Tín hiệu đáng lo ngại của nền kinh tế hàng đầu thế giới
Trong những tuần gần đây, Trump đã cấp tập yêu cầu cho các trợ lý phát triển các đề xuất nhằm củng cố niềm tin của người Mỹ đối với nền kinh tế, CNN dẫn lời một số quan chức quen thuộc với vấn đề này.
Trong đó là các biện pháp như cắt giảm thuế, thông qua hiệp định thương mại mới Bắc Mỹ và tăng áp lực lên Cục Dự trữ liên bang (FED) giảm lãi suất. Các quan chức cho biết, ông Trump và các trợ lý hàng đầu - bao gồm cả con rể, cũng là cố vấn cấp cao Jared Kushner - đã gọi điện cho các lãnh đạo doanh nghiệp để cập nhật về cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và biện pháp kinh tế khác trong một nỗ lực trấn an.
Ông Trump cũng chỉ thị cho các trợ lý có kế hoạch sẵn sàng vào mùa thu này trong trường hợp các dấu hiệu cảnh báo kinh tế biến động theo hướng tồi tệ hơn.
Điều trớ trêu là phần lớn các dấu hiệu cảnh báo gần đây xuất hiện là kết quả của cuộc chiến thương mại do chính ông Trump khởi xướng. Các đợt thuế quan mới được công bố đối với Trung Quốc trong vài tuần qua đã khiến thị trường thêm lo ngại trong bối cảnh đầu tư kinh doanh đang giảm dần.
Cuối tuần qua, chính phủ Mỹ công bố, đã có thêm 130.000 việc làm vào tháng 8, một con số đáng kể nhưng vẫn còn dưới mức mong đợi. Hai tháng trước, 20.000 việc làm đã bị giảm đi, tốc độ tuyển dụng cũng chậm lại trong thời gian gần đây.
Thế lưỡng nan của ông Trump
Ngay cả khi ông Trump buộc các trợ lý triển khai các kế hoạch tăng cường niềm tin của người tiêu dùng, có rất ít dấu hiệu ông sẵn sàng thực hiện một bước có thể có tác dụng lớn nhất: hạ nhiệt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Thay vào đó, ông khẳng định Mỹ dễ dàng thắng cuộc chiến thương mại, ngay cả khi có những dấu hiệu bất ổn.
Những con số trong tuần này cho thấy sản xuất của Mỹ đã giảm lần đầu tiên trong 3 năm trong mùa hè. Mặc dù thống kê trong một tháng chưa thể hiện xu hướng, nhưng đó là một dữ liệu khác cho thấy sự ổn định suy giảm tại các nhà máy của Mỹ.
Tuần trước, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc điện đàm để sắp xếp vòng đàm phán tiếp theo, dự kiến vào đầu tháng 10. Động thái này được Phố Wall coi là một dấu hiệu của sự tiến triển, sau nhiều tuần bế tắc.
Tổng thống Trump đã thúc ép đội ngũ thương mại của mình tiến hành các cuộc đàm phán, ngay cả khi ông tỏ ra không sẵn sàng nhượng bộ trước yêu cầu của Trung Quốc. Thay vào đó, ông đưa ra ý tưởng về việc tăng mạnh các khoản thuế, CNN dẫn lời các nguồn thạo tin.
Ngay cả một số trợ lý của ông Trump cũng ngầm thừa nhận rằng việc chấm dứt tình trạng bế tắc thương mại sẽ là bước tiến lớn nhất để củng cố nền kinh tế.
Một cách bí mật, Trump đã bắt đầu thừa nhận rằng cuộc chiến thương mại kéo dài có thể không phải là một chiến lược chính trị thắng lợi, theo một nguồn tin.
Nhưng hiện tại, trong đội ngũ của ông Trump, có rất ít người có quan điểm phản đối việc leo thang chiến tranh thương mại.
Những người phản đối các biện pháp thuế quan, như Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn hoặc Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Kevin Hassett, đều đã ra đi. Cố vấn cấp cao Kushner và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người đã có một vị trí ôn hòa trong các cuộc tranh luận về Trung Quốc, giờ đây đều có tiếng nói rất hạn chế, theo những người quen thuộc với vấn đề.
"Tôi nghĩ bạn không thể thay đổi ý kiến của người khác về điều họ đã tin tưởng trong 30 năm và không thực sự quan tâm đến việc lắng nghe sự thật", một cựu quan chức cao cấp trong chính quyền nói.
Tổng thống Trump hiện tại bị giằng co giữa những lựa chọn khác nhau về Trung Quốc: hoặc nhượng bộ và tỏ ra yếu kém, hoặc kiên quyết áp dụng thuế quan và gây ra sự bất ổn kinh tế hơn nữa. Cả hai lựa chọn đều có thể gây tổn hại về mặt chính trị, chính điều này đã khiến Tổng thống phải yêu cầu thực hiện các biện pháp khác để thúc đẩy nền kinh tế.