Có 1 triệu chứng, người phụ nữ đi tầm soát cả cơ thể để tìm ung thư, bất ngờ khi bác sĩ chỉ ra "thủ phạm"

Ngọc Minh |

Cơ thể xuất hiện triệu chứng nuốt nghẹn tăng dần, kéo dài trong nhiều năm khiến chị Tuyết (tên nhân vật đã được thay đổi), 41 tuổi, tại Phú Thọ mất ăn mất ngủ, sụt tới 10kg.

- Chị Tuyết xuất hiện tình trạng nuốt nghẹn trong nhiều năm, chị đã đi khám khắp nơi, điều trị bằng mọi loại thuốc nhưng bệnh ngày càng tiến triển nặng.
- Sau khi được người quen giới thiệu, chị Tuyết đã tìm đến Ths.BS Lê Dương Tiến, Trung tâm tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để thăm khám và phát hiện mắc co thắt tâm vị.

Uống nước, uống sữa cũng mắc nghẹn

Theo chị Tuyết, chị xuất hiện triệu chứng nuốt nghẹn từ khoảng 5 năm trước. Thời điểm đó, chị Tuyết có đi khám và được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản. Trong quá trình điều trị, chị đều tuân thủ uống thuốc và tái khám đúng hẹn nhưng chạy chữa suốt 1 năm mà triệu chứng không thuyên giảm.

Chị Tuyết chán nản, bỏ thuốc tây, chuyển sang uống thuốc nam và thuốc bắc. Hễ có người mách ở đâu có thuốc điều trị trào ngược dà dày tốt là chị đều tìm tới lấy thuốc về sử dụng. Thế nhưng bệnh của chị ngày càng trầm trọng.

Chị Tuyết quay trở lại uống thuốc tây. Chị tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng bệnh vẫn tiến triển nặng thêm.

"Lúc đầu tôi chỉ khó nuốt khi ăn đồ ăn nhưng giờ tôi uống nước hay uống sữa cũng đều bị mắc nghẹn", chị Tuyết chia sẻ với bác sĩ.

Lo lắng vì bệnh tật kèm theo không ăn uống được, chị Tuyết bị sụt tới 10kg. Chị còn sợ mắc ung thư nên đã đi tầm soát nhưng không phát hiện bất thường.

Có 1 triệu chứng, người phụ nữ đi tầm soát cả cơ thể để tìm ung thư, bất ngờ khi bác sĩ chỉ ra "thủ phạm"- Ảnh 1.

Bệnh nhân co thắt tâm vị được can thiệp. (Ảnh Bác sĩ cung cấp)

Ths.BS Lê Dương Tiến, Trung tâm tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho hay, bệnh nhân Tuyết tới khám trong tâm trạng lo lắng, khổ cực vì đã đi rất nhiều nơi, đã uống nhiều thuốc mà không hết được tình trạng nuốt nghẹn, thể trạng ngày càng suy kiệt. Trong một lần tình cờ, bệnh nhân đã được một người quen từng bị co thắt tâm vị giới thiệu tới gặp bác sĩ Tiến để thăm khám khám.

Theo lời bác sĩ Tiến, bệnh nhân rất mặc cảm mỗi khi phải đi ăn cùng với nhiều người vì chị không ăn được gì, chỉ dám nhìn mọi người ăn, sau đó chị lại bị họ xì xào. Khi ăn một miếng thịt hay một miếng thức ăn chị đều sẽ bị mắc nghẹn. Thậm chí, khi uống nước bệnh nhân Tuyết cũng phải uống từ từ vì nếu uống nhanh, uống ngụm dài chị sẽ nghẹn nước và nôn ra.

Kết quả thăm khám lâm sàng và nội soi cho thấy bệnh nhân bị chứng co thắt tâm vị. Bệnh nhân được can thiệp nong tâm vị bằng nội soi.

"Sau khi can thiệp khoảng 12 giờ, bệnh nhân đã có thể ăn uống bình thường, không bị đau đớn. Bệnh nhân xuất viện sau 24 giờ. Sau một vài tháng tái khám, hiện nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Cách điều trị co thắt tâm vị

Co thắt tâm vị có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng bệnh thường gặp ở những người từ 30 đến 60 tuổi. Bệnh khởi phát với các triệu chứng mơ hồ và tiến triển dần dần qua nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Có 1 triệu chứng, người phụ nữ đi tầm soát cả cơ thể để tìm ung thư, bất ngờ khi bác sĩ chỉ ra "thủ phạm"- Ảnh 2.

Bệnh nhân sức khỏe ổn định sau can thiệp. (Ảnh bác sĩ cung cấp)

Bác sĩ Tiến cho hay bệnh có những dấu hiệu đặc trưng như:

- Khó nuốt đồ ăn, thức uống.

- Trào ngược vào ban đêm dẫn tới viêm phổi hít (bệnh viêm phổi do hít phải thức ăn, nước bọt, chất lỏng, chất độc, chất chứa trong dạ dày).

- Sụt cân từ các mức độ nhẹ đến mức độ trung bình và nặng.

- Ảnh hưởng trầm trọng tới tinh thần và cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người bệnh.

Hiện nay, y học vẫn chưa thể xác minh chính xác nguyên nhân gây ra co thắt tâm vị. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc căn bệnh này như: nhiễm virus, nhiễm khuẩn, bệnh lý tự miễn làm rối loạn cơ thắt tâm vị.

Theo bác sĩ Tiến, co thắt tâm vị là bệnh lý tiêu hóa hiếm gặp. Bệnh dễ nhầm với các bệnh khác, đặc biệt là trào ngược dạ dày thực quản hoặc ung thư thực quản. Do vậy, khi có triệu chứng nuốt nghẹn, mọi người cần phải đi khám chuyên khoa tiêu hóa để chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khác.

Để phát hiện bệnh lý co thắt tâm vị, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cận lâm sàng như: chụp X-quang thực quản có nuốt barit, nội soi dạ dày, đo áp lực thực quản độ phân giải cao (HRM).

Các phương pháp điều trị co thắt tâm vị bao gồm: Sử dụng thuốc làm giãn cơ thắt tâm vị, nong tâm vị bằng bóng, phẫu thuật cắt cơ thực quản dưới và tiêm độc tố botulium A (ít được sử dụng do phương pháp này có hiệu quả thấp, bệnh tái phát sớm).

"Hiện nay, nong tâm vị bằng bóng và phẫu thuật cắt cơ thực quản dưới là 2 phương pháp điều trị chính vì đem lại hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân, giúp người bệnh ăn uống bình thường trở lại", bác Tiến tư vấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại