"Cô" bò đắt nhất thế giới được bán với giá 100 tỷ đồng: Nữ hoàng trong thế giới bò nái và khát vọng nâng tầm nông nghiệp của quốc gia G20

Thiên Lộc |

Với mức giá kỷ lục 4 triệu USD (100 tỷ đồng), cô bò Viatina-19 trở thành tâm điểm của ngành chăn nuôi bò toàn cầu, đồng thời khẳng định vị thế dẫn đầu của Brazil trong lĩnh vực di truyền bò và tham vọng chinh phục thị trường thịt bò thế giới.

"Cô" bò đắt nhất thế giới được bán với giá 100 tỷ đồng: Nữ hoàng trong thế giới bò nái và khát vọng nâng tầm nông nghiệp của quốc gia G20- Ảnh 1.

Cô bò Nelore Viatina-19 đã làm nên lịch sử khi được bán đấu giá với mức giá 4 triệu USD, gấp ba lần kỷ lục từng được ghi nhận. Mức giá này cũng chính thức đưa Viatina-19 trở thành "nữ hoàng" của thế giới bò cái.

Sở hữu thân hình đồ sộ, trắng muốt, con bò quý hiếm được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt với hệt hống camera giám sát, bác sĩ thú y riêng và lực lượng bảo vệ vũ trang. Điều đó càng khiến cô bò này gây được nhiều sự chú ý.

"Cô" bò đắt nhất thế giới được bán với giá 100 tỷ đồng: Nữ hoàng trong thế giới bò nái và khát vọng nâng tầm nông nghiệp của quốc gia G20- Ảnh 2.

Giá trị "khủng" của Viatina-19 đến từ tốc độ phát triển cơ bắp đáng kinh ngạc, khả năng sinh sản vượt trội và đặc biệt là khả năng di truyền những đặc điểm ưu việt cho thế hệ sau.

"Chúng tôi không giết mổ những con bò ưu tú. Chúng tôi nhân giống chúng. Và điểm đến cuối cùng, là cung cấp thực phẩm cho toàn thế giới," - ông Ney Pereira, một trong những người đồng sở hữu Viatina-19, chia sẻ.

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng vượt trội, các nhà lai tạo cũng đánh giá cao Viatina-19 ở các yếu tố khác như dáng đứng, độ chắc khỏe của móng, tính hiền lành, khả năng làm mẹ và vẻ đẹp hình thể. Lorrany Martins, bác sĩ thú y và cũng là con gái của ông Pereira, cho biết: "Cô ấy là hiện thân gần nhất của sự hoàn hảo. Một con bò hoàn chỉnh, sở hữu tất cả những đặc điểm mà các nhà chăn nuôi mong muốn."

Nông nghiệp Brazil Vươn Ra Biển Lớn

Sự bùng nổ của thị trường hàng hóa trong những năm 2000 đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành nông nghiệp Brazil, một trong những quốc gia nổi bật thuộc G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới), đặc biệt là khi Trung Quốc gia tăng nhu cầu nhập khẩu đậu nành và thịt bò. Ngày nay, ảnh hưởng của nông nghiệp đã lan tỏa đến Quốc hội và nhận thức quốc gia.

Brazil, cùng với Mỹ, đang dẫn đầu trong lĩnh vực di truyền bò; đồng thời là quốc gia thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất thế giới, theo João Henrique Moreira Viana, nhà nghiên cứu về nguồn gen và công nghệ sinh học tại Tập đoàn nghiên cứu nông nghiệp của chính phủ.

Viatina-19 liên tiếp giành được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có danh hiệu "Hoa hậu Nam Mỹ" tại cuộc thi "Vô địch bò thế giới" ở Fort Worth, Texas - vốn vẫn được coi là cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ dành riêng cho loài bò.

Tuy nhiên, theo ông Pereira, ở tuổi lên 3, Viatina-19 vẫn cần chứng minh khả năng sinh sản của mình thông qua việc thụ tinh nhân tạo và di truyền gen tốt cho những thế hệ sau. Các nông dân Brazil cần một "một nữ hoàng" đích thực.

Giá trị cao ngất ngưởng khiến Viatina-19 được mua bán theo hình thức sở hữu một phần. Công ty Napemo Agriculture của ông Pereira đã chi vài triệu reais (gần 800.000 USD) trong một cuộc đấu giá vào năm 2022 để sở hữu 50% cổ phần của Viatina-19. Phần còn lại thuộc về một chủ trang trại khác. Cả hai sẽ cùng nhau đưa ra quyết định quan trọng và chia sẻ doanh thu.

"Cô" bò đắt nhất thế giới được bán với giá 100 tỷ đồng: Nữ hoàng trong thế giới bò nái và khát vọng nâng tầm nông nghiệp của quốc gia G20- Ảnh 4.

Những tham vọng trong lĩnh vực nông nghiệp của nền kinh tế G20 và bài toán môi trường

Tại Brazil, 80% giống bò được nuôi là Zebus – một phân loài có nguồn gốc từ Ấn Độ. Viatina-19 thuộc giống bò Nelore – vốn được nuôi để lấy thịt, chiếm phần lớn tổng đàn bò của Brazil. Sự phồn thịnh của ngành chăn nuôi bò cũng đặt ra nhiều vấn đề về môi trường khi 86% tổng lượng khí thải nhà kính của quốc gia này có liên quan đến hoạt động sản xuất lương thực, chủ yếu là thịt bò và đậu nành.

Nhiều ý kiến cho rằng việc cải thiện di truyền là giải pháp hữu ích nhưng còn nhiều hạn chế trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Beto Veríssimo, một nhà nông học đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Imazon, các biện pháp đơn giản và hiệu quả hơn bao gồm trồng cỏ chăn thả tốt hơn và thường xuyên luân chuyển đàn bò.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận vị thế quan trọng của ngành chăn nuôi đối với nền kinh tế Brazil. Năm 2022 và 2023, Brazil đã xuất khẩu hơn 2 triệu tấn thịt bò, mức cao nhất kể từ năm 1997. Phần lớn trong số đó được xuất khẩu sang các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc.

Chính phủ của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đang nỗ lực mở cửa thị trường mới, đồng thời tuyên bố Brazil hoàn toàn thoát khỏi bệnh lở mồm long móng, mở ra cơ hội tiếp cận những thị trường khó tính và béo bở hơn cho thịt bò Brazil.

Nguồn: Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại