Bạn có còn nhớ " Bống chè bưởi" nổi tiếng MXH nhờ câu chuyện biết kiếm tiền triệu từ năm 10 tuổi không?
Cô bé tên thật là Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (sinh năm 2007, tại Tuyên Quang). Bống là một nhân vật trong chương trình "Mặt Trời bé con" (Little Big Shots) lên sóng tối 2/12/2017.
Bống có biệt danh "Bống chè bưởi" bởi cô bé là chủ "gánh" chè bưởi tại nhà có hương vị thơm ngon, khách hàng ở xa còn "đánh" cả ô tô đến mua.
Không chỉ gây ấn tượng với sự khéo tay, lanh lợi, "Bống chè bưởi" còn từng bật mí với bác Lại Văn Sâm rằng: Khi ra đường, trong ví cháu lúc nào cũng có khoảng 1 triệu đồng.
Cháu còn tiết kiệm tiền để mua giày hiệu, iPhone và laptop và "share" tiền học thêm với bố mẹ.
Phía sau câu chuyện biết kiếm tiền - biết tiêu tiền gây ấn tượng mạnh với nhiều người của Bống là hình bóng của người mẹ luôn ủng hộ con, chị Dương Thanh Thúy.
Không chỉ sát cánh bên con trong việc kinh doanh, chị Thúy đã cùng con tìm ra cách quản lý tài chính rất hay. Lắng nghe những chia sẻ của cặp mẹ con này, chắn chắn bạn cũng sẽ tìm ra hướng chi tiêu hiệu quả cho riêng mình đấy.
Chị Thúy và chồng luôn sát cánh bên con.
Mẫu giáo biết quản lý vài chục nghìn, lớp 1 thì vài trăm nghìn, còn bây giờ là tiền triệu...
Chào Bống, dạo này Bống vẫn duy trì công việc bán chè chứ? Doanh thu cũng như số lượng chè có thay đổi gì so với đợt trước không em?
Những tháng gần đây, em vẫn bán chè bưởi vào các sáng Chủ Nhật hàng tuần ạ. Em mới thay đổi mẫu cốc đẹp hơn, có logo nhìn rất đáng yêu nên đơn đặt hàng những ngày cuối tuần có tăng một chút và cũng vừa với sức làm của em.
Đặc biệt vào ngày 30 Tết và ngày rằm tháng giêng, đơn hàng khá nhiều, bố mẹ và chị của em phải phân công nhau hỗ trợ cho em mới làm đủ lượng chè mà khách hàng đặt.
Trong "Mặt Trời bé con" (Little Big Shots) năm ngoái, Bống từng chia sẻ lúc nào trong ví em cũng có 1 triệu đồng, số tiền ấy đến nay liệu có thay đổi không?
Trước đây, em thường chi tiêu bằng tiền mặt, nên số tiền để trong ví của em thường là khoảng hơn một triệu đồng.
Khi em thấy bố mẹ và chị có thẻ ATM và thấy nó tiện dụng, an toàn trong việc chi tiêu nên em đã nhờ mẹ mở tài khoản ở ngân hàng.
Em cũng đã học cách chi tiêu từ thẻ ATM như thanh toán khi mua đồ ở siêu thị, khi nhập hàng về bán đã biết thanh toán qua Bankplus, và cũng để khách ở các tỉnh xa tiện giao dịch khi đặt mua đồ chơi online của em.
Em rất thích gọi tài khoản ATM của mình là "ví điện tử"
Hiện giờ, "ví điện tử" của em có số dư nhiều hơn so với ví tiền mặt rồi.
Cô bé Bống vẫn chăm chỉ với việc bán chè bưởi và ngày càng đắt khách.
Câu hỏi tiếp, xin được phép dành cho mẹ Bống, 11 tuổi vẫn là lứa tuổi dễ bị hấp dẫn bởi nhiều thứ và chưa thể làm chủ được cảm xúc khi mua sắm hoặc tiêu tiền. Vậy, chị Thúy làm cách nào để xây dựng ý thức của Bống về việc phải có kế hoạch chi tiêu?
Từ nhỏ Bống đã được quản lý những khoản tiền, khi học mẫu giáo là một vài chục nghìn, sau lên lớp 1 thì trong ví có vài trăm nghìn, và khi bắt đầu nấu chè bán thì số tiền đó tăng lên chút nữa.
Lúc nhỏ bố mẹ thường quan sát và góp ý cách Bống chi tiêu nên Bống đã có thói quen viết ra giấy những món đồ mình thích, tham khảo ý kiến của bố mẹ và sau đó chỉ chọn mua những gì vừa thích vừa cần.
Thực sự là tôi cũng thấy con rất có chính kiến mỗi khi mua sắm.
