Có chuyện gì với ngôi làng TQ ở nơi hiểm yếu bị Ấn Độ tố xâm phạm Bhutan, Bhutan lại "chối đây đẩy"?

Thu Ngọc |

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang mở rộng một ngôi làng gần Doklam, khu vực biên giới với Bhutan và Ấn Độ.

(Ảnh: Weibo)

(Ảnh: Weibo)

Đây cũng là khu vực quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã trải qua thời gian dài tranh chấp từ cách đây 3 năm.

Phương tiện truyền thông Ấn Độ và các tổ chức tư vấn của Australia và Mỹ đều cho rằng ngôi làng Pangda mà Trung Quốc xây dựng trên bờ phía tây của sông Torsa nằm ở phần lãnh thổ sâu bên trong Bhutan 2.5km.

Tại sao Ấn Độ lại lo ngại?

Dù Trung Quốc và Bhutan hiện tại không có tranh chấp đáng kể, nhưng truyền thông Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến các hoạt động gây tranh cãi, đặc biệt là sau cuộc tranh chấp hồi năm 2017 về cao nguyên Doklam ở Tây Tạng gần đó, chỉ cách Pangda 9 km.

Cơ quan chính phủ Ấn Độ nhận định khu vực này nhạy cảm về mặt chiến lược do vị trí địa lý tiếp giáp với biên giới 3 nước. Các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đã trải qua cuộc đối đầu kéo dài 72 ngày tại khu vực này vào năm 2017, sau khi Bhutan đề nghị Ấn Độ hỗ trợ giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của nước này với Trung Quốc tại vùng cao nguyên.

Đối với Ấn Độ, sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực giúp các lực lượng của họ tiếp cận tốt hơn với Hành lang Siliguri chiến lược, hay còn gọi là “Cổ gà”, một tình huống khó có thể chấp nhận được đối với New Delhi. Có những khu vực của hành lang này chỉ rộng khoảng 50 km và nếu Trung Quốc có khả năng kiểm soát hành lang này từ Yadong, Ấn Độ lo ngại việc mất quyền kiểm soát đối với khu vực đông bắc đất nước khi xảy ra chiến tranh.

"Trung Quốc càng đẩy mạnh hoạt động xây dựng ở khu vực ngã ba, mối đe dọa của nước này đối với hành lang chiến lược càng lớn," một quan chức quân đội cấp cao về hưu của Ấn Độ nói với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Quan chức này cho biết giới chức Ấn Độ thường theo dõi chặt chẽ các hoạt động của phía Trung Quốc trong khu vực. "Điều này thậm chí còn rõ ràng hơn kể từ khi xảy ra tranh chấp tại Doklam."

Quan chức này chỉ ra các bài báo hồi tháng 8, trích dẫn hình ảnh vệ tinh nguồn mở cho thấy Trung Quốc đã tăng cường xây dựng các cơ sở quân sự ở những khu vực cách địa điểm đóng quân khoảng 50 km.

"Nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động xây dựng trong khu vực, điều đó cho thấy tình trạng bế tắc hồi năm 2017 chưa thực sự được giải quyết dứt điểm," quan chức Ấn Độ nói thêm.

Có chuyện gì với ngôi làng TQ ở nơi hiểm yếu bị Ấn Độ tố xâm phạm Bhutan, Bhutan lại chối đây đẩy? - Ảnh 1.

Hình ảnh trên mạng Weibo (Trung Quốc) hồi tháng 10 về ngôi làng Pangda ở bờ tây sông Torsa làm dấy lên tranh cãi về xâm phạm lãnh thổ, nhưng cả Trung Quốc và Bhutan đều bác bỏ thông tin liên quan

Phía Bhutan nói gì?

Đại sứ Bhutan tại Ấn Độ Vetsop Namgyel bác bỏ các báo cáo của New Delhi về ngôi làng, khẳng định rằng "chẳng có ngôi làng Trung Quốc nào nằm trong lãnh thổ Bhutan".

