CLIP: "Cầu lửa" bay qua bầu trời Mỹ, là mảnh tàu vũ trụ rơi ngược?

Anh Thư |

Phân tích của một nhà khoa học từ Harvard-Smithsonian đã tiết lộ nguồn gốc của quả cầu lửa khiến người dân ở Arizona, Colorado, New Mexico và Texas bối rối vài ngày trước.

Theo tờ Space đưa tin hôm 29-4, công ty vũ trụ tư nhân SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã "xác nhận sở hữu" quả cầu lửa làm người Mỹ bối rối 2 ngày trước đó, sau khi một phân tích của nhà thiên văn học và vật lý thiên văn Jonathan McDowell từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) chỉ thẳng tới họ.

Trước đó, Hiệp hội Khí tượng Mỹ đã theo dõi ít nhất 36 báo cáo về một quả cầu lửa lạ bay qua bầu trời từ nhiều bang của nước Mỹ.

CLIP: Cầu lửa bay qua bầu trời Mỹ, là mảnh tàu vũ trụ rơi ngược? - Ảnh 1.

Hình ảnh quả cầu lửa bay qua bầu trời Mỹ - Ảnh: Scott Davis

Nhiều báo cáo đi kèm hình ảnh và video, trong đó có một video sắc nét được quay từ Sân bay Quốc tế Denver (bang Colorado) của nhà quan sát Scott Davis. Hiện tượng lạ xảy ra vào rạng sáng ngày 27-4.

Sau khi các hình ảnh và video được công bố, tiến sĩ McDowell đã phân tích và cho rằng thứ gây ra cầu lửa chính là một tàu vũ trụ mà SpaceX phóng từ ngày 12-3.

Đó là một phần trong sứ mệnh NASA Crew-5, trong đó một tàu Space X Crew Dragon được khởi động để đưa hàng tiếp tế lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Khoảnh khắc thân tàu vũ trụ SpaceX tái nhập quay từ một số khu vực ở Mỹ - Ảnh: Scott Davis

Không phải toàn bộ tàu vũ trụ bay lên ISS, mà một phần thân tàu sẽ tách ra trên không trung và rơi ngược về phía Trái Đất. Phần này chịu trách nhiệm cung cấp năng lượng cho phần tàu chính và sẽ không còn cần thiết sau khi nó đã cất cánh thành công.

SpaceX cam kết đó là một vụ tái nhập bầu khí quyển an toàn, cũng như luôn từng bước cải thiện mô hình phá hủy phần thân tên lửa rơi ngược. Công ty này yêu cầu bất cứ ai gặp mảnh vỡ còn sót báo cáo ngay theo đường dây nóng và không nên chạm vào.

Việc các tàu vũ trụ hay tên lửa phóng tàu giải phóng một phần thân rơi ngược về Trái Đất là phố biến. Một phần mảnh vỡ sẽ bị bầu khí quyển đốt cháy, trong khi phần còn lại thường được tính toán để rơi xuống vùng an toàn - đại dương hoặc các khu vực không người.

Tuy nhiên, đôi khi người dân vẫn gặp các "vật thể lạ" này, nhất là trong các dòng tàu hay tên lửa mà phần rơi ngược không được thiết lập điều hướng, ví dụ tên lửa Long March 5B mà Trung Quốc hay dùng đã nhiều lần bị cáo buộc làm rơi mảnh xuống các quốc gia ven biển Đông Nam Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại