Sáng tỏ vụ “giăng bẫy hụt” tàu ngầm Liên Xô của Hải quân Canada Mỹ đau đầu với tàu ngầm chở ma túy
Nỗ lực táo bạo được thực hiện dưới vỏ bọc hoạt động khai thác dưới đáy biển được tài trợ bởi tỷ phú Howard Hughes.
Dự án Azorian được đánh giá là nỗ lực kỹ thuật đại dương đầy tham vọng nhất mà con người cố gắng thực hiện. Nó có thể được so sánh với cuộc đổ bộ Mặt Trăng năm 1969 về mức độ thành tựu công nghệ.
Sau vụ tai nạn tàu ngầm tên lửa Liên Xô - trong đó có ngư lôi và tên lửa vũ trang hạt nhân cũng như thiết bị mật mã - bị đắm vào tháng 3-1968, các cơ quan tình báo Mỹ đã có thể xác định vị trí chính xác và phát triển phương tiện nâng tàu ngầm từ độ sâu khoảng 5km.
Cuốn sách “Project Azorian: The Raising of the K-129” - phát hành vào cuối năm 2009 với một phần ba tài liệu bị kiểm duyệt – là câu chuyện chưa được kể về Dự án Azorian của CIA cuối cùng đã được tiết lộ sau nhiều thập niên chìm sâu trong bí mật. Mặc dù các cuốn sách khác đã được xuất bản về dự án bí mật này, nhưng không có cuốn sách nào dựa trên các cuộc phỏng vấn với những người tham gia hoặc trên các tài liệu chính phủ được phân loại.
Hai tác giả Norman Polmar và Michael White thực hiện hàng loạt cuộc phỏng vấn những người đàn ông trên tàu Glomar Explorer và USS Halibut (chiếc tàu ngầm Mỹ tìm thấy chiếc tàu ngầm bị chìm K-129), các sĩ quan tình báo hải quân Mỹ kể cả chỉ huy sư đoàn tàu ngầm Liên Xô. Hai tác giả cũng có quyền truy cập vào nhật ký của Glomar Explorer và các tài liệu khác từ nguồn của Mỹ và Liên Xô.
Phát triển “Dự án Azorian”
Tại một góc trong cuộc triển lãm của Bảo tàng Điệp viên Quốc tế mới vừa diễn ra ở Washington D.C., khách tham quan sẽ nhìn thấy một bảng điều khiển tàu ngầm, một bộ tóc giả có mái xù, bản in chi tiết và một miếng mangan được trưng bày. Chúng nằm trong số các di tích của một nhiệm vụ gián điệp rất táo bạo thời Chiến tranh Lạnh.
Nhiệm vụ có tên mã là “Dự án Azorian” liên quan đến CIA với nhiệm vụ xây dựng một con tàu dài 183 mét để trục vớt một chiếc tàu ngầm Liên Xô nặng 1.750 tấn, dài 40 mét đang nằm sâu gần 5km dưới đáy đại dương.
Nhiệm vụ tuyệt mật bắt đầu từ năm 1968 khi tàu ngầm tên lửa đạn đạo K-129 của Liên Xô bị mất tích một cách bí ẩn ở đâu đó trên Thái Bình Dương. Trong thời kỳ Khủng hoảng tên lửa hậu Cuba này, cả tàu ngầm Mỹ và Liên Xô đều rình mò trên biển khơi với vũ khí hạt nhân trên tàu, chuẩn bị cho cuộc chiến tiềm tàng có thể nổ ra vào bất cứ lúc nào.
Một số báo cáo chỉ ra rằng vụ chìm tàu do lỗi cơ học ví dụ như hệ thống đánh lửa động cơ tên lửa bị trục trặc, trong khi phía Liên Xô nghi ngờ người Mỹ phá hoại ngầm.
Sơ đồ kế hoạch trục vớt tàu ngầm K-129 trong Dự án Azorian được trưng bày tại Bảo tàng Điệp viên Quốc tế.
Sau 2 tháng, Liên Xô từ bỏ việc tìm kiếm K-129 cũng như số vũ khí hạt nhân trên tàu. Nhưng Mỹ xác định chính xác K-129 chìm sâu khoảng 5km dưới mặt nước và cách Hawai 2.400 ki lô mét về phía Tây bắc.
Theo tài liệu giải mật về dự án của CIA, “không có quốc gia nào trên thế giới thành công trong việc nâng một vật thể có kích thước và trọng lượng này từ độ sâu như thế”. Do đó, cộng đồng tình báo Mỹ hết sức cân nhắc về tỷ lệ chi phí so với phần thưởng của một công việc tốn kém và rủi ro như vậy ngay cả khi tàu ngầm hứa hẹn tiết lộ cả một kho thông tin cực kỳ quý giá về mặt quân sự.
