SWOT là biết địch biết ta trăm trận không nguy của Tôn Tử binh pháp thời hiện đại.
Nếu ai hiểu SWOT của chính mình thì sẽ hiểu SWOT của nơi mình lãnh đạo. Việc sửa điểm yếu, vượt qua thách thức, chỉ còn vấn đề thời gian.
Hồi nhỏ, thỉnh thoảng bọn trẻ trâu quê tôi bày trò đánh nhau làm vui. Thường là đùa, nhưng có lúc mải đấm quá thành thật.
Có đứa thua ức không chịu được về mách bố ra bênh. Những đứa hay hớt lẻo bố, sẽ không có đường tỷ thí với chúng bạn.
Không dựa vào đôi chân của mình, vài cậu bé ấy thành người quanh lũy tre làng bởi chỉ biết sức mạnh dựa vào bố. Bố mất rồi, biết dựa vào ai.
Nói chuyện những cậu ấm nhà giầu, bố mẹ vai vế trong xã hội, khái niệm "con ông cháu cha" (COCC) thường bị hiểu theo nghĩa xấu.
Trong thực tế, đứa bé sinh ra trong gia đình "trâm anh thế phiệt" mà thời nay dân gian gọi là "hạt giống" với đầy đủ điều kiện đã hơn hàng triệu đứa trẻ khác. Được nuôi nấng, được học hành những nơi tốt nhất, rồi ưu ái và nâng đỡ, đứa trẻ ấy lớn lên không thông minh, không thành đạt, mới lạ.
Con trai của Tổng thống Bush cha chắc may hơn con trai của một người da đỏ. Con gái Chelsea của gia đình Clinton sẽ hơn hàng triệu các cô cùng lứa. Ở xã hội nào cũng vậy.
Họ có đủ tố chất để giỏi hơn cha anh. Quốc gia, vùng miền, được hưởng lợi từ những người thuộc dòng dõi nếu họ thực tài, có tầm nhìn và có đức. Nếu có công bằng về cơ hội, thì họ vẫn được công bằng…hơn người.
Tin cho hay, Ban chấp hành Trung ương vừa bỏ phiếu quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng và Bí thư Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh mới 41 tuổi và giữ chức mới được 2 năm.Thật tiếc cho một lãnh đạo còn khá trẻ ở nước mình.
Lãnh đạo một thành phố năng động như Đà Nẵng, ông Xuân Anh có nhiều lợi thế và không ít bất lợi.
Lợi thế của tuổi trẻ đã rõ ràng, con một Uỷ viên Bộ Chính trị, được nhiều người kiêng nể. Dường như tuổi trẻ thích thay đổi, không trì trệ như người lớn tuổi, là nguồn động lực cho người khác noi theo, biết lắng nghe, luôn tìm giải pháp tốt hơn, tập trung vào mục tiêu nhằm đạt kết quả.
Nhưng cũng có bất lợi. Trẻ thường thiếu kinh nghiệm. Ở Á Đông ít được người lớn tuổi tôn trọng, gặp khó hay nản và đôi lúc cách giao tiếp không khéo trở thành rào cản cho con đường tiến thân. Hung hăng, hứa bừa, làm liều là những lỗi thường gặp khác ở tuổi trẻ.
Nghe nói ông Xuân Anh từng học quản trị kinh doanh ở Hoa Kỳ mà ở đó thường có lý thuyết quản lý bằng phân tích SWOT.
Nếu ai hiểu SWOT của chính mình thì sẽ hiểu SWOT của nơi mình lãnh đạo và việc sửa điểm yếu, vượt qua thách thức, chỉ còn vấn đề thời gian. Nhất định điểm mạnh của mình không thể là COCC. Bush con không thể làm Tổng thống Mỹ nếu dựa vào cái bóng của Bush bố từng là Tổng thống.
Đang tuổi 30-40 rất tuyệt vời cho sáng tạo, vào ngày đẹp trời bỗng vào Trung ương, thành lãnh đạo cao cấp. Nếu không biết về SWOT, dù được chống lưng, thấy mỗi điểm mạnh làm lãnh đạo có quyền nhận quà xe hơi hàng tỷ, thế nào cũng có ngày xấu trời.