Mặt khác, từ khi chị em Bống còn nhỏ, các con đã nhìn thấy việc chi tiêu hàng ngày của bố mẹ, biết rằng nếu có được thức ăn, quần áo, đồ dùng, đi du lịch… thì phải có tiền.
Vì vậy bố mẹ giải thích để con hiểu muốn có tiền thì bố mẹ phải đi làm và số tiền đó là có giới hạn nên việc chi tiêu phải cân đối và tiết kiệm để không bị thiếu hụt.
Việc để con tham gia vào kế hoạch chi tiêu của gia đình từ lúc con còn nhỏ là một cách rất hiệu quả, nó làm cho con hiểu giá trị của đồng tiền và biết rằng con cần nỗ lực học tập là sẽ tiết kiệm tiền học thêm.
Bố mẹ nỗ lực làm việc để kiếm được nhiều tiền hơn, những việc vừa sức với con mà giúp con kiếm được tiền sẽ là động lực để con biết đến giá trị của lao động.
Trước đây, để con gái mang theo tiền triệu khi ra đường và bây giờ là thẻ ATM... chị có sợ con gái sẽ trở thành mục tiêu của bạn xấu?
Tôi biết có những sự việc các con bị kẻ xấu ép nộp tiền và không cho nói lại với người lớn. Tôi không né tránh và luôn chia sẻ với con những câu chuyện đó.
Chia sẻ để hướng dẫn con xử lý nếu rơi vào tình huống như vậy. Đến thời điểm này, tôi thấy Bống chưa bị gặp chuyện rắc rối này lần nào.
Bống từng tiết lộ bí quyết em chi tiêu và tiết kiệm bằng cách chia tiền kiếm được ra làm 6 chiếc ví nhỏ. Cụ thể đó là những chiếc ví gì?
Các khoản thu nhập từ các nguồn tiền lãi bán chè bưởi, bán sách, bán đồ chơi Bống vẫn giữ nguyên tắc chia thành 6 ví theo tỉ lệ:
+ Ví Đầu tư vào nguồn vốn = 50%, thường với người lớn thì đây sẽ là món chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu như ăn mặc ở, nhưng vì Bống còn nhỏ nên bố mẹ đã lo việc này, Bống dùng tiền này cho vào nguồn vốn nhập hàng về bán.
+ Ví Tự do tài chính = 10%, đây là món tiền không lớn nhưng vẫn được gửi tiết kiệm theo hình thức "gửi góp" hàng tháng tại ngân hàng. Bống dự định sau này có thể trích ra để mua cổ phiếu.
+ Ví Tiết kiệm dài hạn = 10%, món tiền này để tiết kiệm dài hạn, Bống có thể dùng nó để mua món đồ đắt tiền (như bây giờ là Bống đang có kế hoạch để mua xe đạp điện).
+ Ví Giáo dục đào tạo = 10%, món này Bống dùng để tham gia các lớp học, mua sách vở... Bống biết, cách đầu tư tốt nhất chính là đầu tư vào học tập. Và mùa hè này Bống sẽ tham gia một khóa học khá đặc biệt dành cho những người muốn khởi nghiệp thành công.
+ Ví Hưởng thụ = 10%, Bống dùng số tiền này để chăm sóc bản thân, như là mua những đôi giày yêu thích, thỉnh thoảng đi ăn những món ăn yêu thích, đi xem phim….
Còn nếu có dự định cho một chuyến du lịch cùng cả nhà thì Bống sẽ tự điều chỉnh để có tiền tham gia góp chi phí cùng gia đình.
+ Ví Cho đi = 10%, số tiền này Bống dùng để làm từ thiện, đi thăm bạn bị ốm hoặc mua quà cho người thân nhân dịp sinh nhật, 8/3 cho mẹ, 20/10 tặng thầy cô.
Hiện tại số tiền 10% tích lũy cứng của Bống đã đạt được bao nhiêu? Nếu Bống dừng bán chè - bán sách (không còn thu nhập nữa) thì số tiền này sẽ được dùng như thế nào?
Số tiền tiết kiệm dài hạn của Bống sắp đủ để mua một chiếc xe đạp điện chuẩn bị cho việc đi học cấp hai trong năm học tới.
Sau công việc chính là học tốt ở trường và nâng cao trình độ tiếng Anh, Bống luôn có các kế hoạch cho việc kinh doanh nhỏ của mình phát triển tốt hơn. Và chắc là sẽ không có việc Bống dừng kinh doanh (cười).
Bán xe ô tô bị lỗ, mẹ Bống cũng giải thích với con. Biết lý do, bạn sẽ càng nể phục!
Lợi ích mang lại khi áp dụng cách chi tiêu chia tiền ra làm 6 ví này là gì, chị có thể chia sẻ rõ hơn không?