Theo giám đốc bảo tàng Vince Houghton, giá trị của K-129 không chỉ xuất phát từ những tài liệu mật mã và đầu đạn hạt nhân trên tàu mà còn có cơ hội hiểu được quy trình sản xuất đàng sau các tàu ngầm Liên Xô.
Nếu giới quân sự Mỹ biết được thông tin về các hệ thống sonar của K-129 hoạt động như thế nào, hoặc các cơ chế giúp tàu ngầm giữ im lặng dưới nước, họ có thể cải thiện khả năng phát hiện ra chúng.
Năm 1967, Liên Xô đã xây dựng được một kho vũ khí hạt nhân đủ lớn để cạnh tranh sức mạnh quân sự răn đe với Mỹ. Do đó, người Mỹ khao khát có được lợi thế cạnh tranh mà K-129 có thể mang lại.
Tàu ngầm K-129 của Liên Xô.
Giới chức CIA đề xuất một số phương án nghe có vẻ không khả thi để trục vớt tàu ngầm Liên Xô. Một đề nghị liên quan đến việc tạo ra đủ khí gas dưới đáy đại dương để làm nổi chiếc tàu ngầm lên mặt nước. Ngoài ra, CIA còn đưa ra ý tưởng một “móng vuốt” khổng lồ bằng thép sẽ nắm và kéo K-129 vào bụng của một con tàu khổng lồ.
Ban đầu, CIA tự hào Dự án Azorian có khoảng 10% cơ hội thành công. Thế nhưng về mặt luật pháp, chính phủ Mỹ lo ngại dự án có thể bị ghép tội danh vi phạm bản quyền nếu Liên Xô phát hiện kế hoạch trục vớt tàu ngầm bất hợp pháp.
Muốn vượt qua căng thẳng ngoại giao đồng thời thu thập được kho thông tin quý giá lượm lặt từ bí mật của K-129, CIA phải bịa ra một câu chuyện với sự giúp đỡ của tỷ phú bí ẩn Howard Hughes.
Sự đóng góp của một tỷ phú
Ông trùm hàng không Mỹ đồng ý kế hoạch chế tạo con tàu dài 618 feet đặt tên là Hughes Glomar Explorer, được quảng cáo rầm rộ là tàu nghiên cứu khai thác dưới biển sâu. Năm 1972, một buổi lễ ra mắt con tàu diễn ra một cách rầm rộ với rượu sâm banh và sự tham gia của giới truyền thông.
Khi con tàu lần đầu tiên đi từ Pennsylvania đến vùng biển gần Bermuda để thử nghiệm vào năm 1973, tờ Los Angeles đã ghi nhận dịp này, mô tả con tàu “bị che khuất trong bí mật”. Trong khi đó, thông tin chi tiết về điểm đến cũng như nhiệm vụ của chiếc tàu Glomar Explorer không được tiết lộ.
Tiếp theo, Glomar Explorer hướng đến Thái Bình Dương quanh Nam Mỹ vì nó quá lớn để có thể đi qua Kênh đào Panama. Cuối cùng, Glomar Explorer đến cảng Long Beach bang California và chuyển lên tàu hơn 20 xe tải đầy đủ thiết bị (bao gồm phòng tối, hệ thống xử lý giấy và chất thải hạt nhân) để phân tích những bí ẩn chứa bên trong K-129.
Trong khi đó, một đội đặc nhiệm phụ trách xây dựng “móng vuốt” (biệt danh là “Clementine” và chính thức được biết đến với cái tên là “phương tiện bắt giữ”) trong một chiếc sà lan khổng lồ đặc biệt có tên HMB-1 ở Redwood City bang California.
Chiếc sà lan HMB-1 nặng 51.000 tấn bên dưới Cầu Golden Gate.
Vào mùa hè năm 1974, HMB-1 âm thầm lặn xuống biển và cặp vào bên dưới bụng Glomar Explorer ngoài khơi đảo Catalina miền nam California để chuyển giao “móng vuốt” thép. Sau đó, HMB-1 tách ra và trở về Redwood City.
Việc chuyển giao “móng vuốt” diễn ra trong bí mật tuyệt đối. Trong khoảng thời gian này, Glomar Explorer - với sự chấp thuận của Tổng thống Richard Nixon - lên đường đến nơi K-129 “nghỉ ngơi”.
