Kết hôn là chuyện trọng đại của đời người, là lần duy nhất mà bạn được chọn người nhà cho mình. Chình vì thế, ai cũng mong muốn bạn đời của mình phù hợp, tốt về tính cách, thu nhập ổn để cuộc sống khỏi bấp bênh.
Tuy nhiên, theo quan điểm xưa: "Lấy chồng là lấy cả gia đình chồng" hay "lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống" đã in sâu vào tiềm thức. Ngoài tìm hiểu về bạn đời, chúng ta còn cần tìm hiểu về những người thân của chồng/vợ mình. Thế nên mới có hàng tá câu chuyện "dở khóc dở cười" khiến người trong cuộc chỉ biết ngậm ngùi. Như câu chuyện của một bạn nữ ẩn danh, tạm gọi là H. đăng tải trên nhóm "Vén khéo" mới đây được nhiều người quan tâm.
Đau đầu khi nghĩ tới em trai của chồng sắp cưới
H. cho biết, người yêu của cô chịu khó làm ăn, thức khuya dậy sớm, tính cách thoải mái, rất thoáng về tiền bạc và lo cho cô cô đầy đủ. Cô và bạn trai đã tính đến chuyện lâu dài sẽ về chung một nhà, khoảng 1 năm nữa. Nhưng có 1 điều khiến H. khúc mắc, lăn tăn là về em trai của người yêu (tạm gọi là B.)
Theo H. chia sẻ, b. và người yêu của cô tuy là 2 anh em ruột nhưng có tính cách trái ngược hoàn toàn. B. năm nay đã 30 tuổi nhưng không có việc làm, hàng ngày chỉ chơi game hoặc đi chơi ở đâu đó, tối mới về nhà. Thỉnh thoảng, cô cũng nhờ em trai của người yêu đi giao bánh, giao đồ.
(Ảnh minh hoạ)
H. tâm sự: "Mình và người yêu mở một tiệm bánh ngọt take away khá đắt khách. Về em trai của người yêu, dù đã khuyên bảo từ nhẹ nhàng đến gay gắt là cần tìm một công việc nhưng B. không chịu, khiến gia đình bất lực.
Có lần B. đi làm bảo vệ thì than nắng nóng, nghỉ ngang khi làm được 3 tuần, không lấy được lương mà còn mất cả tiền đặt cọc. Hay lần khác, B. đi làm ở xí nghiệp nhưng chưa rành việc, bị quản lý khiển trách nên chưa hết thời gian thử việc đã nghỉ hẳn".
Hiện B. ở nhà, dù không vướng vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, nợ nần,... nhưng cũng khiến cả gia đình "đứng ngồi không yên". Ai cũng thấy B. lười biếng, ỷ lại, không có định hướng tương lai.
H. cho biết, cô cũng để em trai của người yêu đi giao bánh, trả công 50.000 VNĐ/chuyến, giao 1 - 2 lần/tuần vì khách thường đặt qua các app mua bán công nghệ. "Vì thế, muốn tạo điều kiện cho B. làm shipper cũng khó, mà bảo làm việc khác như vệ sinh, trông tiệm thì B. từ chối vì không biết làm, sợ làm hỏng", cô gái thở dài.
Hiện H. đang cảm thấy bất lực. Cô lo lắng đây là bản tính của em trai chồng tương lai, vì thế khó thay đổi được. Cô sợ sau khi kết hôn, vợ chồng cô không chỉ phải lo cho con cái, bố mẹ 2 bên mà còn phải nuôi thêm 1 "báo thủ" nghiện game là em trai của chồng.
"Mình thấy chẳng may nếu B. bị dụ dỗ hay lừa đảo thì người đứng ra gánh chịu cũng là vợ chồng cô", H. buồn rầu.
(Ảnh minh hoạ)
Câu chuyện của H. quả thật khó giải quyết, không biết xử lý làm sao để vẹn toàn. Nếu H. quyết định kết hôn thì cô có người chồng tốt, chu đáo, tâm lý, giỏi làm kinh tế nhưng đồng thời H. phải chuẩn bị sẵn tâm lý về việc phải nuôi thêm người em trai của chồng. Còn nếu H. chia tay bạn trai thì cô thấy tiếc nuối. Hơn thế, 2 người đang góp vốn và quản lý chung tiệm bánh ngọt.
Một số ý kiến CĐM để lại như sau:
- Bạn cưới chồng chứ đâu phải cưới em chồng. Bạn cứ lo cho gia đình nhỏ của mình, em của chồng đã có bố mẹ chồng lo. B. đã 30 tuổi, bạn đâu có thể can thiệp vào cuộc sống của B.
- Bạn bảo với bố mẹ chồng đừng cho B. ăn uống chung nữa, hãy tự làm tự kiếm ăn đi. Đói quá, tự nhiên linh động não mà đi làm thôi.
- Bỏ ngay cho khoẻ đi bạn. Giờ bố mẹ chồng bạn mạnh khoẻ thì lo được cho chú ấy. Nhưng đến khi ông bà già yếu, mất đi thì người lo là vợ chồng bạn. Máu mủ không thể nói bỏ là bỏ được bạn ạ.
- Chán thật, có kiểu người vô tích sự là gánh nặng cho gia đình. Người như vậy làm sao lấy được vợ.
Nguồn: Group "Vén khéo"