Đời người rốt cục sở hữu thứ gì mới được cho là hạnh phúc? Có người tin rằng nhiều tiền thì ắt sẽ vui vẻ, người lại khẳng định phải tìm thấy tình yêu chân chính mới được coi là viên mãn, cũng có người quan niệm, không bất hạnh đã được tính là hạnh phúc rồi...
Kỳ thực, hạnh phúc không phải là những thứ cao xa mà chúng ta vẫn hằng ao ước, khát khao. Thứ gọi là hạnh phúc của nhân sinh có lẽ chỉ gói gọn trong 7 chữ - "Thân không bệnh tật, lòng vô sự".
"Thân không bệnh tật" là thứ hạnh phúc thực tế nhất của đời người
"Thân không bệnh tật" cũng giống như triết lý "sức khỏe là vốn quý nhất". (Ảnh minh họa).
Một người đương lúc tráng niên, thanh xuân tràn đầy, nhiệt huyết sôi sục đương nhiên sẽ thoải ý "tiêu xài" sức trẻ. Thế nhưng cho đến lúc già đi, cơ thể bắt đầu xuống dốc, họ mới hiểu được rằng hạnh phúc đích thực chỉ gói gọn trong 4 chữ - "thân không bệnh tật".
Nhà thơ La Ẩn thời nhà Đường từng viết: "Đắc tức cao ca thất tức hưu", đời người có lúc thất thế, cũng có lúc gặp thời.
Ở vào thời điểm chúng ta gặp thời, xung quanh có không ít bạn bè, xã giao cũng nhiều, tiệc tùng vô độ. Con người khi ấy tất sẽ vui mừng, thỏa sức ăn chơi hưởng lạc, còn lòng dạ nào nghĩ tới giữ gìn sức khỏe.
Những bệnh như béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, cao mỡ máu… đều từ đó mà ra cả. Để rồi sau này khi có cơ hội hưởng thụ tốt hơn, ta lại chẳng còn đủ sức để thụ hưởng, lòng có hối hận cũng đã muộn.
Vậy mới nói, thân không bệnh tật chính là hạnh phúc đích thực của đời người.
Nhân sinh khi đương lúc thất thế, mọi thứ như địa vị, danh dự, tài sản đều không còn. Ngay cả như vậy, ta vẫn nhất định phải giữ được thân khỏe mạnh và tâm an lạc.
Chỉ có giữ cho mình được hai thứ ấy mới mong có ngày vực dậy tất cả, cũng như người xưa từng chỉ dạy: "Núi xanh còn đó, lo gì thiếu củi đun".
"Lòng vô sự" chính là nửa còn lại của hạnh phúc viên mãn
Thứ gọi là "lòng vô sự" vốn không phải vô tâm trước mọi việc, mà đơn giản chỉ là trái tim không bị những chuyện vụn vặt đời thường bủa vây. Ngay cả khi bận rộn, ta vẫn nên giữ cho mình lòng bình thản, tâm tự do, ấy là "lòng vô sự".
Lòng vô sự là một cách sống thanh nhàn
Thanh nhàn không phải lười biếng, mà nên hiểu là sự thong dong, không vội vã. (Tranh minh họa).
Lâm Ngữ Đường từng chỉ dạy: "Người lý tưởng thích hợp hưởng thụ nhân sinh nhất chính là người nhiệt tâm, nhàn nhã, không sợ hãi".
Nhưng lại không ít người coi cuộc sống như một quá trình "sản xuất" không ngừng, từ đó đeo lên vai những bận rộn và căng thẳng vô cớ.
Bởi vì tâm bận rộn, nên ngay cả đi thang máy vẫn thấy chậm, nào có tâm trạng yên lặng nhìn ngắm cuộc đời này đây?
Cuộc sống hiện đại quá nhiều bộn bề, bôn ba, mà sự thanh nhàn lại giống như việc thong thả tản bộ, để thân thể và tâm trí hoàn toàn nghỉ ngơi sau một chặng đường dài.
Lòng vô sự là một loại bình thản yên vui
Ảnh minh họa.
Thiền sư Vô Môn Huệ Khai thời nhà Đường quan niệm, lòng vô sự mới có thể sống thoải mái, nhẹ nhõm, an nhiên.
Cuộc sống của chúng ta mỗi nơi, mỗi mùa đều có những cảnh đẹp say đắm lòng người. Xuân đến trăm hoa đua nở, hè về gió mát hiu hiu, thu qua ánh trăng sáng tỏ, đông tới tuyết phủ trắng xóa.
Dù cho thế gian có thay đổi ra sao, chỉ cần lòng người luôn bình thản, yên vui thì tất cả vinh nhục, thành bại, thị phi, được mất đều chẳng ảnh hưởng đến ta. Khi ấy, ta sẽ thấy lòng mình mênh mông đến vô hạn.
Lòng vô sự là một cảnh giới tu tâm dưỡng tính
Ảnh minh họa.
Nhịp sống hối hả khiến nhiều người chưa có cơ hội lĩnh ngộ được cảnh giới tu tâm dưỡng tính. Kết quả của quá trình tu dưỡng ấy sẽ giúp lòng người không màng danh lợi, coi trọng tình cảm.
Con người tồn tại ở trên đời, xét trên một góc độ nào đó cũng được coi là một cảnh giới. Cảnh giới này có cao, có thấp.
Nếu lòng vô sự, không phiền muộn lo âu thì vạn vật xung quanh đều sẽ đem lại niềm vui vô hạn. Nhưng để đạt đến ngưỡng đó vốn không phải là điều dễ dàng.
Đi hết cuộc đời này, chúng ta sẽ thường xuyên gặp phải đủ mọi trắc trở và phiền muộn. Trong quá trình trưởng thành, ta cũng sẽ phải trải qua đủ mọi đau khổ, mất mát. Hết thảy những biến cố ấy khiến cõi lòng khó có thể thoải mái, tự tại.
Thế nhưng cuộc sống vẫn ngày ngày trôi đi, tương lai đang ở ngay trước mắt, ta vốn không nên phí hoài thời gian và tâm sức vì những chuyện đã qua, cũng không nên lo âu về những điều chưa biết khi nào sẽ xảy đến.
Làm được điều này ắt sẽ đạt đến cảnh giới "lòng vô sự".