Tuy nhiên, nếu khéo chèo lái, tìm SWOT cho mình và đừng trông chờ vào ai ngoại trừ đi bằng chính đôi chân của mình, thì đó là cơ hội trời cho, ngang bằng đòn bẩy của Archimedes có điểm tựa.
Nhớ khi nhận việc bên Washington DC là phụ trách 50-60 đồng nghiệp IT thông minh và năng động, ông sếp bảo tôi, việc quan trọng là trong 3 tháng (100 ngày) phải làm quen với cộng sự, được sự tôn trọng của họ, sau đó mới nghĩ đến chuyện tổ chức lại nhóm. Đừng nghĩ đến chuyện đuổi người này, thay người kia, mà họ sẽ đuổi việc anh đấy.
Mới nghe tôi cũng thấy choáng, mình lên làm sếp sao phải nịnh quân. Nhưng vài lần va vấp, tôi hiểu, đồng nghiệp đang tìm hiểu tôi. Nếu không được lòng họ thì SWOT thành SWORD – thanh kiếm "trảm" đầu tôi.
Trước đó làm ở Hà Nội đã quen làm việc dưới sự chỉ đạo của người khác với thói quen "Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy" nay mình là Thiên Lôi, mọi thứ đã thay đổi.
Trước kia ưu tiên số một của mình cố xong việc để về nhà nhưng nay ưu tiên ấy lại là giúp người khác xong việc. Thành công hay thất bại của mình liên quan đến toàn nhóm. Nếu việc không trôi chảy, người bị mất việc đầu tiên là trưởng nhóm.
Học một lớp ngắn về quản lý nhân sự họ có khuyên, lãnh đạo nên hiểu rõ chính sách khu vực, qui định của văn phòng, về tuyển dụng, hiểu từng đồng nghiệp, biết SWOT của họ thì may ra mới mong lãnh đạo được họ.
Chưa kể phải đọc thêm những lĩnh vực liên quan đến chuyên môn IT mới nhất để khi bàn công việc, mình không phải là người lạc hậu hay cậy sếp thì ngu chút cũng được.
Lắng nghe và học hỏi là yếu tố quan trọng. Trong tháng đầu, tôi gặp từng người và muốn nghe lời khuyên của họ nên làm gì và họ muốn tôi giúp gì.
Có người muốn được lên lương, có người muốn được chuyển công việc mà họ cho là họ mạnh. Vài bạn góp ý tôi nên đi sớm về muộn hơn nhân viên, không đi họp muộn, đừng nghỉ phép trong thời gian đầu. Sự chân thành đã có tác dụng.
Sau 3 tháng làm quen, tôi hiểu mình phải làm gì, vài sự thay đổi trong nhóm được mọi người đồng tình bởi do chính họ đề đạt, win win.
Sau này ông sếp có tâm sự lúc trà dư tửu hậu rằng, chính ông từng đi hỏi từng người về tôi và gần như 100% ok với sự lựa chọn mới này.
Khi về hưu, đồng nghiệp trẻ lên thay có hỏi lời khuyên. Tôi chỉ nhắc lại lời sếp cũ. Và dường như người bạn mới này cũng thành đạt với nhóm của tôi để lại sau lưng.
Quay lại chuyện ông Xuân Anh thất bại, tôi thấy thật đáng tiếc vì nhìn ảnh ông ấy cũng là người sáng sủa thông minh.
Nhưng có lẽ tự cho mình là hạt giống, con ông cháu cha, có nhiều người nâng đỡ, thì cần gì biết mạnh yếu của bản thân. Có quyền là có hết, không còn khả năng lắng nghe, một lỗi cố hữu của người thất bại.
Chuyện không hay đã xảy ra thì đừng đổ lỗi cho hệ thống. Hệ thống này đưa hạt giống lên và cũng đưa xuống với cùng một cách.
Hiểu rõ SWOT thì không mắc những lỗi sơ đẳng trong quản lý để rồi bị kỷ luật. Mà vụ này thì không thể như mấy đứa trẻ trâu chúng tôi thuở nào, thua trận chạy về gọi bố mẹ ra bênh chằm chặp.