Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ngắn, ghi lại cảnh cô giáo mầm non đang dạy một em học sinh tập đếm. Dù chỉ kéo dài hơn 1 phút nhưng đoạn clip này thu hút hơn triệu lượt xem, hơn 50.000 lượt thích và chia sẻ. Con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Điểm thú vị khiến người xem không khỏi bật cười là độ "bá đạo" của cậu học trò, khi em năm lần bảy lượt tính sai tổng số bức ảnh in hình chiếc váy.
Cụ thể, mặc dù cô giáo đã kiên nhẫn cùng em đếm đi đếm lại, nhưng cuối cùng, khi tính tổng số váy, em học sinh vẫn dõng dạc tuyên bố rằng tất cả có 3 cái váy. Trong khi đó, đáp án là 4.
Dạy học sinh như thế này thì cô giáo phải có tấm lòng bao la và kiên nhẫn vô bờ!
Nhiều người xem bình luận dí dỏm rằng, cậu bé này quả thực có...lập trường kiên định, trước sau như một, khi nhất quyết cho rằng tổng số váy là 3 mà cô giáo có nói cách nào cũng không hề...lay chuyển.
Tuy nhiên, đằng sau clip vui nhộn này lại làm nổi lên cuộc tranh luận sôi nổi xoay quanh chủ đề nghề giáo, và đặc biệt là giáo viên mầm non.
Đây được xem là công việc "tưởng dễ mà khó", tưởng nhẹ nhàng, đơn giản nhưng thông qua đoạn clip trên, nhiều người cũng phần nào thấu hiểu được nỗi vất vả của các thầy cô nuôi dạy trẻ.
Cô giáo mầm non cũng phải có...tinh thần thép và sự mềm mỏng cần thiết
Nhề giáo viên mầm non có những đặc thù và yêu cầu rất khác so với giáo viên ở các bậc học khác.
Bởi chỉ cần một chút vô ý có thể phải trả giá đắt. Nếu không đến lớp với tình yêu thương thật sự, lòng kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm, giáo viên sẽ không thể làm tốt công việc của mình.
Điều này cũng lý giải vì sao đây là bậc học có mối quan hệ giáo viên - phụ huynh chặt chẽ nhất, nhưng cũng là bậc học xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc, những tâm sự "không biết tỏ cùng ai".
Nickname Ngọc Mon, một cô nuôi dạy trẻ để lại bình luận giãi bày tâm sự về công việc của mình: "Chúng tôi còn có gần 25 con trong 1 lớp, 3 tuổi học nhận biết, 4 tuổi học phân biệt, 5 tuổi học nhận biết, phân biệt và nhớ lấy kiến thức để vào lớp 1.
Nhiều người nói cô nuôi dạy trẻ phải dịu dàng, không được đánh mắng các con, còn không chịu được áp lực thì nghỉ chứ đừng đổ lên đầu học sinh. Như thế không đúng.
Đi học, các con hư thì các mẹ nhắc nhở, giải thích, con mà quá hư, không nghe lời hoặc có những trẻ phải dùng từ "láo" thì đương nhiên phải phạt để các con hiểu và nhớ!
Có cô mới vào nghề vì áp lực quá mà khóc (tôi đã từng), nhưng cô sẽ dùng cách phạt để các con tự làm gương cho nhau mà biết nghe lời, chỉ một số trường hợp các cô nóng tính quá rồi cư xử không đúng mới đáng bị lên án.
Nếu các bạn cho con đi học, nhưng yêu cầu con hư cô giáo không được phép phạt hay dạy bảo thì các con chắc chắn sẽ không thể thành người!
Môi trường làm việc nào cũng có người này người kia, đừng đánh đồng tất cả. Các bạn cứ thử để 10 cái miệng cứ hét gào khóc, thưa gửi trong thời gian từ 7h sáng đến 5h chiều xem các bạn có áp lực không, huống chi là 25 -30 cháu!
Đấy là còn chưa tính đến hiện nay vấn đề tiếp thu của trẻ mầm non khi đi học khá chậm chạp vì cha mẹ quá nuông chiều và ỉ lại việc cho con chơi điện thoại, xem tivi..."
Nếu không đến lớp với tình yêu thương thật sự, lòng kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm, giáo viên sẽ không thể làm tốt công việc của mình. (Ảnh minh họa)
Để giáo viên mầm non giảm bớt áp lực và làm tốt hơn vai trò nuôi dạy trẻ, cần có sự chia sẻ, cảm thông từ các bậc phụ huynh học sinh.
Còn đối với những người đang làm nghề cũng đừng đổ lỗi cho áp lực, vất vả, bởi không có việc nào không đòi hỏi áp lực. Chỉ là, khi trách nhiệm song hành cùng yêu thương, lo lắng, cố gắng càng phải nhiều hơn...
Facebook Nguyen Huu Viet bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với công việc lắm nỗi vất vả và áp lực này: "Theo mình đây không phải công việc dạy học mà là "chơi với trẻ". Phải thực sự yêu trẻ, đặt mình vào vị trí của trẻ, chơi với chúng, tâm lý và hết sức nhẫn nại chứ không phải đơn giản.
Bởi vì tư duy của trẻ chưa thông minh được bằng người lớn, vì vậy phải chơi với chúng hơn là răn đe, từ đó hiểu rõ tâm lý của từng trẻ mà tìm cách dạy bảo chúng qua các trò chơi.
Chúng quấy nhiễu, nũng nịu, lì lợm...thì cũng chỉ vì chúng là "trẻ con" mà thôi. Hãy làm bạn với trẻ hơn là làm giáo viên với chúng. Những giáo viên nào hành hạ trẻ thì đúng là "con sâu làm rầu nồi canh", đáng phải lên án.
Nhưng phải nhìn rộng hơn, cũng không thiếu những giáo viên rất yêu trẻ, cho dù trẻ quậy cỡ nào cũng chịu được hết. Thậm chí cha mẹ đón về mà nó còn khóc mếu máo vì phải tạm biệt cô giáo nữa kìa."