Sau ba tuần áp dụng cách ly xã hội, Việt Nam đã dỡ bỏ các quy tắc này vào cuối tháng 4. Các doanh nghiệp và trường học đã mở cửa trở lại, và cuộc sống đang dần trở lại bình thường.
Bác sỹ về bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites, đang công tác tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những bệnh viện lớn của Việt Nam được chỉ định điều trị cho bệnh nhân Covid-19, cho biết số liệu về ca bệnh ở Việt Nam phản ánh tình hình thực tế.
"Tôi đi đến các bệnh viện hàng ngày. Tôi nắm được các ca nhiễm bệnh và tôi biết không có trường hợp tử vong nào. Nếu có sự lây truyền trong cộng đồng không được báo cáo hoặc không được kiểm soát thì các bệnh viện sẽ ghi nhận các ca nhiễm bệnh. Không bao giờ xảy ra trường hợp người dân có triệu chứng viêm đường hô hấp tới bệnh viện mà không được thăm khám," ông Thwaites nói.
Theo các chuyên gia y tế công cộng, đáp án cho thành công ở Việt Nam nằm trong sự kết hợp của các yếu tố, từ sự ứng phó hiệu quả và nhanh chóng của chính phủ đến việc theo dõi và kiểm dịch nghiêm ngặt và truyền thông công cộng hiệu quả.
01.
Hành động sớm
Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho cho sự bùng phát của dịch Covid-19 nhiều tuần trước khi ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Vào thời điểm đó, ngay cả chính phủ Trung Quốc - nơi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên - và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều cho biết không có "bằng chứng rõ ràng" về việc lây truyền từ người sang người. Nhưng Việt Nam ngay từ đầu đã hành động rất thận trọng.
"Chúng tôi không chỉ chờ đợi các hướng dẫn từ WHO mà sử dụng dữ liệu thu thập từ trong và ngoài nước để quyết định hành động sớm," ông Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, có trụ sở tại Hà Nội, nói với CNN.
Bác sỹ Thwaites cho biết tốc độ phản ứng của chính phủ là lý do chính đằng sau thành công của cuộc chiến với dịch Covid-19.
Chính phủ đã có những hành động chống lây lan dịch vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, sớm hơn nhiều các quốc gia khác. Và các biện pháp này rất hiệu quả... giúp Việt Nam có thể kiểm soát dịch bệnh tốt.
Ngay đầu tháng 1, việc kiểm tra nhiệt độ hành khách đã được triển khai cho các chuyến bay từ Vũ Hán tới sân bay quốc tế Nội Bài.
Đến giữa tháng 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các cơ quan chính phủ thực hiện "các biện pháp quyết liệt" để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, sân bay và cảng biển.
Khi Việt Nam trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 27/1 đã nhấn mạnh "Chống dịch như chống giặc". Ba ngày sau, ban chỉ đạo quốc gia về việc kiểm soát dịch được thành lập, cùng ngày WHO tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Trong suốt tháng 2, khi dịch bệnh lan tới nhiều nước, Việt Nam đã áp dụng kịp thời các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn virus corona xâm nhập.
Việt Nam cũng nhanh chóng chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát, cách ly và quản lý chặt chẽ ngay khi phát hiện các ổ dịch. Các trường học và trường đại học, dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào tháng hai sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, được lệnh tiếp tục đóng cửa, và mới đây mở cửa trở lại vào tháng 5.
02.
Truy tìm lịch sử ca bệnh
Nhờ những hành động sớm mang tính quyết định, Việt Nam đã ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và duy trì số ca nhiễm chỉ là 16 ca cho đến đầu tháng 3.
Sau khi phát sinh các ca nhiễm mới, nhà chức trách tiến thành truy tìm nghiêm ngặt tiền sử tiếp xúc của các bệnh nhân và thực hiện cách ly.
Chúng tôi có một hệ thống y tế rộng khắp với 63 Trung tâm kiểm soát dịch (CDC) cấp tỉnh, hơn 700 CDC cấp huyện và hơn 11.000 trung tâm y tế xã. Tất cả các trung tâm đều có nhiệm vụ truy tìm dấu vết tiếp xúc của người bệnh.
