng những dòng chia sẻ cuối cùng trên mạng xã hội Instagram. Cô viết: “…Sau nhiều năm gồng mình và đấu tranh, tôi đã kiệt sức. Tôi đã bỏ ăn vài ngày nay rồi…
Và quyết định được đưa ra là sẽ để tôi ra đi, vì những gì tôi phải trải qua đã quá sức chịu đựng… ”.
Cô cũng mong muốn mọi người không thuyết phục cô thay đổi suy nghĩ. “Đây là quyết định cuối cùng của tôi”, cô khẳng định. Noa nói rằng cô luôn đối diện với nỗi sợ hãi và đau đớn hàng ngày, luôn sống trong cảnh giác và cảm thấy cơ thể đã vụn vỡ từ bên trong.
Cha mẹ Noa không hề mong đợi kết cục này. Họ cố gắng thuyết phục cô điều trị trầm cảm bằng phương pháp sốc điện. Nhưng Noa quyết định chọn trợ tử vì cô cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa nữa.
Từ năm 2002, luật trợ tử đã chính thức có hiệu lực tại Hà Lan với những điều kiện vô cùng khắt khe. Theo đó, trẻ em từ 12 tuổi đã có thể áp dụng trợ tử nếu chúng có mong muốn, nhưng phải có chỉ định từ bác sĩ rằng tổn thương của người bệnh là “vô phương cứu chữa”.
Năm 2017, Hà Lan đã có 6.585 trường hợp qua đời bằng hình thức trợ tử, theo thống kê của Ủy ban Đánh giá Trợ tử Khu vực (Regional Euthanasia Review Committee).