Cao Dương công chúa (627 – 653) là con gái thứ 17 của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, cũng là công chúa được vua cha sủng ái nhất nhờ sự thông tuệ và dung mạo xinh đẹp.
Vậy nhưng, trong những năm cuối đời, Cao Dương công chúa không chỉ bị phụ hoàng "cấm cửa" không cho bước vào hoàng cung, mà còn phải gánh chịu một cái chết tức tưởi, đau đớn.
Tấn bi kịch của nàng công chúa nhà Đường này bắt nguồn từ chuyện tình oan trái của Cao Dương và một hòa thượng!
Nàng công chúa kiêu ngạo "vẫy vùng" trong cuộc hôn nhân gượng ép
Sinh thời, Cao Dương nổi tiếng là một nàng công chúa xinh đẹp, thông minh và được vua cha vô cùng cưng chiều, yêu quý.
Nhưng dù được Hoàng đế sủng ái tới đâu, nàng công chúa ấy vẫn phải chấp nhận số phận của những người con gái trong hoàng tộc bằng việc kết hôn vì mục đích chính trị.
Cao Dương được miêu tả là một nàng công chúa xinh đẹp và kiêu ngạo của Hoàng tộc Đường triều. (Ảnh: phim Võ Tắc Thiên).
Học giả Triệu Hồng trong tác phẩm "Cao Dương công chúa" đã từng nhận định:
"Cao Dương được Lý Thế Dân sủng ái, dần trở thành người kiêu ngạo. Trước đó, cuộc sống cơm áo không lo trong hoàng cung khiến nàng là một cô công chúa không biết ưu sầu, nhiệt tình vui vẻ.
Nhưng kể từ sau khi kết hôn, Cao Dương bất chợt thay đổi, tâm tính thất thường, hơn nữa lại càng thêm kiêu căng, điên cuồng tìm kiếm những kích thích mới lạ…"
Đến tuổi cập kê, Cao Dương được Thái Tông gả cho con trai thứ hai của Tể tướng đương triều Phòng Huyền Linh – công tử Phòng Di Ái. Sinh thời, Di Ái mặc dù xuất thân cao quý, nhưng từ nhỏ đã ghét đọc sách, vốn chỉ là một kẻ hữu dũng vô mưu.
Bởi vậy, ngay cả khi họ Phòng là một bậc tướng quân thượng võ, lại hết mực cưng chiều phu nhân, trong mắt Cao Dương, người chồng ấy lại chỉ giống như một kẻ võ biền thô lỗ, ít học.
Vì coi thường trượng phu của mình, ngay trong đêm động phòng, Cao Dương đã đem Phò mã Phòng Di Ái "đá" ra ngoài cửa. (Ảnh minh họa).
Cuộc hôn nhân năm 15 tuổi của nàng công chúa đời Đường ấy từ sớm đã có những rạn nứt. Sau khi trưởng thành, Cao Dương lại càng chán ghét người chồng thô lỗ, bất tài. Bởi vậy, Cao Dương đã bất chấp mọi rào cản về địa vị và đạo đức để tìm kiếm tình yêu đích thực của đời mình.
Trái ngang thay, người đàn ông may mắn lọt vào mắt xanh của vị công chúa kiêu ngạo ấy lại là một cao tăng từ sớm đã quay lưng với hồng trần – Biện Cơ hòa thượng.
Cuộc gặp gỡ định mệnh khởi đầu cho mối tình ngang trái
Trước khi gặp gỡ Cao Dương, Biện Cơ vốn là một hòa thượng tu tập tại chùa Hội Xương. Ngay từ khi còn rất nhỏ, anh tài điển trai này đã có lòng hướng Phật, lại hết sức chăm chỉ, cầu tiến.
Năm 15 tuổi, Biện Cơ xuất gia làm đệ tử của Đạo Nhạc pháp sư. Tháng giêng năm Trinh Quán thứ 19, sau khi đại sư huyền thoại Đường Tam Tạng sang Tây Thiên thỉnh kinh trở về, được Thái Tông cử đến chùa Hoằng Phục để biên dịch kinh sách ra chữ Hán.
Nhờ học vấn uyên thâm, tướng mạo hơn người, nên Biện Cơ đã được Huyền Trang chọn vào đội ngũ biên dịch kinh Phật.
Không chỉ vậy, cuốn sách nổi tiếng "Đại Đường Tây Vực ký" kể về chuyến đi Tây phương thỉnh kinh của Đường Tam Tạng cũng do đích thân Biện Cơ biên soạn. Điều này đủ để chứng minh vị cao tăng trẻ tuổi ấy là một đệ tử xuất sắc và thân cận của Đường Tăng.
Vẻ tuấn tú và thông tuệ của Biện Cơ đã thu hút Cao Dương ngay từ cái nhìn đầu tiên. (Ảnh: phim Võ Tắc Thiên).
Về phần của Cao Dương, do chán ghét cuộc hôn nhân chính trị gượng ép, nàng thường xuyên xuất phủ ra thăm thú ngoại ô để mua vui, giải sầu.
Trong một chuyến đi săn ở ngoại thành, nàng công chúa ấy đã dừng chân tại ngôi chùa nơi có Biện Cơ đang ngày đêm tu tập giác ngộ Phật pháp.
