Cổ đông lớn "chây ỳ" không trả nợ hàng trăm tỷ cho Ricons là ai?

Huyền Trang |

Ricons cho biết đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận trên tinh thần tôn trọng các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, một cổ đông đã đặt câu hỏi cho Ban điều hành về những phương án để thu hồi công nợ, trong đó có các cổ đông lớn.

"Đối với khoản nợ từ cổ đông lớn là tổ chức, phải khẳng định rằng việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ là không phù hợp với tinh thần hợp tác và trách nhiệm của cổ đông lớn. Ban điều hành cũng đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận trên tinh thần tôn trọng các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan" - Phía Ricons cho biết.

Tương tự như các đối tác khác, khi đối tác không có thiện chí và sự hợp tác, không tôn trọng cam kết dẫn đến khoản công nợ kéo dài thì Ricons buộc lòng phải có các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Được biết, cổ đông lớn trong câu hỏi được nêu ra với Ricons là CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 của Coteccons, công ty đang sở hữu 14,3% vốn cổ phần của CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons.

 Cổ đông lớn chây ỳ không trả nợ hàng trăm tỷ cho Ricons là ai?  - Ảnh 1.

Coteccons cũng đang có khoản phải trả ngắn hạn cho Ricons là gần 323 tỷ đồng. Trong khi đó, vào ĐHCĐ thường niên của Ricons năm 2020, ban lãnh đạo của Ricons cho biết Ricons đã không ký bất cứ hợp đồng nào với Coteccons kể từ cuối năm 2019 .

 Cổ đông lớn chây ỳ không trả nợ hàng trăm tỷ cho Ricons là ai?  - Ảnh 2.

Ricons thành lập từ 2004, cổ đông sáng lập là Coteccons với tỷ lệ sở hữu 20%. Thời gian đầu, Ricons được thành lập nhằm phát triển bất động sản với 2 dự án, sau đó Ricons có làm thầu phụ cho CTD.

Ricons là công ty liên kết của Coteccons cho đến ngày 31/12/2019, việc uỷ quyền 8,8% quyền biểu quyết tại Ricons cho CTD hết hiệu lực, CTD không còn ảnh hưởng đáng kể đến Ricons và không còn ghi nhận Ricons là công ty liên kết. Khoản đầu tư vào Ricons được phân loại thành khoản đầu tư vào đơn vị khác.

Năm 2020, sau sự cố giữa ban lãnh đạo cũ Coteccons và nhóm cổ đông ngoại, Ricons chính thức tách khỏi Coteccons và xây dựng hệ sinh thái riêng của mình. Trong báo cáo thường niên 2019, Ricons đã thay đổi nhận diện thương hiệu bằng cách thay "Coteccons Group" bằng "Since 2004".

Trong báo cáo tài chính năm 2019 của Ricons, khoản phải thu đối với Coteccons được ghi nhận là 687 tỷ đồng.

 Cổ đông lớn chây ỳ không trả nợ hàng trăm tỷ cho Ricons là ai?  - Ảnh 3.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của CTD, khoản phải trả Ricons giảm tới 62% xuống 226 tỷ đồng.

 Cổ đông lớn chây ỳ không trả nợ hàng trăm tỷ cho Ricons là ai?  - Ảnh 4.

Sau khi trải qua nhiều biến động, đặc biệt về ban lãnh đạo, phải đến quý 4/2022, tín hiệu tốt mới bắt đầu quay trở lại với CTD khi Công ty trúng thầu trở lại 40 dự án với giá trị 25.000 tỷ đồng. Quý 1/2023, doanh thu thuần CTD đạt 3.130 tỷ đồng, tăng gần 64% so với cùng kỳ. Dù doanh thu tăng mạnh, song biên lãi gộp còn rất mỏng, chỉ ở mức 1,8% tương ứng lợi nhuận gộp đạt gần 56 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ 2022.

Trừ đi các chi phí, kết quả, CTD báo lãi sau thuế đạt 22 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

 Cổ đông lớn chây ỳ không trả nợ hàng trăm tỷ cho Ricons là ai?  - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại