Theo CNN, đây là bức ảnh được ImageSat International chụp vào ngày 19/6. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc cho triển khai chiến đấu cơ J-10 ra đảo Phú Lâm cũng như bất cứ hòn đảo nhân tạo nào khác mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Trung Quốc điều động trái phép 4 tiêm kích J-10 ra quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Giới phân tích nhận định dựa theo hình ảnh vệ tinh, số lượng và thiết bị đi kèm với J-10 trong đợt triển khai lần này tới đảo Phú Lâm, hòn đảo của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, là khá lớn. Khả năng 4 tiêm kích J-10 sẽ có mặt tại đảo Phú Lâm trên 10 ngày.
“Trung Quốc muốn chúng ta chú ý đến họ. Nếu không họ đã cất các máy bay vào kho chứa. Vậy Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp gì?”, ông Peter Layton, cựu Tướng Không quân Hoàng gia Australia và nay là nhà nghiên cứu tại Viện châu Á Griffith chia sẻ.
Trong khi đó, ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận định, hoạt động triển khai 4 tiêm kích J-10 của Trung Quốc ra đảo Phú Lâm là nhằm “chứng minh đây là lãnh thổ của họ và họ có thể đưa máy bay quân sự tới khu vực này bất cứ lúc nào họ muốn”.
“Hành động này còn ám chỉ Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh không quân ra toàn Biển Đông theo tình hình và như họ mong muốn”, ông Schuster nói thêm.
Cũng theo ông Schuster, tiêm kích J-10 có phạm vi chiến đấu là 750 km. Do đó, phần lớn diện tích Biển Đông và tuyến đường vận tải biển quan trọng nằm trong phạm vi kiểm soát của J-10.
Bên cạnh đó, việc 4 tiêm kích J-10 không mang theo các bình nhiên liệu dự phòng cho thấy, các chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ được tiếp nhiên liệu ngay trên đảo Phú Lâm. Nói cách khác, Trung Quốc muốn duy trì sự hiện diện của J-10 ở đảo Phú Lâm trong một khoảng thời gian.
Ông Schuster nhấn mạnh, khả năng J-10 được điều động tới đảo Phú Lâm để tham gia hoạt động huấn luyện nhằm chuẩn bị cho việc Trung Quốc ra tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên toàn Biển Đông.
Hồi năm 2016, Trung Quốc từng lên tiếng cho rằng nước này có quyền áp đặt ADIZ trên Biển Đông. Theo đó, tất cả máy bay đi qua Biển Đông đều phải thông báo trước cho Trung Quốc.
Trước đó, vào năm 2103, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông . Hành động của Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Nhật Bản và Mỹ.
Theo số liệu của Viện Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), trong những năm qua nhằm hiện thực hóa tham vọng bá chủ Biển Đông, Trung Quốc đã trái phép cho cải tạo và xây dựng các hòn đảo nhân tạo , đồng thời triển khai tên lửa đất đối không, xây dựng 20 nhà chứa máy bay, xây đường băng và cải tạo 2 cảng biển.
Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc.
Sự xuất hiện của 4 tiêm kích J-10 ở đảo Phú Lâm diễn ra sau hơn một năm Trung Quốc cho điều động các oanh tạc cơ tầm xa H-6K tới khu vực này để thực hiện những chuyến bay thử nghiệm.
Quân đội Trung Quốc từng khẳng định, việc điều động H-6K ra đảo Phú Lâm là một phần trong sứ mệnh mở rộng phạm vi hoạt động của không quân nước này trong khu vực cũng như tăng khả năng triển khai nhanh và năng lực tấn công.
Chuyên gia quân sự Wang Mingliang cho rằng, hoạt động tăng cường huấn luyện của Trung Quốc sẽ giúp không quân nước này đẩy nhanh khả năng chuẩn bị và đối phó trước vô vàn mối đe dọa an ninh trong khu vực.
Thậm chí, hồi năm 2017, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc từng đưa tin các chiến đấu cơ như J-11 sẽ được triển khai ra đảo Phú Lâm lần đầu tiên khi hệ thống nhà chứa máy bay mới được xây dựng nhằm bảo vệ tiêm kích khỏi tác động của nhiệt độ cao và độ ẩm lớn ở đây.
Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động không có sự cho phép của Việt Nam ở hai quần đảo này đều là phi pháp.