Tiến sĩ Mỹ: Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang cho ra đời "những con tàu của tương lai"

Nội dung: Hải Vy - Thiết kế: Thi Anh |

Một số vũ khí thiết bị kỹ thuật do Việt Nam sản xuất "sở hữu tính năng tương đương trở lên so với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại", "gây nhiều bất ngờ đối với bạn bè quốc tế".

Hãng tin Sputnik (Nga) từng nhận định: "Quân đội Việt Nam gây ấn tượng không chỉ bằng sức mạnh, sự tinh nhuệ và ý chí đoàn kết. Các khí tài, vũ khí, trang thiết bị mà nền công nghiệp Quốc phòng Việt Nam tạo ra đã gây nhiều bất ngờ đối với bạn bè quốc tế".

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, có những vũ khí thiết bị kỹ thuật do Việt Nam sản xuất "sở hữu tính năng tương đương trở lên so với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại, đảm bảo bí mật quân sự, thuận lợi trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, đặc biệt có thể bổ sung, nâng cấp, phát triển, tiết kiệm nguồn kinh phí rất lớn cho Nhà nước và quân đội".

---

Tiến sĩ Mỹ: Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang cho ra đời những con tàu của tương lai - Ảnh 1.

Trước xu thế phát triển vũ khí trang bị thế giới trong Cách mạng 4.0 và yêu cầu hiện đại hóa Quân đội từ năm 2030, Việt Nam đã quán triệt chủ trương "xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) hiện đại và lưỡng dụng".

Ngành CNQP Việt Nam đề cao tinh thần tự chủ, tự cường và đã đạt được một số thành tựu ấn tượng trong những năm gần đây như sản xuất tên lửa chống hạm KCT-15 theo giấy phép của Nga, đóng thành công tàu tên lửa Molniya, tàu tuần tra TT-400TP, tàu tuần tra đa năng DN-2000, tàu cứu hộ tàu ngầm, tàu đổ bộ, chế tạo thành công các loại radar bắt máy bay tàng hình (RV-02), radar bắt thấp VMS-2DM, radar thụ động…

Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư - Tiến sĩ James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW), cho biết ông rất ấn tượng với những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực đóng tàu.

Tiến sĩ Mỹ: Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang cho ra đời những con tàu của tương lai - Ảnh 2.

Theo ông Holmes, đây là những hệ thống vũ khí phức tạp. Khả năng thiết kế và chế tạo các loại tàu khác nhau sẽ mang lại lợi ích cho tương lai của Việt Nam. Chúng là những loại tàu mà Việt Nam sẽ dựa vào để bảo vệ bờ biển, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của mình.

"Tàu hải quân cỡ nhỏ là những ‘con tàu của tương lai’, đó cũng là xu hướng mà Hải quân Mỹ và hải quân các nước đồng minh của Washington đang theo đuổi. Chúng tôi [Mỹ] đang cố gắng trang bị thêm nhiều tàu với kích cỡ nhỏ hơn, giá thành rẻ hơn nhưng có năng lực phòng thủ cao hơn.

Ý tưởng nằm ở chỗ: Nếu bạn có nhiều tàu, bạn có thể chấp nhận mất một vài chiếc trong trận chiến, hạm đội đông đảo còn lại vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu" – Ông Holmes cho hay.

Cùng nhận định về khía cạnh này, ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales cho rằng Việt Nam đang từng bước nâng cao năng lực đóng tàu tuần tra và tàu hải quân với tải trọng ngày càng tăng, theo hình thức hợp tác (như với tập đoàn Damen của Hà Lan) hoặc tự sản xuất trong nước.

"Chương trình đóng tàu của Việt Nam hiện nay bao gồm 8 tàu tuần tra TT-1500 [1.500 tấn], 4 tàu tuần tra DN-2000 [2.200 tấn], 4 tàu tuần tra đa nhiệm DN-4000 [4.300 tấn]. Thành tựu này rất có ý nghĩa bởi bảo vệ chủ quyền trên biển là ưu tiên cao của Việt Nam" – Ông Thayer nói.

Tiến sĩ Mỹ: Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang cho ra đời những con tàu của tương lai - Ảnh 3.
Tiến sĩ Mỹ: Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang cho ra đời những con tàu của tương lai - Ảnh 4.

