Clip: Người đàn ông dùng tay không bắt rắn hổ mang chúa trong bụi rậm
Trong clip, một người đàn ông chuyên bắt rắn người Indonesia đã phát hiện thấy một con vật có kích thước lớn đang ẩn mình trong bụi cây rậm.
Sau khi quan sát kỹ lớp vảy của con vật này, người đàn ông xác định đây là một con rắn hổ mang chúa. Với kinh nghiệm lâu năm, người này đã dùng tay không khéo léo tóm lấy đầu con rắn và lôi ra khỏi nơi trú ẩn. Con rắn này là một con rắn hổ mang cái sắp đẻ.
Rắn hổ mang chúa thuộc họ Elapidae (họ rắn hổ), phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới, trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là 7 mét.
Loài rắn này được đánh giá nguy hiểm và đáng sợ trong phạm vi sinh sống của chúng, dù chúng thường không chủ động tấn công con người. Tuy nhiên, nếu cảm thấy bị khiêu kích, hổ mang chúa sẽ trở nên cực kỳ hung dữ.
Khi bị đe dọa, rắn hổ mang chúa sẽ sử dụng xương sườn và cơ đặc biệt ở cổ để làm bung "mũ trùm đầu" - vùng da quanh đầu. Những con rắn này cũng có thể nâng đầu lên khỏi mặt đất khoảng 1/3 chiều dài cơ thể của chúng.
Một vết cắn của hổ mang chúa chứa từ 200 - 500 mg nọc độc. Lượng nọc độc này đủ để giết một con voi châu Phi trong vài tiếng đồng hồ và khiến 20 người đàn ông trưởng thành tử vong trong chưa đầy một giờ.