Công thức của 6 ví tiền do T. Harv Eker lập ra. Ông là tác giả của cuốn sách bán rất chạy "Bí mật tư duy triệu phú".
Theo Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 ví tiền để quản lý tiền bạc, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình không có nhiều tiền để quản lý.
Điều quan trọng là bạn cần phát triển nó thành thói quen. Thậm chí với 100 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu phương pháp này.
Mỗi khi có tiền bất kể từ nguồn thu nhập nào hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 quỹ. Việc này cần làm ngay và làm để tạo thành thói quen.
Và khi tài chính đã có kế hoạch chi tiết thì không có chuyện lạm chi và bạn luôn chủ động trong tất cả các hoạt động tài chính của bản thân.
Là một người mẹ, chị thấy việc dạy con nhỏ nhận biết về tiền và cách chi tiêu thích hợp có vai trò thế nào vào sự trưởng thành về mặc nhận thức nói chung?
Trẻ từ ba, bốn tuổi đã nhận thức được việc trao đổi tiền hàng từ việc chi tiêu hàng ngày của bố mẹ rồi. Nên việc cho con nhận biết về tiền và cách chi tiêu cho chúng là điều rất quan trọng.
Nó không chỉ giúp con hiểu giá trị của sức lao động, mà nó còn giúp các con thương yêu bố mẹ hơn, biết tính toán cân nhắc những đòi hỏi của bảnh thân, và đặc biệt là con rất nỗ lực trong học tập với mong muốn sau này sẽ có công việc tốt để có thu nhập tốt.
Mẹ luôn chia sẻ với Bống về chuyện tiền bạc, tài chính trong gia đình để em biết thương bố mẹ hơn và hiểu được vì sao mình cần phải học tốt, lao động chăm chỉ.
Vì sao chúng ta cần phải học cách tiêu tiền thông minh?
Mỗi người có một cách tiêu tiền, nhưng theo đánh giá chung thì người nào biết cách tiêu tiền thông minh thì người đó luôn có sự chủ động trong mọi việc.
Khi đã có sự chủ động thì tất cả những việc xảy, dù là việc tốt hay việc không tốt, họ đều có thể xử lý chúng một cách hoàn hảo nhất.
Đầu tư vào bản thân cũng là cách tiêu tiền thông minh.
Đây là một trong những phương pháp kiếm tiền dài lâu. Trong khi một số người có thể cảm thấy không đồng tình, nhưng bạn càng học tập tốt ở trường thì bạn càng có nhiều cơ hội kiếm được việc làm tốt.
Bằng cấp sẽ hữu ích hơn khi bạn dùng nó để thương lượng về lương và mức đãi ngộ trong các cuộc phỏng vấn.
Ngay cả khi bạn đã tốt nghiệp và đi làm, tham gia các khóa học kỹ năng ngoài giờ làm việc cho phép bạn trau dồi thêm kiến thức và chuyên môn làm việc tốt hơn.
Vì thế đừng tiếc tiền đầu tư cho bản thân, học tập lâu dài.
Đầu tư cho bản thân, không ngừng học tập thêm các kiến thức sẽ giúp bạn khám phá ra nhiều phương thức kiếm tiền hơn nữa. Đó là một trong những cách chi tiền thông minh để kiếm được nhiều tiền hơn.
Trẻ con thì có cần được biết bố mẹ mình đang đối diện với những vấn về kinh tế nào không?
Tôi vẫn thường trò chuyện với con về cảm xúc khi nhận tiền lương và dự định chi tiêu từ khoản thu nhập đó.
Cũng có những lúc "nhờ" con tư vấn khi lựa chọn một món đồ dùng cho gia đình như mua tủ lạnh mới hoặc đồ dùng nhà bếp.
Nhà tôi cũng có vài lần bán xe ô tô và giá bán thấp hơn so với giá mua.
Tôi phân tích cho con lý do "bị lỗ" như đi xe không may bị va quệt, xe đã qua sử dụng sẽ bị giảm giá trị, nhưng tôi cũng cho con thấy khoản "bị lỗ" cũng có giá trị khi mà cả nhà được di chuyển bằng phương tiện tốt, đảm bảo sức khỏe khi trời mưa, nắng, giá rét.
Con trẻ rất nhạy cảm và thông minh, các con cũng là thành viên trong gia đình, nên chuyện kinh tế của gia đình là điều các bố mẹ nên chia sẻ với các con tùy theo độ tuổi.
Nó sẽ đem lại một sự gắn kết yêu thương lớn cho các thành viên trong gia đình. Và tôi biết một điều là: "Ở đâu có sự chia sẻ, ở đó có rất nhiều yêu thương!".
Xin cảm ơn những chia sẻ rất hữu ích của Bống và mẹ Bống, chị Dương Thanh Thúy!