Theo CNN, các hệ thống tên lửa được Trung Quốc lắp đặt trái phép đã tái xuất hiện trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, sau khi có thông tin cho rằng Trung Quốc đã dỡ bỏ các hệ thống tên lửa này.
Các hình ảnh vệ tinh mới nhất được ISI đưa ra ngày hôm nay (11/6) đã chứng minh Trung Quốc lại lắp đặt trái phép hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm.
Trước đó, các hình ảnh vệ tinh do ImageSat International (ISI) chụp được hồi đầu tháng 6 đã cho thấy hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 và lưới ngụy trang do Trung Quốc lắp đặt trái phép dường như đã được chuyển đến một địa điểm khác, hoặc được di chuyển trong một cuộc tập trận.
Ảnh vệ tinh cho thấy hệ thống tên lửa do Trung Quốc lắp đặt trái phép tái xuất hiện trên đảo Phú Lâm, sau khi tạm thời được dỡ bỏ trong vài ngày. Ảnh ISI.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng leo thang, khi Mỹ tăng cường các đợt tuần tra tại khu vực này, và Trung Quốc lần đầu tiên cho máy bay ném bom hạ cánh trái phép ở Hoàng Sa.
Một số ý kiến cho rằng việc dỡ bỏ hệ thống tên lửa trái phép là phản ứng của Trung Quốc sau khi Mỹ đưa ra lời đe dọa ngụ ý có thể cho "nổ tung" các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép, và tăng cường tuần tra trên Biển Đông.
Tại Đối thoại Shangri-La 2018, đại diện Bắc Kinh đã ngang ngược thừa nhận triển khai vũ khí và quân sự hóa trái phép trên Biển Đông nhằm bảo vệ thứ mà Trung Quốc cho là chủ quyền tại khu vực này.
Khi ấy, các chuyên gia về tên lửa cũng đã tỏ ra hết sức nghi ngờ về việc Trung Quốc dỡ bỏ toàn bộ tên lửa khỏi đảo Phú Lâm. Thay vào đó, họ đưa ra giả thiết rằng Trung Quốc đã tạm thời đưa chúng đi bảo trì.
"Do muối và độ ẩm trên đảo có tính ăn mòn cao, nên có thể [Trung Quốc] đã đưa hệ thống tên lửa HQ-9 về đại lục để bảo trì theo định kỳ", ông Timothy Heath, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Tập đoàn Rand, nhận định.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về báo cáo trên của ISI.
Lầu Năm Góc đưa ra lời cảnh cáo đối với hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông