Một đoạn clip ghi lại cảnh nữ chủ quán mặc bộ đồ sườn xám, tóc ngắn cá tính đang ngồi tráng cốc bằng nước sôi ở vỉa hè Hà Nội nhận được nhiều sự chú ý trên mạng xã hội. Đôi tay thoăn thoắt của cô chủ với màn "múa nước" giữa 2 chiếc cốc khiến nhiều thực khách trầm trồ, ngạc nhiên.
Clip "múa nước sôi" của cô chủ quán trà đá Hà Nội gây sốt trên MXH
Một số cư dân mạng dành nhiều lời khen cho nữ chủ quán chỉn chu, cẩn thận. Có lẽ chính hành động tráng cốc tỉ mỉ ấy đã nói lên sự tâm huyết với nghề, thể hiện sự tôn trọng khách hàng mà hiếm quán nước nào có được.
"Thời buổi vệ sinh an toàn thực phẩm làm ai cũng đau đầu, vậy mà đâu vẫn còn quán làm ăn sạch sẽ, có tâm", tài khoản D.Mai bình luận.
"Cô chủ quán trà vừa xinh đẹp vừa làm ăn tử tế. Mình đi ăn uống lúc nào cũng quan sát độ sạch sẽ đầu tiên. Thường chỉ ở nhà hay đi thưởng thức trà mới thấy người ta làm vậy", T.K viết.
Khi biết đoạn clip "tráng cốc" nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng, chị Nguyễn Ngọc Ly (SN 1984, quê Phú Thọ) khá bất ngờ. Quán trà đá của chị Ly nằm tại cổng bệnh viện trên phố Phương Mai (Hà Nội), là địa điểm "nhẵn mặt" của các người nhà bệnh nhân, các y bác sĩ cạnh Bệnh viện Lão khoa Trung Ương.
Chân dung cô chủ quán trà đá xinh đẹp
Chị Ly cho biết, hành động "tráng nước sôi" là thói quen được lặp lại suốt 10 năm qua. Trước đây, chị từng đun một nồi nước sôi để tráng cho tiện. Song vì bán ở khu tập thể nhỏ hẹp, đông người, sợ ai đó ra vào sẽ đụng phải nên chị chủ động tráng cốc trực tiếp. Việc tráng bằng tay tuy tốn nước, mất thời gian nhưng lại an toàn, sạch sẽ.
"Để thuần thục như bây giờ chắc phải vỡ không ít cái cốc rồi, có lúc còn bị bỏng nữa. Mình từng để một nồi nước sôi để nhúng nhưng bị đổ, chập điện nên thôi, từ đó chủ động làm cho nhanh và an toàn", chị Ly cười.
Bước ngoặt thay đổi cuộc đời cô chủ quán
Tâm sự về cơ duyên mở quán trà, chị Ly kể cách đây 10 năm chị từng làm nhiều công việc phổ thông, từ bốc vác, trông trẻ, công nhân, bán quần áo... Song khi mở bán thử trà đá lại thấy hợp nghề nhất.
"Ngày xưa khi mình trượt đại học, bà ngoại hỏi: Con muốn làm gì? Khi đó nhà bà có một cái sân rất rộng, có vài cái bàn, mình bảo, chỗ này mà bán hàng được thì thích quá nhỉ. Lúc nói với bà, các cậu mợ rằng con muốn bán trà đá, ai cũng cười. Đến khi làm thì lại thấy thực sự yêu thích công việc này", chị Ly bộc bạch.
Tiệm trà đá là nguồn thu nhập chính của chị Ngọc Ly
Nhớ ngày đầu mở bán, một tốp khách là bác sĩ ở bệnh viện dưới Hải Phòng lên Hà Nội công tác đã tới mở hàng. Khi uống nước, họ nhờ chị Ly tráng cốc trước khi rót trà vào. Chị Ly nhớ mãi câu nói của nam bác sĩ: "Thôi, ai cũng như anh chị, em cứ tráng cốc đều tay đi, rồi mọi thứ sẽ thay đổi". Và quả thực, thói quen tỉ mẩn, sạch sẽ ấy đã trở thành bí quyết giúp chị Ly giữ chân được lượng khách đều đặn.
Hiện chị Ly còn nấu thêm cả bún bò huế, chủ yếu bán cho các nhân viên trong viện và bệnh nhân. Từ tiệm bún bò chỉ với 3 - 4 bàn con con để ngồi trước vỉa hè, cô chủ quán trà giờ còn nhận "chạy ship", phục vụ tận giường bệnh.
Công việc vất vả nhưng chị Ly luôn tâm niệm phải giữ sự uy tín, sạch sẽ lên hàng đầu: "Bán đồ ăn mà, không nặng nhọc, nhưng mỗi thứ chuẩn bị lại rất mất thời gian, cần sự tỉ mỉ. Mình vẫn đùa với mọi người rằng, nếu bác nào thấy sợi lông lợn trong tô bún, em xin đền 100% tiền bát đó".
Chị Ly đã có hơn 10 năm làm nghề
Ngày 21/9 tới đây là dịp kỷ niệm tròn 10 năm bán hàng của chị Ngọc Ly. Nữ chủ quán cho rằng đây là một cột mốc đáng nhớ, khiến cả cuộc đời chị thay đổi. Bởi trước đây chị từng rất nhút nhát, rụt rè, ít nói. Nhưng khi làm công việc bán trà đá, công việc buộc phải tiếp xúc, va chạm nhiều người, nữ chủ quán thấy bản thân mạnh mẽ, dạn dĩ hơn. Thời gian rảnh rỗi, chị Ly còn đi tập boxing, hỗ trợ làm trợ giảng tại trung tâm.
Cô chủ quán trà đá còn là thành viên của CLB Boxing
Bộ môn thể thao giúp cô chủ 8X nâng cao sức khoẻ, giữ thân hình thon gọn. Chị Ly tâm niệm, để gắn bó với nghề, quan trọng phải tìm ra được sự hứng thú trong mỗi công việc.
"Bí quyết kinh doanh của mình chỉ gói gọn trong hai chữ niềm vui. Vốn liếng mở quán trà đá ra cũng không cần quá nhiều. Ví dụ hôm nào bán ế, cuối ngày mình nài nỉ vài người cầm chè mang về giúp cháu đi, gặp ai trên đường thì vui vẻ tặng họ", chị Ly bộc bạch.