Trên facebook cá nhân của anh Lê Mạnh Hà viết trước ngày giỗ của mẹ mình:
“Năm cuối bà hay ngâm nga:
Cuộc đời là một giấc mơ
Chàng mơ chinh chiến, em mơ bóng chàng
Ông đã chinh chiến suốt 45 năm, những năm cuối đời bà luôn ở bên ông. Cả hai hoàn thành giấc mơ cổ tích của đời mình. Giờ ông một mình chiến thắng bệnh tật”
Hàng chục ngàn người truy cập và hàng ngàn like cho bài viết này. Nhiều người xúc động về hình ảnh ông tặng bà bông hoa hồng trong khoảng khắc lãng mạn như cổ tích.
Bức ảnh được chụp lúc bà đã bắt đầu bệnh nặng, nếu nhìn kỹ sẽ thấy ống truyền thức ăn ở mũi của bà.
“Đặc quyền”… xa cách
Câu thơ cũng vận đúng vào cuộc đời của ông bà. Ông trải qua 4 cuộc chiến, là thương binh hạng 2/4. Bà ở nhà làm việc, nuôi con, chờ chồng.
Cuộc đời của ông bà như cuộc đời của những gia đình bộ đội thời chiến, bình dị mà khốc liệt.
Ông vào Nam chiến đấu khi con trai hơn 6 tuổi, con gái út hơn 4 tuổi. Và cứ thế biền biệt qua các chiến trường. Mỹ ném bom miền Bắc, các con mới 5, 6 tuổi đi sơ tán theo các trại trẻ quân đội trên khắp các nẻo đường.
Bà ở lại Hà Nội, chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện hữu nghị Việt-Xô. Cuối tuần bà đạp xe đi thăm các con, 3 đứa sơ tán ở 3 nơi xa Hà Nội 30-40 km, bà cứ lần lượt đi thăm, chủ yếu là 2 đứa nhỏ.
Có lần đi thăm con trai về, xe đạp của bà lao vào cái rãnh người ta đào trên đê, bà ngã lăn xuống chân đê gãy tay. Nằm mãi mới có người đi qua đỡ bà lên. Bà tự đạp xe về nhà với cánh tay đã gãy.
Tiêu chuẩn thực phẩm của ông để lại, bà chia hết cho các con. Thịt thì bà làm ruốc, bánh kẹo thì gửi cho các cô bảo mẫu ở các trại trẻ để phát cho các con ăn hàng ngày. Nhà ở 91 Lý Nam Đế có sân rộng, bà nuôi đàn gà cải thiện đời sống.
Có lần kẻ trộm vào bắt sạch mấy con gà. Sáng sớm bà ra chợ Đồng Xuân, đến mấy hàng bán gà bà chỉ chính xác gà của mình và nói đúng một câu: “Mấy con gà này là của tôi”.
Rồi đi về. Một lúc sau, một người đàn ông đến cổng nhà gọi oang oang: "Bà đẹp đẹp ơi, ra lấy gà của bà này”.
Thời gian Mỹ ngừng ném bom miềm bắc năm 70-72, các con về Hà Nội học thì lại đúng thời gian bà đi học bác sĩ. Trường lúc đó ở Bình Đà. Tối thứ bảy bà đạp xe về, 5 giờ sáng thứ hai đạp xe đi; nhiều hôm trời lạnh thấu xương, các con tiễn mẹ ra cổng mà rét run cầm cập.
Sau ngày đất nước thống nhất, bà có được “đặc quyền” mà không mấy ai có được. 30-4 giải phóng Sài Gòn, thì khoảng 8-9 tháng 5 năm 1975 bà đã được đi máy bay vào thăm ông.
Lúc về Hà Nội bà kể bao nhiêu chuyện lạ lẫm, không mua gì mang ra, chỉ cầm theo một ít mì tôm. Hàng xóm thực sự kinh ngạc vì những gói mì tôm ấy, lúc đó miền Bắc chưa ai biết đến mì tôm.
Năm 1976 ông được bổ nhiệm là tư lệnh quân khu 9 và đóng quân ở Cần Thơ. Bà sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó ông làm tư lệnh quân tình nguyện VN và chỉ huy chiến đấu ở Campuchia từ 1979 đến 1986.
Gần 30 năm cuối đời bà được sống gần chồng, từ lúc ông làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho đến cuối năm 2016. Cũng trong chừng ấy năm, bà luôn bên ông.