Về cuộc gặp mặt định mệnh của Cao Dương công chúa và Biện Cơ hòa thượng, "Tân Đường thư" từng ghi chép:
Trong một lần đi săn, công chúa bắt gặp vị cao tăng tuổi mới hai mươi, vừa anh tuấn lại lễ độ, nho nhã thì tinh thần phấn chấn, bất giác đỏ mặt, mà Biện Cơ đối với một mỹ nhân cao quý, kiều diễm như tiên nữ hạ phàm cũng đã rung động.
Mối tình ngang trái của Biện Cơ hòa thượng và Cao Dương công chúa từng là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: nguồn Qulishi.com).
Ngay sau lần gặp mặt ấy, tình cảm của hai người cuộn trào như thác, cuốn đi mọi ràng buộc của danh phận và định kiến.
Rất nhanh sau đó, Biện Cơ và Cao Dương chính thức trở thành tình nhân. Phò mã Phòng Di Ái dù biết thê tử có tình nhân nhưng cũng không cách nào ngăn cản, đành mắt nhắm mắt mở bỏ qua chuyện này, còn nhận nhiệm vụ "gác cửa" để Biện Cơ và Cao Dương ân ái.
Về phần mình, Phòng Di Ái vốn không dám đụng tới thân phận công chúa của Cao Dương, chỉ còn biết hưởng dụng hai mỹ nữ được vợ mình tặng cho giống như... quà an ủi!
Món quà định mệnh và kết cục chết chóc
Khi Biện Cơ chuẩn bị đến chùa Hoằng Phúc cùng Đường Tăng dịch kinh Phật, Cao Dương có tặng cho vị hòa thượng này một chiếc gối ngọc dát vàng để tỏ nỗi lòng nhung nhớ khôn nguôi.
Nhưng không ai ngờ rằng, chính chiếc gối họ coi là "minh chứng" cho tình yêu lại trở thành chứng cứ đẩy cuộc tình của hai người vào bi kịch đẫm máu.
Năm Trinh Quán thứ 23 (năm 649), quan phủ Trường An bắt được một tên trộm và thu hồi được tang vật chính là chiếc gối dát vàng của công chúa Cao Dương.
Sau khi tra hỏi, tên trộm khai rằng mình lấy trộm được chiếc gối trong phòng riêng của Biện Cơ hòa thượng. Từ bằng chứng không thể chối cãi này, mối tình ngang trái của Cao Dương và Biện Cơ nhanh chóng bị phát giác.
Vì mối tình ngang trái với công chúa, cao tăng Biện Cơ đã phải trả giá bằng cả thanh danh và mạng sống của mình. (Ảnh minh họa: nguồn Qulishi.com).
Bấy giờ, dù có là đệ tử xuất sắc của Đường Tăng, Biện Cơ cũng không thể tránh khỏi án chém ngang lưng do đích thân Lý Thế Dân hạ lệnh.
Sau khi vị hòa thượng ấy bị xử tội chết, 10 người hầu của công chúa Cao Dương cũng bị Đường Thái Tông chém đầu vì tội danh bao che, đồng lõa.
Mặc dù không bị vua cha xử tội, nhưng việc làm của Cao Dương đã làm ô uế thanh danh hoàng tộc Đường triều. Từ một cô công chúa được Thái Tông sủng ái hết mực, Cao Dương lại bị chính phụ hoàng cấm cả đời không được bước chân vào hoàng cung.
Sau cái chết của tình nhân và sự quay mặt của vua cha, nàng công chúa kiêu ngạo này vốn không tự biết tội, lại đem lòng oán hận phụ hoàng giết người mình yêu. Kể từ đó, Cao Dương liên tục làm nhiều việc đồi bại để chống đối lại Thái Tông.
Sau khi Biện Cơ bị xử chém, công chúa trở nên sa đọa, tiếng xấu vang khắp mọi nơi. Thậm chí, Cao Dương còn ngấm ngầm lên kế hoạch soán ngôi trả thù hoàng tộc. (Ảnh: nguồn phim Võ Tắc Thiên).
Năm 649, sau khi Lý Thế Dân qua đời, Lý Trị lên ngôi vua, sử cũ gọi là Đường Cao Tông. Bốn năm sau đó (năm 653), Cao Dương cùng chồng lập nên âm mưu tiến hành một cuộc phản loạn nhằm lật đổ ngai vàng của Lý Trị để trả mối hận năm xưa.
Vậy nhưng, âm mưu soán ngôi ấy bị Trưởng Tôn Vô Kỵ điều tra và phát giác. Đường Cao Tông hạ lệnh chém đầu Phòng Di Ái.
Nối gót người tình, Cao Dương công chúa cũng kết thúc cuộc đời của mình trong bi kịch đẫm máu và cay đắng. (Ảnh: nguồn phim Võ Tắc Thiên).
Mặc dù phạm phải trọng tội, nhưng thân là công chúa hoàng tộc, Cao Dương được Cao Tông ban cho ân huệ được "chết toàn thây" bằng cách xử giảo (treo cổ).
Năm ấy, Cao Dương chỉ vừa 27 tuổi. Cuộc đời và mối tình của nàng công chúa Đường triều ấy cứ như vậy mà kết thúc trong bi kịch đẫm máu.