Nhà sáng lập tuần san The Bhutanese ông Tenzing Lamsang nói rằng các báo cáo của bên thứ ba dựa trên thông tin nguồn mở ví dụ như việc hiển thị đường biên giới trên ứng dụng Google Maps là không chính xác vì các cuộc đàm phán phân giới vẫn đang diễn ra và đường biên giới vẫn chưa được thiết lập chính thức.

"Cả Bhutan và Trung Quốc không thương lượng dựa trên ứng dụng 'Google Map' mà tuyên bố về đường biên giới dựa trên bản đồ chi tiết và các đặc điểm trên thực địa," Lamsang chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.

"Mỗi nước đều theo đuổi việc tuyên bố chủ quyền tối đa. Quan trọng là, những bản đồ và đường xác nhận quyền sở hữu thực tế này không sẵn có trên Google."

Ông nói thêm rằng cả lực lượng binh lính tiền tuyến và các nhà ngoại giao của Bhutan, những người vốn nổi tiếng phản ứng nhanh chóng trước các hành động xâm phạm lãnh thổ dù nhỏ nhất của Trung Quốc, đều không hề tỏ ra lo ngại về vấn đề này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố việc xây dựng nằm trong phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Pangda là khu vực nào?

Pangda chỉ là một trong 628 "làng xiaokang (sung túc) biên giới" ở khu tự trị Tây Tạng, được xây dựng theo chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "ổn định Tây Tạng để quản lý các vùng biên" và đáp ứng mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện.

Theo SCMP, ngôi làng này có tổng cộng 241.835 cư dân và 62.160 hộ gia đình ở những ngôi làng này thuộc 21 quận biên giới Himalaya, từ Nyingchi, Shannan và Shigatse đến quận Ngari.

Các ngôi làng mới được xây dựng như một phần kế hoạch của chính quyền Tây Tạng triển khai từ năm 2017 dành cho “những người bảo vệ vùng đất thiêng và những người xây dựng nên những ngôi nhà hạnh phúc”.

Bắc Kinh đã dành 30,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,6 tỷ USD) để xây dựng nhà ở mới và thiết lập cơ sở hạ tầng cho giao thông, năng lượng, hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc và các cơ sở cho giáo dục, y tế và văn hóa.

"Việc này nhằm triển khai... các chính sách của chính phủ trung ương để cải thiện đời sống cư dân biên giới, ổn định và củng cố biên giới," trích bản kế hoạch. Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã, các ngôi làng gần như đã hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Làng Pangda rộng như thế nào?

Làng Pangda mới được xây dựng có 28 ngôi nhà cũng như hai tòa nhà công cộng đặt văn phòng quản lý làng, và các cơ sở cho hoạt động mua sắm, y tế công cộng, nhà trẻ và các dịch vụ cộng đồng khác. Đến tháng 10 vừa qua, 124 dân làng trong 27 hộ gia đình đã chuyển đến sống tại nhà mới ở độ cao 2.140m so với mực nước biển, từ những ngôi nhà ban đầu ở độ cao 4.630m.

Pangda đã mở rộng các khu dân cư ở cực nam Trung Quốc thêm 10km nữa. Dân làng có kế hoạch kiếm sống từ các ngành nghề kinh doanh mới, chẳng hạn như du lịch và nuôi cá. Một số còn làm nhiệm vụ tuần tra biên giới.

Các hoạt động xây dựng khác của Trung Quốc có gây ra tranh cãi không?

Một ngôi làng xiaokang khác gần biên giới với Nepal đã gây ra làn sóng tranh luận trong năm nay. Tháng trước, phe đối lập Nepal tuyên bố Bắc Kinh đã chiếm giữ địa bàn, di chuyển các cột mốc ranh giới và xây dựng các công trình bên trong lãnh thổ Nepal khoảng 1km. Tuy nhiên, cả chính phủ Nepal và Trung Quốc đều phủ nhận thông tin về vi phạm liên quan.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại