Tại một cuộc thi hoa hậu mới tổ chức, câu hỏi được đặt ra cho thí sinh là "Hiện nay có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng không xin được việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp khó tuyển nhân sự. Vậy theo quan điểm của bạn, hiện tượng này là như thế nào?"
Trong báo cáo tại hội nghị Đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và Triển khai kế hoạch năm 2022 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn diễn ra hồi đầu năm nay, tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp là 67.780 người. Trong đó, nhóm học sinh, sinh viên tốt nghiệp học nghề là 24.202 người. Cao đẳng nghề 496 người, trung cấp nghề 3.746 người và sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 19.698.
Thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề năm 2021, kết quả của học sinh, sinh viên quy đổi là 17.605 người. Trong đó: Cao đẳng nghề 1.185 người, Trung cấp nghề 10.444 người; Sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên là 5.976 người.
Sau khi tốt nghiệp, có 80 - 85% học sinh, sinh viên có việc làm tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Tỷ lệ kiếm được việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên khá tốt.
Còn theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2019-2020, số sinh viên tốt nghiệp đại học là 263.172 người. Hồi tháng 8 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trong hai năm 2020 và 2021.
Theo đó, các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức cao (đạt tỷ lệ trên 85%), bao gồm: Dịch vụ vận tải (89,2%); Nghệ thuật (85,4%); Thú y (85,2%).
Các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức khá (đạt tỷ lệ từ 75% đến 85%), gồm: Kiến trúc và Xây dựng (79,6%); Sản xuất và Chế biến (79,5%); Toán và Thống kê (77,7%); Sức khỏe (76,7%); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (75,8); Khoa học sự sống (75,6%).
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức trung bình (từ 70 đến dưới 75%) bao gồm hầu hết các lĩnh vực còn lại của top 10 lĩnh vực có số sinh viên tốt nghiệp nhiều nhất như: Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên (74,5%); Nhân văn (74,7%); Kỹ thuật (74,1%); Công nghệ kỹ thuật (73,4%); Máy tính và Công nghệ thông tin (73,6%).
Những lĩnh vực có tỷ lệ việc làm ở mức thấp (dưới 70%), bao gồm: Dịch vụ xã hội (56,3%); Môi trường và Bảo vệ môi trường (59,9%); Pháp luật (64,9%); Kinh doanh và Quản lý (68,8%); Khoa học xã hội và Hành vi (69,2%).
Sinh viên của một số trường đại học đã có việc làm ngay còn ngồi ghế giảng đường.
Còn năm 2020, nhóm ngành nghệ thuật, thú y, máy tính và công nghệ thông tin có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất. Như vậy, hai năm 2020 và 2021, thú y và nghệ thuật đều nằm trong top 3 lĩnh vực sinh viên tốt nghiệp dễ kiếm việc làm.
Khó kiếm việc, khó tuyển người: Liệu có đúng hoàn toàn?
Các số liệu được dẫn trên đây đều các cứ liệu đáng tin cậy từ cả hai lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học (đang được chủ trì bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo). Kết quả khảo sát, báo cáo cho thấy tỷ lệ các em sinh viên tốt nghiệp và kiếm được việc không hoàn toàn vô vọng. Tỷ lệ có việc làm rơi vào trên dưới 70%.
Do vậy, không thể nhìn vào yếu tố không thể hiện toàn cục để nhận định toàn bộ sinh viên tốt nghiệp ra trường đều khó tìm việc. Yếu tố kiếm được việc hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Trong đó có bối cảnh chung của kinh tế thế giới, khu vực và quốc gia. Nếu kinh tế phát triển thì khối lượng công việc sản sinh sẽ nhiều hơn. Khi đó, cơ hội có việc làm sẽ nhiều hơn, có khả năng bao trùm xã hội. Chúng ta thường thấy các quốc gia sử dụng thước đo về tỷ lệ thất nghiệp để đo độ trù phú nội tại quốc gia trong một thời điểm nhất định.
Ngoài ra, khả năng kiếm việc từ ngay khi ra trường còn phụ thuộc vào sức chứa của ngành mà sinh viên đó đang học. Chúng ta từng chứng kiến ngành công nghệ thông tin Việt Nam có giai đoạn đỏ mắt tìm người làm. Một doanh nghiệp phần mềm chấp nhận treo gói lương hơn một tỷ đồng một năm cho nhân sự mới. Cùng đó là rất nhiều cơ hội nâng cao tay nghề, nghề nghiệp.
Và chúng ta cũng đã từng chứng kiến hàng loạt sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng không thể kiếm được đúng chuyên môn do ngành này bị khủng hoảng thừa nhân sự do một thời gian phụ huynh mong muốn con theo học ngành này.
Văn hoá doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để tuyển mới và giữ chân nhân sự.
Ở phần trăm còn lại chưa có việc làm theo hai báo cáo trên, nhìn theo góc độ cá nhân, tôi không cho rằng họ không có việc làm vì có rất nhiều nguyên nhân để một sinh viên vừa ra trường trì hoãn việc tham gia thị trường lao động. Đó có thể là do mong muốn học lên, hoàn thiện các ước mơ còn dang dở khác hoặc tự doanh. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đã tự vận hành doanh nghiệp và tìm được các nhà đầu tư tin tưởng cho doanh nghiệp của họ.
Nói đi cũng phải nói lại, việc sinh viên khó kiếm được việc một do chính từ lối đào tạo nặng lý thuyết, thiếu tính ứng dụng của các trường đại học. Nguyên nhân chủ quan cũng đến từ chính các em. Nhiều bạn đặt mức lương kỳ vọng quá cao so với khả năng của doanh nghiệp ứng tuyển và khả năng làm việc của cá nhân.
Về doanh nghiệp, họ cũng nên xét đến các yếu tố liên quan đến marketing tuyển dụng, xem xét nguồn tuyển nhân sự ở đâu, họ là ai để có ứng xử phù hợp. Chẳng hạn, người trẻ thể hệ mới thích một môi trường năng động, chấp nhận cái mới thì nếu văn hóa doanh nghiệp khuôn khổ, nguyên tắc sẽ dễ rơi vào tình trạng "ế" hồ sơ ứng tuyển.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.