Đến thời điểm này, Chiến tranh Lạnh đã đạt đến đỉnh điểm và vẫn có 2 tàu Liên Xô riêng biệt (chứa đầy thiết bị tình báo) theo dõi chặt chẽ chiếc “tàu thăm dò biển sâu” vì nghi ngờ nó hoạt động nhằm mục đích trục vớt tàu ngầm K-129. Nhưng nhiệm vụ của CIA vẫn tiếp tục mà không hề bị phát hiện. Chiếc tàu ngầm K-129 cuối cùng đã nằm trong tầm tay của “Clementine”.
Triển khai kế hoạch
Sau khoảng một tuần tiến triển chậm, Dự án Azorian cuối cùng đã hoàn thành việc nâng K-129, nhưng đó mới chỉ một phần. Theo “Project AZORIAN: CIA and Raising of K-129” - cuốn sách đồng tác giả của nhà sử học hải quân Norman Polmar và đạo diễn phim tài liệu Michael White; vào khoảng giữa quá trình, một vài cánh tay “Clemantine” túm lấy chiếc tàu ngầm bị gãy khiến cho một phần lớn thân tàu K-129 rơi trở lại đáy đại dương.
Trong khi các báo cáo trên phương tiện truyền thông và sách lịch sử nói chung cho rằng các thành phần đáng mong đợi hơn của tàu ngầm - như phòng mật mã - bị chìm dưới nước cho nên giám đốc bảo tàng Vince Houghton đặt ra mối hoài nghi về các chi tiết thất bại có thể khiến dự án phải bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, Glomar Explorer đã vớt được 6 thi thể thủy thủ K-129 rồi tổ chức lễ tang theo nghi thức quân đội (được CIA quay phim và trao cho Nga gần 20 năm sau) ngay trên biển.
Bộ tóc giả mà phó giám đốc CIA Vernon Walters thường dùng để ngụy trang khi đến thăm chiếc tàu Glomar Explorer.
Thật trùng hợp, việc cứu vớt thi thể này cũng dẫn đến phát hiện một số mẫu mangan từ đáy biển, vật liệu mà Glomar Explorer cố sức nghiên cứu. James Schlesinger, Bộ trưởng Quốc phòng của tổng thống Gerald Ford, phát biểu trong một cuộc họp tại Nhà Trắng: “Chiến dịch là một điều kỳ diệu”.
Vào đầu năm 1975, câu chuyện Dự án Azorian được đăng tải trên trang nhất tờ Los Angeles và phát sóng trên đài truyền hình quốc gia Mỹ.
Thực ra Seymour Hersh, phóng viên nổi tiếng của New York Times, đã âm thầm theo dõi dự án từ đầu năm 1973 nhưng không công bố câu chuyện do tôn trọng yêu cầu giữ bí mật từ giám đốc CIA William Colby. Sự tiết lộ về Dự án Azorian đã gây lo lắng cho Liên Xô.
Tình huống khó xử
Giới chức CIA cũng phải đối mặt với một tình huống khó xử về ngoại giao vào mùa xuân năm 1975. Trước sức ép từ đại sứ Liên Xô tại Mỹ và Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA) từ các nhà báo, CIA muốn tránh trực tiếp thừa nhận rằng họ đã đánh cắp trái phép một chiếc tàu ngầm bất chấp sự cảnh giác của Liên Xô, nhưng vẫn có nghĩa vụ phải trả lời bằng cách nào đó.
Houghton kể: “Dĩ nhiên, chính phủ Mỹ không muốn làm xấu mặt Liên Xô chủ yếu vì nếu làm như thế thì chẳng khác nào Washington thực sự đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia vào ngõ cụt.
Nói cách khác, lãnh đạo Liên Xô sẽ đáp trả lại thông qua các biện pháp trừng phạt hoặc tấn công lãnh thổ Mỹ”.
Trong nỗ lực thực hiện biện pháp thắt chặt ngoại giao này đồng thời tuân thủ các yêu cầu của FOIA, CIA đã không chính thức lên tiếng phủ nhận hay xác nhận.
Nhà sử học M. Todd Bennett bình luận rằng vụ việc về Dự án Azorian đã dẫn đến một “cuộc chiến tình báo” căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ với những đòn ăn miếng trả miếng hết sức gay cấn.
Vince Houghton cho biết 45 năm sau khi Glomar Explorer trục vớt được một phần của K-129 từ đáy đại dương, Dự án Azorian vẫn là “huyền thoại bên trong cộng đồng tình báo”. Vince Houghton cũng hài hước đánh giá về Dự án Azorian rằng nó “hết sức táo bạo, đầy tham vọng và nó gần như được đảm bảo chắc chắn… sẽ thất bại”.