Mặc dù xã hội ngày nay đang không ngừng phát triển và tiến bộ, nhiều tư tưởng cổ xưa đang dần được thay thế để phù hợp hơn với xã hội hiện đại, nhưng tại nhiều nơi ở Ấn Độ quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" vẫn sừng sững đứng vững và không có dấu hiệu bị lung lay.
Theo đó, nhiều cuộc "hôn nhân sắp đặt" vẫn diễn ra, dẫn đến chuyện nhiều cô dâu chỉ mới gặp mặt chú rể một hai lần hoặc thậm chí là chưa hề gặp mặt chú rể cho đến khi đám cưới diễn ra. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ quả bất cập như câu chuyện của một cô dâu ở quận Auraiya, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ dưới đây.
Theo new18 đưa tin, Arijun Singh một cư dân sống tại làng Jamalpur thuộc khu vực Sadar Kotwali có một cô con gái là Archana. Ông Singh đã hứa hôn con gái của mình với một người đàn ông tên là Shivam ở làng Banshi.
Chú rể Shivam và cô dâu Archana.
Ông Singh quyết định lựa chọn Shivam vì anh là một chàng trai có học thức tốt. Ngày cưới nhanh chóng được ấn định và mọi công đoạn chuẩn bị cũng dần được hoàn thành. Theo truyền thống, trước khi lễ cưới diễn ra, gia đình cô dâu đã tặng cho chủ rể một phần quà đó là một chiếc xe máy.
Ngày 20/6 vừa qua, chú rể Shivam đã đến nhà cô dâu Archana để thực hiện nghi lễ rước dâu "baraat". Trong quá trình thực hiện nghi lễ, cô dâu chú ý thấy rằng chủ rể Shivam liên tục đeo kính, chưa hề tháo ra dù chỉ một lần.
Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu cô dâu. Để chứng minh cho suy đoán của mình, Archana đã yêu cầu Shivam tháo kính ra và đọc một tờ báo tiếng Hindi. Và khi Shivam không thể làm được, Archana đã lập tức yêu cầu hủy bỏ đám cưới với lí do cô không muốn lấy một người có thị lực kém.
Chú rể Shivam luôn đeo kính suốt trong nghi lễ rước dâu khiến cô dâu nghi ngờ rằng chàng trai này có thị lực yếu và quyết tâm kiểm chứng.
Tôn trọng quyết định của cô dâu, nhà gái cũng đồng ý hủy bỏ đám cưới. Phía gia đình cô dâu cũng yêu cầu nhà trai phải trả lại số tiền mặt cùng chiếc xe máy được tặng trước đó để làm của hồi môn cũng như tất cả chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức hôn lễ. Tuy nhiên, phía nhà trai đã từ chối.
Cuối cùng, gia đình cô dâu đã nộp đơn trình báo sự việc với cảnh sát nhờ pháp luật giải quyết. Thay mặt nhà gái, ông Singh nói: "Trước đó chúng tôi không hề biết thị lực của chú rể lại yếu như thế. Phía cảnh sát cũng cố gắng giải quyết vấn đề dựa trên sự thấu hiểu lẫn nhau giữa 2 gia đình, nhưng phía nhà trai lại chưa hề đưa ra bất kì phản hồi nào."
Được biết, trước đó vào tháng 5, cũng tại bang Uttar Pradesh, một chú rể trong lúc thực hiện các nghi lễ rước dâu đã bị cô dâu nghi ngờ về trình độ học vấn. Qua kiểm chứng, chàng trai này không thể đọc được bảng cửu chương 2 và thế là hôn lễ cũng bị hủy bỏ.