Khi ông làm Chủ tịch nước và cả lúc ông đã nghỉ, bà theo ông thăm địa phương, các đơn vị quân đội, đi nước ngoài. Bà luôn ngồi bên ông khi tiếp khách ở nhà. Ông nói chuyện hóm hỉnh nhưng thâm trầm và cười rất khẽ.
Bà hài hước sôi nổi kiểu dân xứ Quảng, có biệt tài nói lái, nói giọng Huế, Bình Định, Phú Yên… y như thật và ngửa cổ cười ha hả vô cùng sảng khoái.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân thăm trung đoàn không quân 937 vào tháng 5-1996
Bà chăm sóc ông từng bữa ăn, giấc ngủ. Kể cả khi lúc nằm viện vẫn thương ông ở nhà ăn cơm một mình. Ông mấy lần vượt qua bạo bệnh là có phần giúp sức không nhỏ của bà, với kiến thức, kinh nghiệm của một bác sĩ và tấm lòng của người vợ.
Ông nằm viện thì bà chăm sóc. Bà nằm viện, ông gần như ngày nào cũng đến thăm, bóp tay, vuốt tóc bà hàng tiếng đồng hồ. Có lúc cả hai cùng nằm viện thì ông đi xe lăn lên tầng trên thăm bà.
Ngày tết, bà chuẩn bị các bao lì xì để mùng 1 ông bà mừng tuổi các cháu thiếu nhi, con cháu trong nhà đến chúc tết. Bà mất, ông và cháu công vụ lụi cụi bỏ tiền vào từng bao lì xì trong cái tết đầu tiên không có bà.
Nói giản dị, liêm khiết là chưa đủ
Ông và bà giống nhau vô cùng ở chỗ rất giản dị và tiết kiệm.
Hồi sống ở TPHCM, bà vẫn nấu ăn bằng củi, củi mua và củi nhặt ở ngoài vườn. Tự tay bà chặt củi, nấu cơm. Mấy cái áo bà ba của bà cũng do bà tự khâu bằng tay. Nhà ở TPHCM rộng nhưng lúc nào cũng tối om om, bà ra khỏi phòng nào là tắt điện phòng đó.
Ra Hà Nội, ở nhà công vụ thì ông bà càng tiết kiệm, điện tắt gần hết. Nước máy bà vặn thật nhỏ, khi xát xà phòng là tắt nước, xát xong thì thì mới mở để rửa sạch xà phòng. Bà dặn các con, người giúp việc phải làm y như bà.
Khăn giấy là bà xé làm đôi đề dùng 2 lần. Ông bà mà nhìn thấy ai rút một lúc 2 cái khăn giấy là thế nào cũng nhắc nhở.
Chị Nguyễn Thị Nga cấp dưỡng, phục vụ ông đã gần 30 năm kể: “Bà chỉ có vài ba bộ áo dài may từ thời ông làm Chủ tịch nước để mặc trong các lễ trọng khi đi cùng ông, còn hàng ngày, bà mặc những bộ cánh lụa bình thường. Vậy mà mọi người lúc nào cũng thấy bà đẹp”.
Bà có những bộ quần từ ngày xửa, ngày xưa, không rõ năm nào. Ông cũng thế, “có hai quần Âu, ông mặc từ năm 1976 đến giờ. Ông rất ít khi cho may mới. Cái áo khoác mùa đông màu ghi sáng ấy, ở cổ tay bắt đầu sờn, ông vẫn dùng.
Cái áo bông của quân đội, bộ quần áo pyjama cũng đã lâu lắm rồi, ông nói vẫn dùng được thì không nên bỏ đi, tránh lãng phí” - thượng uý Nguyễn Mạnh Trường cảnh vệ tiếp cận cho biết.
Trong gian bếp của ông bà có những cái xoong đã 30 năm. Cái bếp điện cũng dùng 40 năm hơn rồi. Hỏng thì đi sửa lại chứ bà không cho mua mới. Chị Nga nói: “Các trạm trưởng ở đây có đề nghị thay nhưng bà cứ giữ.
Các anh chị con ông bà muốn mua mới cái gì cũng khó. Chỉ đến khi bà ốm nằm viện chị Hồng mới tự thay tủ lạnh mới. (Chị ấy biết nếu để trạm 66 thay thì ông bà sẽ giận).
