Bức tượng bò đực bằng đồng ở Phố Wall. Ảnh: Sina
Hãng tin CNN (Mỹ) gần đây đã đăng một bài báo với tiêu đề "Các ngân hàng lợi dụng nợ của Nga để kiếm bộn tiền", chỉ ra rằng, với việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt khác nhau, các ngân hàng Mỹ đã rút khỏi Nga, nhưng một số tổ chức tài chính trên Phố Wall đang tận dụng cơ hội trái phiếu của Nga bị bán tháo để kiếm bộn tiền.
Theo CNN, kể từ khi bùng nổ xung đột Nga – Ukraine, số lượng giao dịch nợ doanh nghiệp của Nga đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm qua.
Dữ liệu từ trang web của một công ty tiếp cận thị trường tại Mỹ cũng cho thấy rằng, từ ngày 24/2 đến 7/4, tổng mức giao dịch nợ có chủ quyền của Nga đạt 7 tỷ USD, tăng hơn 35% so với mức 5 tỷ USD cùng kỳ năm 2021.
Chính phủ Mỹ để lại "cửa sau" cho Phố Wall
Theo các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga do chính phủ Mỹ ban hành, các công ty Mỹ không được phép trực tiếp mua trái phiếu chính phủ Nga từ các tổ chức tài chính lớn của Nga. Nhưng Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành một bản ghi nhớ, nói rằng việc giao dịch tài sản của Nga trên thị trường thứ cấp là hợp pháp.
Theo CNN, bản ghi nhớ này phản ánh sự "thân thiện" của chính phủ Mỹ đối với Phố Wall, tương đương với việc để lại "cửa sau" cho hoạt động kinh doanh chênh lệch giá ở Phố Wall; và việc tận dụng cơ hội kinh doanh chênh lệch giá trong khủng hoảng là sở trường của Phố Wall.
Ví dụ, khi khủng hoảng nợ nổ ra ở châu Âu, Ireland là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng Quỹ Trái phiếu Toàn cầu Templeton ở Phố Wall đặt cược rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ cứu Ireland, đã mua 1/10 trái phiếu có chủ quyền của Ireland và cuối cùng đã thu được lợi lớn.
Hệ thống tài chính hiện tại bị trừng phạt của Nga đang phải đối mặt với thử thách nghiêm trọng, và Phố Wall đương nhiên sẽ không từ bỏ cơ hội này. Mặc dù tất cả các tổ chức tài chính ở Phố Wall đã tuyên bố từ bỏ thị trường Nga, nhưng trên thực tế họ không hề từ bỏ.
Lấy Citibank làm ví dụ, ngân hàng này có 500.000 khách hàng cá nhân và 3.000 khách hàng doanh nghiệp ở Nga, và các khoản đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh phái sinh là rất lớn.
Trang CNN nhận định, trên thực tế, ngay cả khi vi phạm lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ, Phố Wall có thể không quá lo lắng.
Vào năm 2014, Mỹ đã áp đặt vòng trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga, cấm cung cấp tín dụng cho các công ty dầu mỏ của Nga, nhưng S&P Global đã phớt lờ và tiếp tục cung cấp tín dụng cho khách hàng Nga. Sau khi bị Bộ Tài chính Mỹ nhắc tên, S&P Global cuối cùng đã đạt được thỏa thuận dân sự với Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, chỉ phải trả 78.000 USD cho việc này.
Cũng theo CNN, các phương thức kinh doanh chênh lệch giá trên Phố Wall đầy rẫy những mánh khóe, và rất khó để mô tả.
Lấy ví dụ như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Nga - cơ quan bị Mỹ trừng phạt nặng nề. Cổ phiếu của ngân hàng này vốn có giá trị ròng 70 tỷ USD, nay đã giảm hơn 90% do các lệnh trừng phạt. Phố Wall nhân cơ hội này mua lại với giá rẻ, để có thể thu lợi lớn trong tương lai. Goldman Sachs hiện cũng đang nỗ lực tìm kiếm cổ phần các công ty lớn của Nga đang khủng hoảng.
Theo một số nghiên cứu, JPMorgan Chase và Goldman Sachs từng kiếm được khoảng 100 triệu USD thông qua việc môi giới giao dịch trái phiếu và giao dịch phái sinh của Nga; Barclays cũng kiếm được ít nhất 50 triệu USD trong các hoạt động này.
Đồng Rúp của Nga. Ảnh: Sina
Kinh doanh chênh lệch giá nhưng cũng có rủi ro
Mặc dù Phố Wall luôn sẵn sàng tận dụng cơ hội kinh doanh chênh lệch giá trong khủng hoảng, nhưng cũng có những rủi ro. Rủi ro lớn nhất là Nga vỡ nợ khiến trái phiếu mua được với giá rẻ của Phố Wall trở thành "giấy lộn". Cho đến nay, ngoài các tổ chức và quỹ đầu cơ lớn ở Phố Wall dám mạo hiểm với rủi ro, hầu hết các tổ chức khác đều e ngại loại hình kinh doanh này.
Tuy vậy, vào ngày 11/4, Điện Kremlin cho biết, không có cơ sở khách quan nào cho thấy Nga không trả được nợ và "bất kỳ vụ vỡ nợ nào sẽ chỉ là do lỗi kỹ thuật và do người khác lên kế hoạch".
Những người chấp nhận rủi ro có thể nghĩ rằng tuyên bố của Nga sẽ giúp củng cố niềm tin vào trái phiếu Nga, trong khi những người bi quan có thể coi nó như lời giải thích cho một vụ vỡ nợ do lỗi kỹ thuật.
Nhưng rủi ro lớn hơn là không chỉ Phố Wall nắm giữ tài sản tài chính của Nga, mà các tổ chức tài chính của nhiều nước khác nhau cũng đang nắm giữ gần 100 tỷ USD chỉ riêng đối với trái phiếu có chủ quyền của Nga.
Trang CNN nhận định, không rõ Phố Wall có thể kiếm được bao nhiêu tiền bằng thông qua các lệnh trừng phạt Nga, nhưng nếu tài sản tài chính của Nga thực sự bị mất do các lệnh trừng phạt, các tổ chức tài chính ở nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Phố Wall, đều sẽ phải đối mặt với tổn thất.