Pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS, có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 80km, là một trong những hệ thống vũ khí tinh vi nhất mà Mỹ cung cấp cho Kiev kể từ khi Mátxcơva khai màn chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng vào tháng 2/2022.
Tuy nhiên, một sĩ quan vận hành máy bay không người lái của Ukraine mới đây đã mô tả những nỗ lực của Nga trong việc làm gián đoạn hoạt động của các bệ phóng HIMARS là "đáng kể", điều mà ông chưa từng thấy trước tháng 11 năm ngoái. Một quan chức Lầu Năm Góc đã mô tả quá trình tìm kiếm những cách thức mới để chống lại nỗ lực của Nga là "trò chơi mèo vờn chuột không dứt".
Cũng theo nguồn tin từ Lầu Năm Góc, Mỹ đã và đang giúp Ukraine chống lại việc gây nhiễu bằng cách điều chỉnh phần mềm nhắm mục tiêu và "liên tục hiệu chỉnh để chúng hoạt động hiệu quả". Quan chức này cho biết các bản cập nhật đã được thực hiện "gần đây nhất là trong tuần này."
Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã cam kết cung cấp 38 hệ thống HIMARS cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 1 cho biết việc viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev đã khiến NATO trở thành một bên tham gia cuộc xung đột. Các quan chức ở Mátxcơva đã cáo buộc Ukraine sử dụng HIMARS và các vũ khí khác do phương Tây cung cấp để pháo kích các thành phố.
Hôm 4/5, ba người, trong đó có một cậu bé sáu tuổi, bị thương ở Donetsk sau khi thành phố này bị tên lửa HIMARS tấn công, chính quyền địa phương cho biết.
Ukraine không bình luận về các cáo buộc này.