Ngoài bước tiến trong lĩnh vực đóng tàu, Giáo sư Thayer cho biết ông còn thấy ấn tượng ở 2 khía cạnh khác của CNQP Việt Nam, đó là hợp tác sản xuất tên lửa chống hạm và ứng dụng các công nghệ mới.

Theo ông Thayer, nhờ được chuyển giao công nghệ, Việt Nam đã có thể chủ động cung cấp cho quân đội các tên lửa chống hạm Yakhont (SS-N-26) và KCT-15 (Kh-35). Có thể nói, Việt Nam đã có khả năng tự sản xuất tên lửa chống hạm nên sẽ không còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, và cũng không phải lo bị chậm trễ cung ứng.

Một bước đi đáng chú ý khác là việc Việt Nam áp dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 cho quân đội. Ví dụ điển hình nhất là Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã tham gia lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot và điện toán lượng tử vào quân sự.

"Công nghệ cao sẽ là yếu tố đóng vai trò quyết định trong những tình huống xung đột tương lai và Việt Nam đang định vị mình để bắt kịp những diễn tiến hiện tại" – Ông Thayer nhận định.

Cùng chia sẻ với chúng tôi quan điểm về những nỗ lực tự chủ công nghệ của QPVN, ông Nguyễn Thế Phương - Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM, đồng thời là thành viên Dự án Đại sự ký Biển Đông đồng tình rằng ngành CNQP Việt Nam đang cố gắng tiến tới tự chủ công nghệ các loại vũ khí lớn hơn và phức tạp hơn, với hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn.

Tiến sĩ Mỹ: Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang cho ra đời những con tàu của tương lai - Ảnh 5.

Điều này thể hiện qua việc Viettel được quy hoạch trở thành tập đoàn công nghiệp quốc phòng mạnh, và việc tập đoàn này đầu tư vào các loại máy bay không người lái (UAV), hay các loại công nghệ phục vụ chiến tranh trên không gian mạng. Ngoài ra còn phải nhắc tới nỗ lực cho ra đời các loại radar hiện đại của Viettel và ngành CNQP Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, theo ông Phương, điểm hạn chế là một số thiết kế và nhiều cấu thành vũ khí vẫn phải phụ thuộc nước ngoài. Do đó, đây mới là quá trình bước đầu để Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ công nghệ cho các loại vũ khí lõi trong tương lai phù hợp với chiến lược quốc phòng thời kỳ mới.

Tiến sĩ Mỹ: Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang cho ra đời những con tàu của tương lai - Ảnh 6.

Mặc dù ngành CNQP Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định nhưng vẫn phải thừa nhận rằng xây dựng được một ngành CNQP tự chủ, tự cường là điều không hề dễ dàng.

Theo Giáo sư Thayer, có 5 yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự tự chủ trong ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia.

Đầu tiên, phải phát triển được cơ sở công nghiệp lớn và hiện đại để hỗ trợ nền công nghiệp quốc phòng quốc gia, sau đó những cơ sở công nghiệp này lại phải có khả năng cung cấp những năng lực đặc biệt mà quân đội cần.

Thứ hai, quốc gia muốn tự chủ quốc phòng cần có một hệ thống giáo dục rộng khắp, đào tạo được đủ kỹ sư và kỹ thuật viên có trình độ.

Thứ ba, quốc gia này phải sẵn sàng cung cấp đủ kinh phí cho ngành công nghiệp quốc phòng từ ngân sách quốc gia.

Thứ tư, họ phải tài trợ thích đáng cho các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Thứ năm, cần xây dựng chiến lược xuất khẩu để bán vũ khí và thiết bị sản xuất trong nước ra thị trường quốc tế.

Vị Giáo sư dẫn bản đánh giá của Jane’s Vietnam - Defense Production and R&D (báo cáo ngày 31/8/2021) cho hay, cơ sở quốc phòng công nghiệp bản địa của Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định.

"Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhận nhận thức được rõ những tồn tại của mình nên vào tháng 7/2021, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã công bố kế hoạch cải tổ nền công nghiệp quốc phòng quốc gia trong giai đoạn 2021-2030 với trọng tâm là nâng cao năng lực thông qua việc phối hợp hai lĩnh vực dân sự-quân sự và tích hợp công nghệ lưỡng dụng" – Ông Thayer cho hay.

