Nhiều người quan niệm rằng, ở những năm tháng cuối đời, số dư trong tài khoản càng nhiều thì cuộc sống càng tốt đẹp. Thực tế, đúng là có tiền thì cuộc sống của bạn sẽ được đảm bảo, ít nhất là không rơi vào cảnh đói rét.
Song điều này không có nghĩa là ai có nhiều tiền sẽ có cuộc sống hạnh phúc về mặt tinh thần khi về già. Ông Lưu - một cụ già 71 tuổi đến từ ngôi làng thuộc tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc đang rơi vào hoàn cảnh éo le dẫu dư dả về mặt vật chất.
Là người giàu nhất trong làng, có 2 căn nhà, lương hưu hàng tháng lên đến 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng), song ông không vui với cuộc sống hiện tại.
Trước khi về hưu, ông từng giữ vị trí cao tại đơn vị và được mọi người nể trọng. Dẫu có sự nghiệp rực rỡ nhưng ông luôn tự nhận cuộc sống của mình là 1 mớ hỗn độn.
Trước 50 tuổi, ông sống khá êm đềm. Ông cùng bà xã nuôi lớn 2 người con trai và 1 cô con gái. Nhìn chung các con ông Lưu có thành tích học tập tốt và sớm tìm được công việc để tự nuôi sống bản thân.
Ở năm 45 tuổi, ông bán căn nhà cũ để chuyển sang chỗ ở mới. Sau 10 năm, ông tiếp tục chuyển nhượng và đủ tiền để tậu được hẳn 2 căn hộ mới. Cho đến khi về hưu, người đàn ông này còn đều đặn nhận được khoản lương lên đến 5.000 NDT/tháng.
Khi cụ ông này tưởng rằng bản thân đang có những ngày tháng hạnh phúc nhất. Một biến cố bất ngờ ập đến. Bà Lưu qua đời. Sau hơn 30 năm chung sống, thật khó để ông có thể dễ dàng chấp nhận sự ra đi của người bạn đời. Suy nghĩ nhiều, từ một người khỏe mạnh ông cụ trở nên ốm yếu, thường xuyên bị cao huyết áp…
Vì lo cho sức khoẻ của bố, các con ngỏ ý muốn đón ông đến nhà để tiện chăm sóc. Lúc nghe được những lời này, cụ ông khá vui mừng bởi lòng hiếu thảo của tụi nhỏ. “Nhưng có lẽ, tôi đã hy vọng quá nhiều để rồi phải thất vọng”, ông Lưu bộc bạch.
Ban đầu, ông đến nhà con trai cả. Theo những gì ông chia sẻ, ở một vài ngày đầu, các con luôn quan tâm chăm sóc bố từng bữa ăn giấc ngủ. Nhưng chưa đầy 1 tháng sau đó, ông nhận ra sự chăm sóc đó đều có mục đích. “Bữa cơm nào, vợ chồng chúng cũng kể với tôi hết khó khăn này đến khó khăn khác và ngỏ ý muốn xin 1 căn hộ. Khi tỏ thái độ không đồng ý, chúng lại mong muốn tôi giao lại thẻ lương hưu. Tất nhiên, tôi không thể làm việc này.
Kể từ lúc đó, tôi nhận ra thái độ của 2 đứa với tôi thay đổi 180 độ. Chúng luôn tỏ ra lạnh nhạt và gạt tôi ra khỏi gia đình chúng. Sau vài tháng sống cùng, tôi cảm thấy mình như người thừa nên quyết định chuyển đến nhà con trai thứ”, ông Lưu ngao ngán kể lại.
Tuy nhiên khi sang nhà con trai thứ và 1 thời gian sau là nhà cô con gái, kịch bản lại lặp lại tương tự như vậy. Chúng đều mong muốn ông giao lại tài sản. Tuy nhiên, ông nhất quyết không đồng ý. Bởi ông hiểu rằng tất cả những tài sản đó là thứ giúp ông dựa vào ở những năm tháng tuổi già.
“Thú thật, sau này khi qua đời, tất cả tài sản tôi tích góp được đều về tay chúng. Nhưng ở thời điểm này, tôi chắc chắn không thể giao hết cho chúng được”, cụ ông 71 tuổi chia sẻ.
Sau khi không thể sống cùng với bất kỳ người con nào, ông Lưu quyết định trở về nhà. Ông dùng 1 phần tiền lương hưu của mình để thuê người giúp việc nhằm hỗ trợ việc nấu nướng, giặt quần áo và chăm sóc khi đau ốm.
“Kể từ khi về sống 1 mình, các con ít khi gọi điện hay về thăm tôi mỗi dịp lễ Tết. Mấy lần tôi ốm đều nhờ người giúp việc hỗ trợ. Cho đến khi tôi phải đi bệnh viện thì các con cũng chỉ vào thăm như người ngoài rồi ra về”, ông kể.
Chính vì thực tế cay đắng này nên ông Lưu thường nói rằng dù giàu có. Song hiện tại ông không hạnh phúc bằng ông Phúc - người nghèo nhất làng.
Dẫu hoàn cảnh khó khăn, đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn phải đi làm thêm, song cụ ông này lúc nào cũng vui vẻ. Bởi ông được có các con bầu bạn, quan tâm.
Sau những chuyện đã trải qua, ông Lưu cho rằng sự giàu có thực sự không nằm ở những con số trong tài khoản ngân hàng, hay những món đồ nội thất đắt tiền hào nhoáng. Sự giàu có thực sự của đời người nằm ở việc nuôi dạy được những đứa con có hiếu.