TS. BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW
Theo lời ông Phạm Quang Thái, thông tin ca nhiễm mới được đăng tải trên báo giấy và được phát sóng trên truyền hình để thông báo cho người dân biết địa điểm và thời gian một bệnh nhân dương tính đã đến. Các phương tiện truyền thông còn kêu gọi người dân đến cơ quan y tế gần nhất để xét nghiệm nếu họ cũng đã ở nơi đó cùng thời điểm với bệnh nhân.
Khi bệnh viện Bạch Mai, một trong những bệnh viện lớn nhất Việt Nam, trở thành điểm nóng về dịch với hàng chục trường hợp nhiễm bệnh hồi tháng 3, chính quyền Hà Nội đã áp dụng cách ly đối với cả khu vực bệnh viện và theo dõi tiền sử tiếp xúc của gần 100.000 người liên quan đến bệnh viện, bao gồm nhân viên y tế, bệnh nhân, người thăm bệnh và những người tiếp xúc gần với họ.
"Sử dụng biện pháp truy xuất tiếp xúc, chúng tôi đã tìm gần như tất cả mọi người và yêu cầu họ ở nhà và tự cách ly. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, họ có thể đến các trung tâm y tế để xét nghiệm miễn phí," ông Thái nói.
Nhà chức trách cũng đã tiến hành xét nghiệm hơn 15.000 người có liên quan tới các bệnh viện, trong đó có 1.000 nhân viên y tế.
"Đây là điểm khác biệt trong cách phản ứng của chính phủ Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng có quốc gia nào đã thực hiện kiểm dịch kỹ lưỡng đến mức đó," ông Thwaites nói.
Tất cả các những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đều phải cách ly tại các trung tâm cách ly của chính phủ và các doanh trại trại quân đội.
03.
Truyền thông và tuyên truyền
Theo CNN, ngay từ đầu chính phủ Việt Nam đã truyền thông rõ ràng với người dân về sự bùng phát của dịch bệnh. Các trang web chuyên dụng, đường dây nóng điện thoại và ứng dụng điện thoại đã được thiết lập để cập nhật cho người dân về các tình huống mới nhất của dịch bệnh và cung cấp tư vấn y tế.
Bộ Y tế Việt Nam cũng thường xuyên gửi thông báo nhắc nhở tới người dân qua tin nhắn SMS. Ông Thái cho biết vào ngày cao điểm, chỉ riêng đường dây nóng quốc gia có thể nhận được 20.000 cuộc gọi, không tính hàng trăm đường dây nóng cấp tỉnh và cấp huyện.
Hệ thống tuyên truyền cũng nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân về sự bùng phát thông qua loa phường, áp phích dán trên đường phố, báo chí và phương tiện truyền thông xã hội.
Một băng rôn tuyên truyền kêu gọi người dân đề cao tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam (Ảnh: Tuấn Mark)
Vào cuối tháng 2, Bộ Y tế đã công bố một video âm nhạc hấp dẫn dựa trên một bản nhạc pop nổi tiếng của Việt Nam có chủ đề hướng dẫn người dân cách rửa tay đúng cách và các biện pháp vệ sinh trong lúc dịch đang lây ban nhanh chóng. Được biết đến như là "bài hát rửa tay", video này đã lan truyền rộng rãi và thu hút hơn 48 triệu lượt xem trên Youtube.
Ông Thwaites cho biết kinh nghiệm phong phú của Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm, như dịch SARS hồi năm 2002- 2003 và dịch cúm gia cầm, đã giúp chính phủ và người dân chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch Covid-19.
"Người dân Việt Nam có tinh thần cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia giàu có hơn hay các quốc gia không trải qua nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như châu Âu, Anh và Mỹ. Họ hiểu rằng những quy định phòng dịch cần phải được thực hiện nghiêm túc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh," ông Thwaites nói.