Chủ tịch CNN Jeffrey Zucker đang cân nhắc tương lai của mình sau khi hợp đồng làm việc của ông chỉ còn một năm. Ảnh: Getty Images
Cả CNN và MSNBC đều bật lên, tăng trưởng mạnh trong những năm ông Trump cầm quyền, lập những mốc kỉ lục mới về rating và doanh thu, voí thiên hướng chủ yếu là công kích chính quyền Trump không ngừng nghỉ, lấy đó làm sức hút với người xem truyền hình.
Thế nhưng đối diện với một tương lai không có ông Trump tại Nhà Trắng, giới điều hành chóp bu ở cả hai tổ hợp này đã phải triệu hồi những ngôi sao dẫn chương trình, những nhà sản xuất tài năng tới dự các cuộc họp kín trong vài tuần trở lại đây. Mục đích là để tìm ra câu trả lời: Sẽ phải làm gì tới đây?
Giới lãnh đạo và nhân viên ở CNN và MSNBC hiểu rằng, số khán giả ghét cay ghét đắng ông Trump sẽ không cần phải chăm chú theo dõi trên màn hình các chương trình do Rachel Maddow và Don Lemon dẫn nữa. Còn Tổng thống đắc cử Joe Biden không phải là mẫu người thích tạo ồn ào, đẩy thông tin kịch tính “theo kiểu 24/7” như Donald Trump.
Vậy nên, ngay cả khi CNN ghi nhận lượng khán giả xem truyền hình ở mức kỉ lục trong 40 năm qua hồi tháng 11 vừa qua, còn MSNBC cũng lập kỉ lục rating kể từ thời điểm thành lập năm 1996, các nhà báo và giới điều hành ở hai hãng tập đoàn truyền thông này đều không mấy thoải mái khi nghĩ về tương lai.
Phác họa về triển vọng không mấy tích cực đối với hai “ông lớn” truyền thông Mỹ này được dựa trên kết quả từ hàng chục cuộc phỏng vấn đối với nhà báo, nhân viên đương nhiệm hoặc đã từng làm ở CNN và MSNBC. Đa phần những người này đều đề nghị được giấu tên. Họ có cùng đánh giá cho rằng rating của cả hai mạng lưới này đều sẽ giảm trong năm 2021. Câu hỏi còn lại chỉ còn là vấn đề: Giảm sút ở quy mô nào – nhỏ, trung bình hay lớn.
Việc ông Trump không chịu chấp nhận thua cuộc trước ông Biden giúp hai đài này vẫn duy trì được mức rating cao hậu bầu cử. Trong những tuần gần đây, CNN thường xuyên đánh bại kênh truyền hình Fox News về tổng số lượng khán giả theo dõi truyền hình. Còn chương trình “Morning Joe” của MSNBC trong bốn tuần liên tiếp cũng vượt lên chương trình “Fox & Friend” trên Fox News được nhóm cử tri của ông Trump yêu thích. Đại dịch cũng là một yếu tố khác khiến các kênh truyền hình duy trì được tỉ lệ rating cao, vì nó là vấn đề khẩn cấp, được nhiều người quan tâm.
Thế nhưng giới lãnh đạo tại CNN và MSNBC đang đau đầu với những kế hoạch phát triển trong những tháng tới, năm tới. Họ phải tập trung nỗ lực, duy trì, xây dựng các chương trình thích ứng với thời kỳ nước Mỹ hậu Trump, hậu COVID-19 cũng như những thay đổi trong thói quen của người xem truyền hình.
Tại CNN, đơn vị chọn lối đi riêng biệt, chỉ chuyên sâu về chính trị trong 4 năm qua, những câu hỏi này đang từng bước được gợi mở với sự dịch chuyển trong vai trò lãnh đạo cấp cao. “Tập đoàn ông” nắm quyền chủ sở hữu ở CNN hiện là AT&T (hãng sở hữu WarnerMedia – công ty mẹ của CNN). Mới đây AT&T đã chọn ông Kilar, giám đốc điều hành nền tảng phát sóng Hulu, làm người lãnh đạo mảng giải trí và tin tức ở WarnerMedia.
Sự xuất hiện của Kilar trùng với thời điểm tương lai của Chủ tịch CNN Jeff Zucker còn chưa được định rõ. Ông Zucker sẽ hết hợp đồng tại CNN vào năm tới, nhưng chưa quyết định có tiếp tục ở lại đế chế này hay không. Ông từng bày tỏ bất mãn sâu sắc sau khi ông Kilar nắm quyền tại WarnerMedia hồi tháng 5 vừa qua và tước bỏ một số thẩm quyền khỏi tay ông. Giới điều hành, nhân viên tại CNN coi Kilar là người mạnh về kĩ thuật, nhưng ít kinh nghiệm về điều phối tin tức, không nhanh nhạy trong đưa tin về chính trị ở một đất nước chia rẽ như Mỹ hiện nay.
Người dẫn chương trình Nicolle Wallace nổi tiếng bởi quan điểm chống Trump trên truyền hình MSNBC. Ảnh: NYT.
Còn tại MSNBC, chuyển giao quyền lực đã diễn ra. Bà Rashida Jones, 39 tuổi, từng điều hành mảng tin tức trong tổ hợp, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch MSNBC và là người da màu đầu tiên ngồi vào vị trí này. Bà Jones sẽ thay ông Phil Griffin, người đã có 12 năm chèo lái MSNBC, nổi bật là 4 năm dưới thời ông Trump, với một loạt các chương trình tên tuổi, đình đám như “The Rachel Maddow Show”.
Giới lãnh đạo MSNBC giờ sẽ phải trả lời câu hỏi: Phải thực hiện những bước thay đổi gì để biến một tổ hợp truyền thông chuyên về phản bác, bài xích ông Trump thích ứng được với kỉ nguyên của ông Joe Biden.
Yếu tố Trump có sức ảnh hưởng lớn đối với khán giả theo dõi truyền hình MSNBC. Rating luôn ở mức cao, khi xuất hiện tin tức bất lợi cho ông Trump, như việc luận tội, cáo buộc quan hệ tình ái, những diễn biến bất chợt, gây sốc tại Nhà Trắng; nhưng sẽ lại giảm nhanh khi có “tin tốt” với đương kim tổng thống, ví như thời điểm công bố báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Muller về điều tra ê kíp ông Trump thông đồng với Nga trong bầu cử.