Không cho trang bị, không cho mua, ông bà còn hạn chế cả việc nhận đồ người khác tặng. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể, hôm đại tướng Lê Đức Anh vừa mới nghỉ Chủ tịch nước, ông Vịnh và vợ đến thăm, thấy cái bàn hơi vẹo, bát đĩa cọc cạch.
Hai vợ chồng ông Vịnh ra mua hai bộ bát đĩa Minh Long, một cái bàn, 6 cái ghế chở đến biếu. Chiều thấy cậu Trường cảnh vệ gọi điện đến bảo: “Chú ạ, ông bảo chỉ xin bộ bát đĩa vì sắp tới có khách ăn cơm còn bàn ghế thì chú đến bê về”.
Chuyện ăn uống của ông bà cũng đơn giản. Buổi sáng hàng ngày, chị Nga cấp dưỡng cầm giấy bút đến bàn với bà thực đơn trong ngày.
Bà bảo nên mua ít, đủ ăn. Thực tế thì từ lúc ông làm Bộ trưởng đến khi là Chủ tịch nước, bữa ăn của ông bà hầu như không thay đổi.
Ông hay ăn thịt luộc chấm tôm chua Huế, sườn rim, canh mướp đắng, canh chua. Buổi sáng có thêm củ khoai lang… Ngon thì ông ăn nhiều, dở ăn ít chứ không nói gì.
Tiễn biệt
Ở đời, sinh li tử biệt âu là lẽ thường nhưng những ai được chứng kiến tình cảm của họ những năm tháng bên nhau càng thấy sự khó khăn của vị tướng vào sinh ra tử ấy khi chia xa người bạn đời tri kỉ của mình. Bà trút hơi thở cuối cùng vào ngày 18-11-2016.
Trong thời gian bà nằm viện, hàng ngày, sau giờ ăn sáng, ông chờ nhận tin nhắn từ bệnh viện 108 báo về để biết chi tiết tình hình sức khoẻ của bà. Chiều, ông vào thăm bà khoảng 1 tiếng.
Kể cả cho đến khi bà không còn nhận biết được nhiều, suốt cả tiếng ông cứ ngồi lặng lẽ cầm tay, vuốt tóc bà. Vài tuần trước khi bà mất, ông bị tai biến nhẹ. Chiều hôm ấy, ông mệt không vào thăm bà như thường lệ nữa.
Thế nhưng, khi ông vừa ăn tối xong, mới nằm nghỉ được một lúc thì bệnh viện gọi điện báo bà rất mệt, ông cần vào ngay. Vào đến nơi, ông nắm tay bà được khoảng 5-7 giây thì bà mất. Ông vẫn nắm tay bà rất lâu, rất lâu sau đó.
Hôm ấy, ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, vị đại tướng 96 tuổi ngồi trên xe lăn đi một vòng quanh nơi bà nằm, giơ tay chào kiểu nhà binh để tiễn biệt bà. Người lính già can trường ấy đã rơi nước mắt khi tiễn bạn đời về nơi an nghỉ cuối cùng.
Bây giờ, ông ở bệnh viện, kiên cường chống chọi cơn bạo bệnh. Các con luôn ở bên để cùng ông chiến thắng bệnh tật khi thiếu người bạn đời.
Bàn thờ bà ở số 5A Hoàng Diệu lúc nào cũng ấm áp hương khói, giản dị, trang nhã.
Chị Nga sáng sáng thay nước, thắp hương rồi mua trái cây đặt sẵn để trưa, chiều các anh chị về thắp hương cho bà.
Chị Nga nhớ lại ấn tượng lần đầu tiên gặp bà cách đây 30 năm: “Tóc bà bạc phơ, cười rất hiền. Bà đẹp như bà tiên vậy. Mấy chục năm qua, em ở với ông bà còn gắn bó hơn cả cha mẹ ruột.
Còn các anh chị trong gia đình rất giống ông bà, giản dị, không phô trương và kiệm lời. Họ ít khi thể hiện tình cảm bằng lời nói…”
Bà Võ Thị Lê chắc là người phụ nữ duy nhất có 30 năm sống trong doanh trại bộ đội cùng chồng. Cũng như ông, bà nằm ngủ trên chiếc giường cá nhân kiểu lính suốt mấy chục năm.
Ngôi nhà ông bà sống xứng đáng được gìn giữ và bảo tồn vì những giá trị lịch sử và tình thần.
Nơi ông bà sống là một không gian đặc biệt, mang đậm chất lính và cộng sản thuần khiết.