Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân U. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ BSCKI. Đoàn Ngọc Minh, khoa Sản, Bệnh viện Hồng Ngọc, cho biết bệnh viện đang điều trị cho một trường hợp nữ bệnh nhân tên H.T.T.U (39 tuổi, Hà Nội) mắc ung thư cổ tử cung.
Trước đó, chị U. bị chảy máu khi quan hệ tình dục nhưng chỉ nghĩ là viêm nhiễm phụ khoa bình thường. Đến khi không thể chịu được cơn đau kéo dài chị mới đi khám. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị T mắc ung thư cổ tử cung tại chỗ, yêu cầu nhập viện phẫu thuật.
Tiến hành ca phẫu thuật, bác sĩ đã cắt ⅓ trên âm đạo, nạo vét hạch chậu hai bên trên cơ địa người bệnh đã cắt tử cung hoàn toàn trước đây. Ca phẫu thuật diễn ra thành công. Sau đó, các bác sĩ cũng tiến hành chỉ định phân tích giải phẫu bệnh để quyết định phương án điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Theo BS Minh, ung thư cổ tử cung trong giai đoạn đầu thường tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng nên khó phát hiện nếu không thăm khám phụ khoa định kỳ.
Các triệu chứng sẽ xuất hiện khi ung thư trở nên lớn hơn và phát triển vào mô lân cận, điển hình là quan hệ ra máu (trường hợp chị U.), chảy máu sau khi mãn kinh, kinh nguyệt kéo dài hoặc nhiều máu hơn bình thường; âm đạo ra dịch bất thường có chứa ít máu, khí hư màu vàng, có mùi khó chịu; bụng dưới đau tức, tiểu tiện nhiều lần và có cảm giác khó chịu; quan hệ tình dục bị đau rát, giảm ham muốn.
Tiêm vắc xin phòng HPV để phòng tránh ung thư cổ tử cung. Ảnh: BVCC.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ từ 21 tuổi trở lên, khi đã quan hệ tình dục thì đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, độ tuổi phổ biến nhất là 34 - 45 tuổi.
Chị em phụ nữ khi thấy một trong những triệu chứng trên cần tới khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác vì các dấu hiệu trên cũng có thể do các bệnh lý khác. Tuyệt đối không được thờ ơ và bỏ qua các triệu chứng khiến ung thư phát triển tới giai đoạn nặng hơn, giảm cơ hội điều trị thành công.
Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên chủ động thăm khám phụ khoa định kỳ để phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh nguy hiểm khác.
"Để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả, cần thực hiện thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, tiêm phòng HPV đủ 3 mũi trong vòng 6 tháng đến 1 năm và tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên từ 1-3 năm/lần. Khi thấy có triệu chứng bất thường cần tới cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị phù hợp", BS Minh lưu ý.
Bên cạnh đó, muốn phòng ngừa ung thư cổ tử cung, chị em cần bắt đầu từ thói quen giữ vệ sinh âm đạo sạch sẽ, quan hệ tình dục an toàn, xây dựng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, không lạm dụng thuốc tránh thai.