Về phần mình, Giáo sư James Holmes cũng công nhận rằng, một quốc gia muốn có ngành công nghiệp quốc phòng nội địa phát triển mạnh sẽ cần tập hợp của rất nhiều yếu tố.

"Song, tôi cho rằng Việt Nam đang nắm giữ những thuận lợi nhất định đối với các yêu cầu này", ông Holmes tin tưởng.

Bên cạnh việc tự mày mò phát triển ngành CNQP tự chủ, các chuyên gia đồng tình rằng Việt Nam có thể tham khảo một số mô hình của các nước trên thế giới cũng đang đi theo hướng tiếp cận này.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, có rất nhiều mô hình mà Việt Nam có thể học hỏi.

Với nhiều điểm tương đồng về chính trị thì có Trung Quốc, khi nước này cho phép các tập đoàn tư nhân tham gia phát triển vũ khí, nhất là các loại vũ khí công nghệ cao (tạm thời chưa bàn tới vấn đề sở hữu đằng sau các công ty đó).

Cùng trình độ phát triển thì có Indonesia, nước này có một chương trình đối tác công tư khá hiệu quả, nhất là khi họ đã có thể tự phát triển và chế tạo các loại vũ khí lớn như máy bay, tàu chiến hay xe bọc thép… thông qua liên kết với nước ngoài. Đây là điều mà Việt Nam vẫn chưa làm được.

Ấn Độ là quốc gia có thể đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và mở rộng đối tác quốc phòng, từ đó chế tạo các vũ khí "made-in-India" (mặc dù năng lực và độ tin cậy vẫn là dấu hỏi lớn).

Israel và Hàn Quốc là hình mẫu của các quốc gia trung cường với khả năng tạo ra một nền công nghiệp quốc phòng nội địa hùng mạnh với khả năng cạnh tranh cao, gắn chặt với việc phát triển thị trường vũ khí quốc tế.

"Mỗi quốc gia kể trên đều có điểm để Việt Nam có thể học hỏi, nhưng không mô hình nào hoàn hảo bởi CNQP gắn chặt với đặc trưng sức mạnh và lợi ích quốc gia, nên CNQP thể hiện trình độ và tính cách của quốc gia đó" – Ông phương nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Malcolm Davis - chuyên gia cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, Singapore là một ví dụ điển hình mà Việt Nam có thể tham khảo bởi ngoài những loại khí tài tiên tiến thì các cảm biến được kết nối với hệ thống điều khiển-chỉ huy và những hệ thống vũ khí chủ chốt sẽ là "chìa khóa" vô cùng cần thiết trong tác chiến hiện đại.

Tiến sĩ Mỹ: Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang cho ra đời những con tàu của tương lai - Ảnh 8.

Do đó, Việt Nam cần đầu tư vào mạng lưới điều khiển-chỉ huy, cũng như khả năng tình báo-giám sát-trinh sát để nâng cao năng lực tấn công chính xác trong môi trường tác chiến trên không và trên biển.

"Họ [Singapore] chính là ‘tiêu chuẩn vàng’ của ASEAN trong hướng tiếp cận này. Việt Nam có thể đi theo hướng của Singapore là tích cực đầu tư vào mạng lưới điều khiển-chỉ huy, cũng như mô hình từ cảm biến tới vũ khí [sensor-to-shooter].

Việc Việt Nam sản xuất các loại tên lửa thông qua chuyển giao công nghệ là một bước tiến tuyệt vời, tuy nhiên, những tên lửa này cần được kết nối với các cấu trúc cảm biến linh hoạt, bao gồm cả các hệ thống vệ tinh cỡ nhỏ phục vụ tình báo-trinh sát-giám sát (ISR)" – Ông Davis nhận định.

Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá Việt Nam đã có lựa chọn sáng suốt ở thời điểm này là không quá phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào.

"Tuy nhiên, Việt Nam cần tạo ra một mô hình cho riêng mình, loại bỏ những đặc trưng và mô hình cũ kỹ lỗi thời, cũng như tích cực, chủ động và cởi mở trong việc tiếp thu các yếu tố mới để xây dựng một nền CNQP mang đặc trưng quốc gia, phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia" – Ông Phương kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại