Tiến trình giết nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) được thực hiện theo sự chỉ đạo của một nhân vật Saudi qua Skype, Reuters dẫn thông tin từ một số nguồn tin cấp cao Saudi.
Nhân vật này tên Saud al-Qahtani, một trợ lý hàng đầu của Thái tử Saudi Mohammed bin Salman. Ông Qahtani là một trong các cá nhân bị chính phủ Saudi đem làm “vật hy sinh” mong làm dịu sự lên án của cộng đồng thế giới, theo Reuters. Ngày 19-10, truyền thông nhà nước Saudi cho biết Vua Salman đã sa thải ông Qahtani và bốn quan chức khác liên quan vụ giết nhà báo Khashoggi.
Thổ Nhĩ Kỳ có băng ghi âm hội thoại Skype
Reuters dẫn một số nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ nói nhà báo Khashoggi ngay lập tức bị 15 người Saudi giữ lại khi vừa vào lãnh sự quán ngày 2-10. 15 người này là các nhân viên an ninh và tình báo Saudi, bay từ Saudi sang Thổ Nhĩ Kỳ trên hai chiếc máy bay chỉ vài giờ trước đó.
Trong khi đó một nguồn tin cấp cao Ả Rập có khả năng tiếp cận thông tin tình báo và có liên quan đến các thành viên tòa án hoàng gia Saudi, cho biết sau khi bắt giữ ông Khashoggi lại, nhóm người này gọi Skype cho ông Qahtani. Ngay khi được kết nối, ông Qahtani bắt đầu chửi mắng nhà báo Khashoggi. Theo các nguồn tin Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ, nhà báo Khashoggi cũng đáp trả lại, rồi ông Qahtani chỉ đạo "lấy mạng" nhà báo Khashoggi.
Không rõ ông Qahtani có quan sát toàn bộ quá trình tấn công và giết nhà báo Khashoggi hay không, mà theo mô tả của nguồn tin cấp cao Ả Rập là một chiến dịch “lộn xộn và chắp vá”.
Theo các nguồn tin tình báo Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ, đoạn băng ghi âm cuộc gọi Skype này hiện đang trong tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan. Các nguồn tin cho biết ông Erdogan từ chối cung cấp cho phía Mỹ, nói sẽ công bố công khai với cộng đồng thế giới. Ngày 20-10, ông Erdogan nói sẽ công bố thông tin về cuộc điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày hôm nay 23-10 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ).
Nguồn tin của Reuters cũng cho biết ông Qahtani đã nhiều lần gọi ông Khashoggi về nước, đề nghị một công việc cho ông Khashoggi, trước khi xảy ra vụ việc. Tuy nhiên ông Khashoggi – vốn không tin tưởng ông Qahtani – từng nói với một người bạn: “Ông ấy nghĩ rằng tôi sẽ quay về để rồi ông ấy ném tôi vào tù?”.
Nhân vật cộm cán sau lưng Thái tử Saudi
Thái độ Saudi trong vụ này liên tục thay đổi, ban đầu là cực lực bác bỏ liên quan, sau đó thừa nhận nhà báo Khashoggi chết tại lãnh sự quán nhưng chết trong một cuộc ẩu đả, sau đó lại thừa nhận ông Khashoggi bị bóp cổ chết.
Một nguồn tin cấp cao Saudi nói với Reuters rằng những thành phần giết nhà báo Khashoggi cố che đậy chuyện đã xảy ra, giả vờ như vừa mới biết sự thật. Phía Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ, nói rằng phía Saudi ngay từ đầu đã có băng ghi âm những gì xảy ra.
Nhà báo Khashoggi được biết thường xuyên chỉ trích chính phủ Saudi và Thái tử Mohammed bin Salman. Theo lời một quan chức Saudi ngày 19-10 thì Thái tử Mohammed bin Salman không hề biết về chiến dịch dẫn tới cái chết của nhà báo Khashoggi, và “chắc chắn không chỉ đạo bắt cóc hay giết bất cứ ai”.
Tuy nhiên Reuters dẫn một số nguồn tin liên quan đến tòa án hoàng gia Saudi nhận định sẽ rất khó cho Saudi khi muốn nói ông Qahtani thiết kế vụ giết nhà báo Khashoggi mà không khiến người khác đặt câu hỏi về sự liên quan của Thái tử Mohammed bin Salman.
Bản thân ông Qahtani từng ít nhất một lần nói sẽ không bao giờ làm điều gì mà không có sự đồng ý của cấp trên mình.
“Quý vị nghĩ tôi tự ra quyết định mà không có chỉ đạo? Tôi là một nhân viên trung thành với nhà vua và thái tử”- ông Qahtani viết trên Twitter mùa hè vừa rồi.
Biểu tình trước Nhà Trắng (Mỹ), yêu cầu Mỹ trừng phạt Saudi Arabia quanh vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết chết trong lãnh sự quán Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: REUTERS
Reuters cho biết gần đây có liên lạc với ông Qahtani nhưng không được trả lời. Tiểu sử ông này trên Twitter vài ngày gần đây có thay đổi ở phần công việc, từ là Cố vấn hoàng gia thành Chủ tịch Liên đoàn An ninh mạng, Lập trình và Máy bay không người lái, vị trí ông từng làm trước kia.
Theo nguồn tin của Reuters, ông Qahtani là người thiết kế hàng trăm vụ bắt giữ các thành phần Saudi chống đối. Nhân vật này cũng là người đứng sau vụ Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri ở lại Saudi một thời gian năm 2011 mà chính phủ Lebanon cho rằng ông bị Saudi cầm giữ. Theo tám nguồn tin ngoại giao Saudi, Ả Rập và phương Tây, thời gian này ông Hariri vừa bị sỉ nhục và vừa bị đánh. Và người dẫn đầu trong cuộc thẩm vấn bạo lực với ông Hariri chính là ông Qahtani.
Thời điểm đó Pháp can thiệp để đưa ông Hariri rời khỏi Saudi, nhưng hoàng gia Saudi và Thái tử Mohammed bin Salman không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên theo Reuters lần này sẽ khác khi các nước phương Tây đang ngày càng làm áp lực buộc Saudi giải thích.
Đức đã thông báo sẽ ngừng bán vũ khí và cùng với Anh, Pháp ra tuyên bố chung yêu cầu Saudi “khẩn cấp giải thích chính xác điều gì đã xảy ra ngày 2-10”.
“Vụ việc lần này sẽ không lật được MbS (Thái tử Saudi) nhưng sẽ tổn hại đến hình ảnh ông ta mà phải rất lâu nữa mới gầy dựng lại được. Nhà Vua sẽ bảo vệ ông ta”- Reuters dẫn lời một nguồn tin có quan hệ với tòa án hoàng gia Saudi.